Thứ năm, 02/05/2024 05:04 (GMT+7)
Thứ bảy, 04/06/2022 14:13 (GMT+7)

ĐBSCL: Quản lý hiệu quả tài nguyên nước để phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Theo dõi KTMT trên

Trước diễn biến khó lường do biến đổi khí hậu, nước biển dâng tại khu vực ĐBSCL, nhiều chuyên gia cho rằng, các tỉnh tại ĐBSCL cần quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bảo vệ bền vững tài nguyên nước

Thời gian qua, vấn đề tài nguyên nước tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang là vấn đề khiến người dân, các cấp chính quyền và chuyên gia quan tâm do nhiều tác động tiêu cực. Cụ thể, tài nguyên nước tại ĐBSCL đang phải đứng trước nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc khai thác tài nguyên nước tại khu vực thượng ngần sông Mekong.

Theo các chuyên gia, việc sông Mekong bị tác động khiến sự thay đổi chế độ dòng chảy trong sông bị ảnh hưởng trực tiếp. Điều này dẫn tới tình hình xâm nhập mặn tại ÐBSCL, đặc biệt trong những năm kiệt tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, việc gia tăng dân số, phát triển kinh tế - xã hội cũng là những tác động nội tại ảnh hưởng trực tiếp tới tài nguyên nước.

ĐBSCL: Quản lý hiệu quả tài nguyên nước để phát triển kinh tế - xã hội bền vững - Ảnh 1
ĐBSCL hướng đến sử dụng bền vững tài nguyên nước để phát triển kinh tế - xã hội.

Để tận dụng những lợi thế vốn có của ĐBSCL, cũng như ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới vựa lúa lớn nhất đất nước, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ÐBSCL. Cụ thể như Nghị quyết số 24/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó là Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, hay sự kiện mới đây nhất được chủ trì bởi Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc tổ chức tổ Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thể hiện ý chí và nỗ lực quyết liệt của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong giải quyết tình hình.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, để đẩy mạnh vai trò quản lý tài nguyên nước, tỉnh An Giang đã xây dựng quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 quy định chi tiết các nội dung về phân bổ nguồn nước cho các nhu cầu sử dụng nước trong tỉnh; đồng thời đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho các địa phương hạ lưu sông Tiền, sông Hậu và xác định phân vùng chức năng sử dụng nguồn nước. Công tác thanh, kiểm tra và giám sát ngăn ngừa, phát hiện các sai phạm trong quản lý nguồn nước thực hiện kịp thời, đầy đủ.

ĐBSCL: Quản lý hiệu quả tài nguyên nước để phát triển kinh tế - xã hội bền vững - Ảnh 2
TP. Cần Thơ chú trọng quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.

Theo PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, để sử dụng bền vững tài nguyên nước tại ĐBSCL cần có phương án giảm khai thác nước dưới đất, tăng cường công tác dự trữ, sử dung nước mặt. Nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt là rất cần thiết. Mỗi địa phương cần phải quy hoạch, xây dựng giải pháp thích ứng phù hợp cho từng vùng, từng địa bàn. Đặc biệt, phải quy hoạch hệ thống sông ngòi, các hồ trữ nước ngọt để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trước biến đổi khí hậu như hiện nay. 

Thông tin về vấn đề quản lý tài nguyên nước trên địa bàn TP. Cần Thơ, ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ cho biết, mục tiêu của thành phố là quản lý tổng hợp tài nguyên nướcnhằm hướng đến việc quản lý hiệu quả, công bằng và bền vững tài nguyên nước đạt 3 mục tiêu cơ bản về kinh tế, xã hội và môi trường.

 “Tài nguyên nước trên địa bàn TP. Cần Thơ được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả; ý thức tiết kiệm và bảo vệ nguyên nước của người dân ngày càng nâng cao. Thành phố cũng siết chặt việc cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước đảm bảo theo quy định pháp luật; hạn chế tối đa việc khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ thông tin.

Định hướng quản lý tài nguyên nước

Nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước tại ĐBSCL, giữa tháng 5/2022 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo "Ðịnh hướng quản lý, khai thác, sử dụng phát triển bền vững tài nguyên nước ÐBSCL". Hội thảo đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý về bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Cửu Long, phục vụ việc lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến 2050.

Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, các cơ quan Trung ương cần sớm triển khai dự án Quy hoạch TNN lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh để đảm bảo thống nhất trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN trên lưu vực sông Cửu Long. Ðồng thời, ban hành cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy các hoạt động và giải pháp cụ thể về quản lý TNN theo hướng hợp tác liên vùng, xuyên biên giới; phát triển kinh tế trên cơ sở phát triển TNN; xây dựng bộ chỉ số TNN phục vụ công tác quản lý, bảo vệ TNN cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương…

ĐBSCL: Quản lý hiệu quả tài nguyên nước để phát triển kinh tế - xã hội bền vững - Ảnh 3
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm tọng đến tài nguyên nước tại ĐBSCL.

Tại hội thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ nguồn lực quản lý tài nguyên nước một cách thiết thực và hiệu quả cho thành phố cũng như vùng ĐBSCL. Cùng đó, tăng cường quản lý tài nguyên nước theo hướng tổng hợp, bền vững, tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực và liên kết các địa phương trong vùng ÐBSCL. Thành lập và vận hành hiệu quả Trung tâm dữ liệu vùng ÐBSCL để nắm bắt và chia sẻ kịp thời các thông tin về thời tiết, thủy văn… giúp địa phương đưa ra các quyết định nhanh trước những diễn biến thực tế tại địa phương.

Theo TS. Ngô Quang Toản, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trước mắt ĐBSCL cần xây dựng kế hoạch, quy hoạch dài hạn cho các vấn đề liên quan đến tài nguyền nước. Trong đó, chú trọng việc đảm bảo an ninh nguồn nước; quy hoạch sử dụng đất hợp lý, chủ động thích ứng với thay đổi xâm nhập mặn, giảm phụ thuộc vào nước ngọt, kết hợp kiểm soát ngập. Bên cạnh đó, quy hoạch chỉnh trị bảo vệ bờ sông, ven biển, bảo vệ giảm thiểu về sạt lở bờ sông và tăng cường hệ sinh thái ngập mặn ven biển.

“Hội thảo “Định hướng quản lý, khai thác, sử dụng phát triển bền vững tài nguyên nước ĐBSCL” hôm nay, chính là một phần của những nỗ lực trên, nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện các vấn đề về bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Cửu Long nói chung và các địa phương trên lưu vực nói riêng, phục vụ việc lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2050”,  Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết.

Theo PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ cho biết, ĐBSCL đang rơi vào thế bị động cả trước những hiện tượng thời tiết cực đoan lẫn những tác động mạnh mẽ của việc tích nước ở thượng nguồn. Điều này khiến cho việc đưa ra các giải pháp ứng phó gặp rất nhiều khó khăn. Để chủ động về nguồn nước, việc trữ nước ngọt cho ĐBSCL là điều rất cần thiết.

Về giải pháp, theo PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung, đối với vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, các vùng ven sông, cần trữ nước lũ vào các vùng trũng thấp, ao hồ và kênh rạch. Đối với vùng ven biển và bán đảo Cà Mau, trong suốt mùa lũ, bên cạnh trữ nước lũ, việc trữ nước mưa cũng rất quan trọng vì nếu lũ không về thì vẫn có nước sử dụng.

Thư Anh

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL: Quản lý hiệu quả tài nguyên nước để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hải Dương: Rộn ràng pháo đất Ninh Giang
Pháo đất từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Giang (Hải Dương). Nhất là cứ mỗi độ hè sang, tiếng pháo lại âm vang, rộn rã khắp mọi miền quê.