Thứ bảy, 27/07/2024 07:40 (GMT+7)
Thứ hai, 23/05/2022 18:55 (GMT+7)

ĐBSCL: Thúc đẩy nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Để đối phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đang diễn ra phức tạp, thời gian qua, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng "thuận thiên".

Trước tình hình biến đổi khí hậu và xâm nhậm mặn đang diễn ra phức tạp, các tỉnh thành có đường bờ biển tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những kế hoạch phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu như mô hình tôm – lúa, tôm –rừng, nuôi thủy sẳn nước mặn, nước lợ...

ĐBSCL: Thúc đẩy nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn đang phát huy hiệu quả tại vùng ĐBSCL.

Tiềm năng phát triển

Mới đây, trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bến Tre đã xác định rõ trong nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn mới của tỉnh là rà soát, điều chỉnh vùng nuôi, hình thức và đối tượng nuôi thủy sản phù hợp với định hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn nuôi thủy sản với chế biến và xuất khẩu. Phát triển toàn diện kinh tế biển gắn với bảo vệ vùng biển, tài nguyên biển; xây dựng và triển khai Đề án thành lập khu kinh tế ven biển. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm biển đạt 41,5 ngàn ha, trong đó nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao đạt 4 ngàn ha, sản lượng 114 ngàn tấn/năm.

Tại Trà Vinh, để đối phó với biến đổi khí hậu và phát huy lợi thế các khu vực ven biển, tỉnh Trà Vinh đã ban hành Chương trình phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025, và định hưởng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung phát huy vùng nước mặn của huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành và thị xã Duyên Hải. Đây là vùng nuôi thủy sản có tiềm năng phát triển mạnh, nhất là nuôi tôm thâm canh mật độ cao gắn với chế biến thủy sản, với khoảng 37.500ha đất nuôi thủy sản, sản lượng hàng năm khoảng 127.000 tấn; trong đó sản lượng nuôi nước mặn, nước lợ chiếm khoảng 95%.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Trà Vinh xác định, từ nay đến năm 2025, đẩy mạnh và tập trung rà soát lại diện tích nuôi cả trong đất liền và vùng bãi bồi ven biển. Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; lựa chọn các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, trong đó tập trung vào các đối tượng nuôi thủy sản có tiềm năng thể mạnh, khả năng cạnh tranh của tỉnh. Nghiên cứu nâng cao chất lượng tôm giống; củng cố, sắp xếp, khôi phục lại các hợp tác xã nuôi nghêu hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

Còn tại Sóc Trăng, theo thông tin từ Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh, nhằm phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; vừa qua, ngày 10/9/2021, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND về Thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Theo đó, tỉnh Sóc Trăng xác định mục tiêu đến năm 2030 là triển khai nghiêm túc, có chất lượng nhằm nâng cao công tác quản lý, điều hành và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp Chiến lược đề ra.

Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; xác lập cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, đảm bảo năng xuất, chất lượng và hiệu quả cao; xây dựng thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế...

Còn theo UBND tỉnh Kiên Giang, từ nay đến năm 2030, tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước biển dâng, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm. Hiệu quả kinh tế của ngành hàng này dựa trên việc tổ chức sản xuất phù hợp, đầu tư đồng bộ và áp dụng khoa học công nghệ tiến tiến vào toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm, đưa nuôi trồng thủy sản trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đó, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đến năm 2030 khoảng 288.260 ha, tổng sản lượng đạt 484.780 tấn các loại. Trong đó, nuôi tôm nước lợ 145.440 ha gồm: Nuôi công nghiệp - bán công nghiệp, tôm - lúa, quảng canh cải tiến, phấn đấu sản lượng 159.345 tấn; nuôi cua biển 86.590 ha, hơn 32.000 tấn; nuôi nhuyễn thể 26.900 ha, sản lượng 101.460 tấn; nuôi thủy sản trên biển 14.000 lồng (9,31 triệu m³), khoảng 105.690 tấn; diện tích còn lại nuôi thủy sản nước ngọt và những đối tượng khác hơn 86.200 tấn.

Để ngành thủy sản của ĐBSCL phát triển bền vững, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài việc giải quyết bài toán thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, để phát triển nuôi thủy sản đạt hiệu quả bền vững, ngoài yếu tố môi trường và kỹ thuật, thì rất cần đảm bảo về yếu tố kinh tế – xã hội, nhất là vấn đề đầu ra của sản phẩm. Bởi lẽ, vấn đề đầu ra nhiều loại thủy sản còn thường xuyên bấp bênh, chưa đảm bảo cho người nuôi có lời nên nông dân tại nhiều địa phương chưa dám đẩy mạnh nuôi trồng.

Nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ĐBSCL

Để giải quyết những khó khăn trong phát triển thủy sản vùng ĐBSCL, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Đề án nhằm mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL bền vững, phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng. Nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất dựa trên việc tổ chức sản xuất phù hợp, đầu tư đồng bộ và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào toàn chuỗi giá trị sản phẩm; đưa nuôi trồng thủy sản trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

ĐBSCL: Thúc đẩy nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 2
ĐBSCL đang đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi tôm-lúa.

Cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trên 4%/năm; giá trị xuất khẩu đạt trên 9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm nước lợ và cá tra đạt trên 80%. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 990.000ha, trong đó, tôm nước lợ 720.000ha, cá tra 7.447ha, cá rô phi đạt 6.350ha...Từ đó, tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 4,8 triệu tấn. Trong đó, tôm nước lợ đạt trên 1,2 triệu tấn; cá tra khoảng 2 triệu tấn; tôm càng xanh trên 80.000 tấn; cá rô phi trên 175.000 tấn; nhuyễn thể đạt trên 250.000 tấn và các loài thủy sản khác đạt khoảng 1,1 triệu tấn.

Đề án hướng đến việc, 100% vùng nôi trồng thủy sản tập trung được kiểm soát môi trường, dịch bệnh  và an toàn thực phẩm; giảm tỷ lệ diện tích thiệt hại do một số bệnh nguy hiểm gây ra trên tôm nuôi nước lợ xuống dưới 10%/năm và cá tra dưới 8%/năm.

Đồng thời, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hệ thống thủy lợi đáp ứng được trên 50% nhu cầu ở các vùng NTTS tập trung. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo vùng sinh thái, xây dựng các vùng nuôi tập trung thích ứng với biến đổi khí hậu… Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án khoảng 3.400 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là 1.000 tỷ đồng và vốn từ các nguồn khác là 2.400 tỷ đồng.

Nhằm tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TW, khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên canh đó, để đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách như Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020; Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 phê duyệt đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL; Quyết định 26/2008/QĐ-TTg ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đối với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đến năm 2010. Và gần đây là Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL…

Thư Anh

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL: Thúc đẩy nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

LỜI ĐIẾU đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Lời điếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc tại Lễ Truy điệu ngày 26/7/2024.
Thực hành ESG: Không dễ để triển khai!
Dù các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến định hướng chiến lược và hoạt động phát triển bền vững (ESG) nhưng thực tiễn thực hành lại đang gặp nhiều khó khăn.