Nước biển dâng cao, đe dọa sự phát triển bền vững của ĐBSCL
Với địa hình cao hơn mực nước biển chưa đầy 2m, ĐBSCL rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tác động của nước biển dâng. Cùng với hoạt động khai thác nước ngầm quá mức và sự phát triển chóng mặt của các nhà máy thủy điện đang đe dọa tương lai nơi đây.
90% ĐBSCL sẽ bị chìm vào năm 2100
Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) vừa công bố nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học dự báo 90% ĐBSCL sẽ bị chìm vào năm 2100 nếu không có các hành động khẩn cấp trên toàn lưu vực sông.
Nghiên cứu của nhóm GS Matt Kondolf, Đại học California, Berkeley (Mỹ) và cộng sự là ông Marc Goichot, Quản lý chương trình Nước ngọt, WWF Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Jeff Opperman, Trưởng nhóm Nghiên cứu khoa học Chương trình Nước ngọt Toàn cầu, WWF.
Theo các nhà nghiên cứu, phần lớn diện tích của ĐBSCL vào khoảng hơn 40.000 km2, chỉ cao hơn mực nước biển chưa đầy 2 m, do đó rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tác động của nước biển dâng. Thêm vào đó, các hoạt động như khai thác nước ngầm quá mức, khai thác cát không bền vững cùng với sự phát triển chóng mặt của các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn đang đe dọa tương lai của ĐBSCL.
Đến nay, riêng khu vực thượng lưu sông Mê Kông (tức sông Lan Thương ở Trung Quốc), 8 đập thủy điện lớn đã được hoàn thành và hơn 20 công trình khác đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng. Cùng với đó là 133 con đập thuỷ điện lớn, nhỏ khác đã được xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng dưới hạ lưu.
Trong số này có 11 đập nằm trên các nhánh chính của hạ lưu sông Mê Kông. “Khi những công trình đập thủy điện này được xây dựng hoàn tất, dự tính, 96% lượng trầm tích cần thiết cho đồng bằng sẽ bị giữ lại. Chưa kể, lượng phù sa, cát ít ỏi về được hạ nguồn lại không thể đáp ứng đủ nhu cầu cát để xây dựng, đang phát triển bùng nổ”, bài báo nêu.
Theo nhóm nghiên cứu, ngay tại vùng ĐBSCL, việc xây dựng đê cao để kiểm soát lũ và thúc đẩy thâm canh trong nông nghiệp đã ngăn không cho phù sa màu mỡ về bồi tụ trên các cánh đồng lúa. Các nhà khoa học đều nhất trí rằng quy mô và mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa trên đối với ĐBSCL đã trở nên hiển nhiên, nhưng việc này có thể được ngăn chặn nếu như chúng ta có thể bảo đảm trong nước sông vẫn có phù sa.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra 6 biện pháp khả thi, đã từng được triển khai trên thế giới và có thể gia tăng đáng kể tuổi thọ của vùng đồng bằng. Cụ thể:
Thứ nhất là giải pháp thứ nhất là hạn chế việc xây dựng các đập thủy điện có tác động lớn, có thể thay thế các dự án thuỷ điện đã được quy hoạch bằng các trang trại điện gió và mặt trời khi có thể, nếu không, khi xây dựng các đập mới phải có các giải pháp chiến lược giảm tác động đến các vùng hạ lưu.
Thứ hai, thiết kế và hoặc cải tạo lại các đập thủy điện để hỗ trợ cho trầm tích chảy qua. Thứ ba, giảm dần và tiến đến dừng khai thác cát lòng sông và quy định nghiêm ngặt đối với tất cả các hoạt động khai thác trầm tích; đồng thời giảm nhu cầu sử dụng cát sông khai thác từ sông Mê Kông bằng các vật liệu thay thế. Thứ tư, đánh giá lại tính bền vững của nền nông nghiệp thâm canh ở ĐBSCL. Thứ năm, duy trì tính kết nối của các vùng ngập lũ ở đồng bằng thông qua điều chỉnh các công trình hạ tầng nước và thuỷ lợi. Thứ sáu, đầu tư vào các giải pháp “thuận thiên” để bảo vệ bờ biển trên quy mô lớn dọc theo vùng duyên hải của đồng bằng.
Trước đó, theo Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản năm 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, nếu mực nước biển dâng cao 100 cm, diện tích có nguy cơ ngập ở các vùng như: 13,20% diện tích Đồng bằng sông Hồng; 1,53% diện tích đất các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; khoảng 1,53% diện tích đất các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; khoảng 17,15% diện tích TP. Hồ Chí Minh; 47,29% diện tích ĐBSCL…
Kịch bản 2020 cũng chỉ ra, đến năm 2050, mực nước biển dâng trung bình cho toàn khu vực Biển Đông là 24 cm hoặc 28 cm. Đến năm 2100, mực nước biển dâng trung bình cho toàn khu vực Biển Đông là 56 cm hoặc 77 cm. Mực nước biển dâng trung bình ven biển Việt Nam có khả năng cao hơn mực nước biển trung bình toàn cầu. Mực nước biển dâng khu vực ven biển các tỉnh phía Nam cao hơn so với khu vực phía Bắc. Khu vực giữa Biển Đông (trong đó, có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mực nước biển dâng cao hơn so với các khu vực khác.
ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu
Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt, so với thế giới, với các vấn đề như nước biển dâng, khai thác thượng nguồn, sụt lún... ĐBSCL mỗi năm sụt lún khoảng 300 ha diện tích.
ĐBSCL gồm 13 tỉnh, dân số khoảng 20 triệu người, đóng góp khoảng 20% GDP cả nước. Hơn nửa sản lượng gạo toàn quốc được sản xuất tại vùng này, trong đó bao gồm 90% sản lượng gạo xuất khẩu, giúp cho việc đưa Việt Nam trở thành quốc gia lớn thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo. Khu vực này cũng chiếm phần lớn sản lượng thủy sản và hoa quả trên toàn quốc.
Với diện tích khoảng 4 triệu ha và nằm ở hạ lưu sông Mekong, ĐBSCL là vựa lúa lớn có trọng trách đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước.Thế nhưng, những năm qua, khu vực ĐBSCL phải chịu tác động mạnh từ sự biến đổi khí hậu khi thường xuyên bị sạt lở, hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng; triều cường và bão mạnh ngày càng bất thường. Đặc biệt, dòng sông, con nước không được các quốc gia thượng nguồn sông Mekong chia sẻ một cách công bằng. Thực tế này đòi hỏi người dân của vùng đất Chín Rồng phải thay đổi thói quen sinh hoạt, sản xuất… để thích ứng.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu, việc xây dựng mạng lưới hệ thống đô thị phải tính đến các nguy cơ ngập lụt, xói mòn, sạt lở và cả những nguy cơ về ô nhiễm hay thiếu hụt nguồn nước.
Còn đối với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy kết nối trong vùng, liên vùng, cần đặt ra những vấn đề về quy hoạch để bảo đảm sự kết hợp hài hòa, thống nhất và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng trọng yếu tại khu vực này cũng đang đối mặt nhiều thách thức liên quan đến nguồn lực, nguồn vốn, định giá, hạch toán trước biến động của nền kinh tế cũng như sự cần thiết của việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng tái tạo, vật liệu mới, tái chế nhằm phục vụ phát triển bền vững toàn vùng ĐBSCL.
Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường (Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM), khi mực nước biển tăng từ 70-100cm sẽ dẫn đến ngập lụt với quy mô rộng và diễn biến thường xuyên không theo chu kỳ ở các vùng đồng bằng, ven biển, đặc biệt là vùng ĐBSCL có kết cấu địa chất, địa hình phức tạp. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội trong vùng, trong đó có yếu tố kinh tế được mô phỏng trên bình diện thiết chế hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh như giao thông, đô thị, cấp nước...
Lan Anh