Cần Thơ: Nông nghiệp tuần hoàn tạo ra lợi ích “kép” về kinh tế và môi trường
Thời gian qua, nông nghiệp tuần hoàn đã và đang mang đến nhiều bước chuyển biến tích cực cho sự phát triển nông nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ.
Việc khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, hiệu quả đã giúp người nông dân TP. Cần Thơ giảm sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người.
Tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập
Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, nông nghiệp tuần hoàn thật sự là một giải pháp hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Nhận thấy mô hình kinh tế tuần hoàn đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bền vững, TP. Cần Thơ đã và đang triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học...
Ông Hồ Văn Vân ngụ ấp Ðông Hòa, xã Ðông Thuận, huyện Thới Lai, có 2,5 công vườn và 20 công ruộng. Mỗi năm ông sản xuất 3 vụ lúa, do vậy nguồn phụ phẩm rơm rạ là rất lớn, với hàng chục tấn mỗi năm. Nhận thấy việc đốt bỏ rơm rạ trên đồng vừa lãng phí mà còn tạo ra khói bụi gây ô nhiễm môi trường nên thời gian qua ông đã tận dụng chúng để làm nấm rơm tạo thêm thu nhập.
Ông Vân cho biết: "Nhờ có máy cuốn rơm nên việc thu gom rơm khá dễ dàng và nhanh nhóng, giá thuê máy cuốn rơm khoảng 9.000 đồng/cuộn và rơm được máy đưa vào tận bờ ruộng. Số rơm này sẽ được tận dụng để làm nấm rơm, mỗi vụ làm nấm rơm chỉ mất khoảng 1 tháng, tức bằng 1/3 thời gian so với làm lúa nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Nấm rơm được tôi bán với giá từ 26.000 đồng/kg trở lên đối với nấm dài, còn nấm tròn loại 1 có giá 45.000-60.000 đồng/kg". Cũng theo ông Vân, bã rơm sau khi làm nấm được tận dụng làm phân bón hữu cơ để bón cho các loại cây trồng, qua đó giảm được tiền mua phân bón.
Tương tự như ông Vân, nhiều hộ nông dân còn sử dụng các phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất trồng trọt để làm thức ăn phục vụ chăn nuôi và sử dụng phân gia súc gia cầm, cũng như các nguồn chất thải trong chăn nuôi để làm phân bón ngược lại cho cây trồng. Nông dân tại nhiều nơi đã sử dụng rơm rạ, các loại cỏ, cây bắp, cây đậu, dây khoai, chuối cây, lá cây... được thải ra từ quá trình sản xuất lúa, rau màu và cây ăn trái để nuôi các loại gia súc gia cầm và thủy sản như: nuôi trâu bò, dê, heo, gà vịt, nuôi cá...
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn ở ấp Nhơn Thọ 1A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền, cho biết: "Tôi có 1,4ha vườn trồng mít, sầu riêng, chôm chôm và nhãn. Thời gian qua, tôi đã tận dụng các loại cỏ, lá mít, trái mít non và nhiều loại cây lá, rau lang, rau muống trồng trong vườn để chăn nuôi dê và đang có đàn dê hơn 45 con. Nhờ nuôi dê mà tôi thu được một lượng phân dê rất lớn, với hơn 50 bao (40kg/bao)/tháng để bón lại cho vườn cây ăn trái, thừa thì đem bán". Hiện ông Tuấn còn tận dụng các mương vườn thả nuôi cá, sử dụng các loại rau muống, rau lang và trái cây chín bị hư, dạt có giá rẻ hoặc không bán được để làm thức ăn cho cá. Theo ông, việc phát triển sản xuất theo hướng kết hợp như vậy đã giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí lại nâng cao được thu nhập.
Ðể phát triển nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian qua ngành Nông nghiệp TP. Cần Thơ đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân nhân rộng và phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Hướng dẫn người dân tận dụng các diện tích đất, nước và các nguồn tài nguyên sẵn có, cũng như các phế phụ phẩm thải ra từ các quá trình trồng trọt và chăn nuôi để làm nguyên liệu cho các quá trình sản xuất mới nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập và nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất sản xuất.
Ðồng thời, ngành Nông nghiệp TP. Cần Thơ cũng có các hỗ trợ về vốn, về kỹ thuật, về xây dựng mô hình... để nông dân áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật và thiết bị máy móc, công nghệ mới nhằm khai thác hiệu quả các phế phụ phẩm trong nông nghiệp. Ðặc biệt, ngành Nông nghiệp đã tích cực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu gom rơm, tập huấn cho nông dân về cách xử lý rơm rạ và các chất thải trong chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ, sử dụng rơm để sản xuất nấm rơm và phục vụ chăn nuôi...
Giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững
Theo thống kê, hiện TP. Cần Thơ có 114.256 ha đất nông nghiệp, chiếm gần 80% diện tích đất tự nhiên, trong đó có trên 78.000ha đất canh tác lúa, 1.915ha đất trồng cây hằng năm khác và 30.872ha đất trồng cây lâu năm, 2.797ha đất nuôi trồng thủy sản. Hằng năm, TP.Cần Thơ sản xuất 3 vụ lúa đạt tổng sản lượng trên 1,3 triệu tấn, còn trái cây đạt sản lượng gần 170.000 tấn, nuôi thủy sản đạt sản lượng trên 220.000 tấn và chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt trên 40.000 tấn thịt.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết, không chỉ đẩy mạnh thực hiện trong điều kiện giá vật tư tăng cao như hiện nay mà thời gian qua ngành Nông nghiệp của TP. Cần Thơ đã chú ý hướng dẫn các giải pháp về nông nghiệp tuần hoàn để giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ðặc biệt, hướng dẫn người dân phát triển các chuỗi sản xuất trong mối quan hệ nông nghiệp tuần hoàn. Ðồng thời, tăng cường công tác khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn để tạo điều kiện lan tỏa, phát triển nông nghiệp tuần hoàn... Từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Ðây cũng là giải pháp góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Trên thực tế, bà con nông dân cũng đã quan tâm áp dụng các giải pháp, mô hình nông nghiệp tuần hoàn, đặc biệt các mô hình hiệu quả như: vườn - ao - chuồng; vườn - ao - chuồng - biogas... ngày càng phát triển. Ngành Nông nghiệp TP. Cần Thơ xác định, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp thông minh đang là những trụ cột cơ bản để xây dựng nền nông nghiệp sinh sinh thái, xanh, bền vững.
Để kinh tế nông nghiệp tuần hoàn được nhân rộng một cách bền vững, phát huy những tiềm năng, lợi thế và là nền tảng cơ bản trong sản xuất nông nghiệp thì cần xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, trong đó, phân định rõ vai trò từng thành tố, tiến tới chuyên môn hóa, hệ thống hóa, gắn chặt với ứng dụng các tiến bộ khoa học. Cần có các giải pháp như tăng cường thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời đề xuất các chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế phụ phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, các trung tâm khuyến nông Thành phố cần tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về kinh tế tuần hoàn cho người sản xuất, các chủ trang trại.
Thanh Vũ