Thứ sáu, 22/11/2024 00:57 (GMT+7)
Thứ bảy, 25/12/2021 14:45 (GMT+7)

Việt Nam- Chile: Hướng tới hợp tác sâu rộng về năng lượng tái tạo

Theo dõi KTMT trên

Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Chile tại Việt Nam mong muốn được hợp tác về lĩnh vực năng lượng tái tạo với Việt Nam.

Chile muốn hợp tác cùng Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Việt Nam-Chile chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 25/3/1971 và là quốc gia thứ hai thuộc Tây bán cầu chính thức công nhận và thiết lập mối quan hệ ngoại giao đầy đủ với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Năm 2007, Việt Nam và Chile đã nâng cấp quan hệ lên quan hệ Đối tác toàn diện, giúp hai nước có điều kiện hợp tác sâu rộng hơn. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Chile được ký vào năm 2011 và chính thức có hiệu lực vào năm 2014 đã giúp quan hệ thương mại song phương tăng trưởng thường niên và hiện nay đang ở mức rất tốt bất chấp những trở ngại do đại dịch Covid-19 gây ra. Năm 2021 cũng là năm mà hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Chile.

Việt Nam- Chile: Hướng tới hợp tác sâu rộng về năng lượng tái tạo - Ảnh 1
Đại sứ Patricio Becker phát biểu trong buổi phỏng vấn. (Ảnh minh họa)

Đại sứ Patricio Becker cho hay: Quả thực, Chile và Việt Nam có nhiều điểm khác biệt, nhưng chúng ta cũng có nhiều điểm tương đồng cùng những đức tính tốt đẹp bổ sung cho nhau và đây là khía cạnh quan trọng nhất trong mối quan hệ của chúng ta. Đồng thời, tôi đã rất ngạc nhiên khi người dân Việt Nam biết đến các tác giả nổi tiếng của nền văn học Chile như Gabriela Mistral và Pablo Neruda. Điều này giúp chúng tôi có thể giới thiệu thêm những tài liệu mới về văn hóa Chile. Tôi coi văn hóa là một trong những công cụ chính để đưa hai dân tộc đến gần nhau hơn.

Đây chính là lý do tại sao ngay từ khi được bổ nhiệm, tôi đã cảm thấy may mắn. Việt Nam được coi là đối tác chiến lược của Chile, sự phát triển mạnh mẽ của đất nước các bạn có nghĩa rằng, ngày nay Việt Nam được coi là một cường quốc trong khu vực và chắc chắn chúng tôi muốn tiếp tục hợp tác cùng các bạn. 

Việt Nam- Chile: Hướng tới hợp tác sâu rộng về năng lượng tái tạo - Ảnh 2
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp xã giao đại sứ Chi-lê tại Việt Nam.

Trao đổi với PV Đại sứ Patricio Becker cho biết: Mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Chile đang trải qua một trong những thời khắc đẹp nhất. Như các bạn đã biết, hai nước chính thức đặt quan hệ ngoại giao vào ngày 25/3/1971 và năm 2021 này, chúng ta kỷ niệm tròn 50 năm dấu mốc quan trọng đó.

Trong suốt những năm qua, điều này đã cho phép chúng ta ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác khác nhau, cũng như thiết lập một liên minh mang tính chiến lược, cùng với đó là một hiệp định thương mại tự do và nhiều thỏa thuận khác trong các lĩnh vực khác nhau.

Rất tiếc là năm nay chúng ta không thể tiến hành nhiều hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chúng tôi hy vọng rằng năm sau, khi chúng ta kỷ niệm 15 năm Việt Nam và Chile nâng tầm mối quan hệ lên đối tác toàn diện, chúng ta có thể thực hiện nhiều hoạt động hơn.

Dù sao đi nữa, cách đây không lâu, để khép lại năm 2021 này, hai bên đã tổ chức một lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Chile vô cùng ý nghĩa đối với cả hai nước chúng ta, với tham dự của những người bạn Việt Nam của chúng tôi.  

"Chúng tôi biết rằng, Việt Nam đang có kế hoạch thay đổi nguồn năng lượng và cũng đang phát triển ngành công nghiệp ô tô điện. Chile, như các bạn đã biết, là quốc gia thứ hai trên thế giới có nhiều xe điện nhất vào thời điểm hiện tại. Vì vậy, chúng tôi muốn hợp tác và trao đổi thương mại với Việt Nam một cách sâu rộng hơn nữa trong các lĩnh vực khác như năng lượng và khai khoáng", Đại sứ Patricio Becker cho biết.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng hợp tác về năng lượng tái tạo

Hiện nay, Việt Nam ưu tiên phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát thải khí nhà kính.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương trong 6 tháng đầu năm 2021, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 11,4% tổng sản lượng điện của Việt Nam và có xu hướng ngày càng tăng.

Về điện gió, có 9 trang trại điện gió đang vận hành tại Việt Nam với tổng công suất 304,6 MW và Việt Nam đang dẫn đầu ASEAN trong chuyển đổi năng lượng, vì vậy Việt Nam còn nhiều tiềm năng hợp tác để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, công nghệ sạch trong năng lượng tái tạo.

Việt Nam- Chile: Hướng tới hợp tác sâu rộng về năng lượng tái tạo - Ảnh 3
Việt Nam đang ưu tiên phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, trong quá trình chuyển đổi năng lượng, vấn đề chính sách đặt ra rất quan trọng và phụ thuộc vào sự hợp tác nhiều bên, do vậy việc đẩy mạnh hợp tác, kết nối các nhà đầu tư giúp Việt Nam có thể tham khảo về chính sách để phát triển năng lượng tái tạo.

Tại phiên đối thoại trực tuyến "Chuyển đổi năng lượng Berlin năm 2021" với chủ đề "Thiết kế thị trường thông minh cho chuyển đổi năng lượng toàn cầu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã chia sẻ và đề xuất các chính sách, những ưu tiên nhằm thúc đẩy hợp tác trong phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia.

Việt Nam đang ưu tiên phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững với mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát thải khí nhà kính. 

Hiện nay, thị trường phát điện và bán buôn điện cạnh tranh từng bước được hình thành, các nhà máy điện đã và đang có thể chào giá cạnh tranh trong môi trường minh bạch và bình đẳng, một quá trình tái cơ cấu ngành điện (phân tách giữa yếu tố độc quyền tự nhiên và yếu tố cạnh tranh) đang được thực hiện nhằm hướng đến sự hình thành của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cung cấp cho khách hàng sự lựa chọn đơn vị cung cấp điện.

Việt Nam cũng đang thực hiện lộ trình lưới điện thông minh để từng bước hiện đại hóa lưới điện, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong quản lý lưới điện, chú trọng thúc đẩy sự phát triển của nguồn điện phân tán, nguồn điện năng lượng tái tạo quy mô nhỏ và sự tham gia tương tác của khách hàng sử dụng điện trong việc quản lý và điều chỉnh phụ tải điện.

Ngoài ra, Việt Nam đang dành các khoản đầu tư lớn cho lĩnh vực năng lượng, tái cơ cấu toàn diện ngành năng lượng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cũng như xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển ngành năng lượng theo xu hướng mới trong phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường để nâng cao hiệu suất của ngành năng lượng, tăng tỷ trọng các nguồn và năng lượng tái tạo, thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam- Chile: Hướng tới hợp tác sâu rộng về năng lượng tái tạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.