Tỉnh thành nào đang dẫn đầu 'cuộc đua' năng lượng tái tạo tại Việt Nam?
Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo được xem là xu hướng tất yếu trên thế giới hiện nay. Trong năm 2021, Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng, mạnh mẽ và là hướng đi thông minh trong chuyển dịch năng lượng bền vững.
Hiện cơ hội đầu tư vào lĩnh vực “năng lượng xanh” còn rất lớn khi Chính phủ định hướng cắt giảm những nguồn điện gây ô nhiễm. Đặc biệt, sau sự kiện COP26 mà Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính mới tham dự xong.
Và cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực nhiều thử thách và tiềm năng hứa hẹn sẽ diễn ra khốc liệt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Và phát triển nguồn năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay. Ngành năng lượng toàn cầu có xu hướng dịch chuyển tích cực với các nguồn “năng lượng xanh”. Việt Nam cũng thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện song biển và khí sinh học Biogas bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có như điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG (Liquefied Natural Gas), thủy điện và điện than.
Ninh Thuận-Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước
Được biết, Ninh Thuận là tỉnh cực Nam Trung Bộ, với điều kiện khí hậu khô hạn, gió to và nắng nóng gay gắt nhất Việt Nam. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên được xem là khắc nghiệt này lại là lợi thế lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Toàn tỉnh có 14 vùng gió tiềm năng với lượng gió thổi đều quanh năm, tốc độ gió trung bình ở độ cao 65 m đạt 7,25 m/s; nguồn bức xạ mặt trời vào khoảng 1.800 KWh/m2/năm, đây là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
Là địa phương có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo với khả năng phát triển tối đa khoảng 13.000 MW điện gió, hơn 8.000 MW điện mặt trời nên ngay từ rất sớm, tỉnh Ninh Thuận đã có định hướng phát triển năng lượng tái tạo. Tính đến cuối năm 2020, tổng nguồn năng lượng tái tạo được vận hành trên địa bàn Ninh Thuận là 2.680 MW, sản lượng điện phát tối đa là 3,5 tỉ kWh.
Trong đó, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 37 dự án điện Mặt Trời với tổng công suất 2.576 MW; trong đó, có 32 dự án điện Mặt Trời với tổng công suất 2.256 MW đã đưa vào vận hành thương mại.
Đối với phát triển năng lượng điện gió, Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ Công Thương đã phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch với tổng quy mô công suất 841 MW điện gió. UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 15 dự án với tổng công suất 766,45 MW. Đến nay, có 3 dự án với tổng công suất 181,55 MW đã hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành thương mại và 12 dự án còn lại đang được tích cực triển khai đầu tư.
Mặt khác, tỉnh Ninh Thuận cũng đã lập Quy hoạch Trung tâm điện khí LNG Cà Ná (Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng) công suất 6.000 MW (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung Quy hoạch giai đoạn một công suất 1.500 MW. 4.500 MW sẽ xem xét bổ sung trong Quy hoạch điện VIII).
Trong năm qua, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã đóng góp không nhỏ đến thu ngân sách của địa phương. Và phải kể đến là đóng góp từ công trình Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và tuyến dây 500 kV, 220 KV tại tỉnh Ninh Thuận do Trungnam Group đầu tư. Công trình được đưa vào khai thác đã trở thành một mắt xích trong hệ thống truyền tải điện quốc gia. Đặc biệt, tạo cú huých đưa tỉnh Ninh Thuận thực sự trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 115 của Chính phủ...
Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận, “tiềm năng và cơ hội phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo của tỉnh còn rất lớn, khả năng xây dựng thành trung tâm năng lượng tái tạo là hoàn toàn có cơ sở".
"Chính phủ đã ưu tiên tạo điều kiện cho Ninh Thuận cơ chế phát triển điện mặt trời dài hơn so với chính sách chung, trong đó, cho Ninh Thuận phát triển tối đa 2.000 MW điện mặt trời, đi kèm với đó là cơ chế về giá cho các dự án, kéo dài đến hết năm 2020.
Ngoài ra, còn có những chính sách kịp thời và hiệu quả khác về phát triển năng lượng tái tạo. Những chính sách khung đó tạo nền tảng giúp tỉnh phát triển. Ninh Thuận sẽ tận dụng cơ hội từ năng lượng tái tạo để phát triển nhanh và bền vững”, ông Phạm Văn Hậu nhấn mạnh.
Phát triển năng lượng sạch là 1 trong 3 trụ cột của tỉnh Bình Thuận
Theo đó, Bình Thuận là địa phương có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời thuộc loại cao nhất trong cả nước, số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam, tốc độ gió và bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời.
Với các lợi thế đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 76 xác định Bình Thuận là Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII của tỉnh cũng đã đề ra nhiệm vụ khai thác tiềm năng năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi và tích cực đôn đốc triển khai các dự án năng lượng để Bình Thuận sớm trở thành Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia.
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 10/2020 đã đầu tư hoàn thành các dự án nguồn điện đúng theo quy hoạch đã phê duyệt, gồm: 3 nhà máy trong Trung tâm điện lực Vĩnh Tân đã hoàn thành với tổng công suất 3.040 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 104.235 tỷ đồng (qua đó nâng công suất Trung tâm Vĩnh Tân lên 4.284 MW cho 4 nhà máy); đồng bộ là các công trình trạm biến áp và đường dây 500kV, 220 kV cũng hoàn thành.
Ngoài ra, với tiềm năng, lợi thế phát triển năng lượng tái tạo, Bình Thuận đã hoàn thành 21 nhà máy điện mặt trời, tổng công suất 903,48 MW (1.137,5 MWp), tổng vốn đầu tư khoảng 25.059 tỷ đồng và 2 nhà máy điện gió, tổng công suất 64 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2.930 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực điện gió, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20 dự án điện gió, với tổng công suất 812,5 MW đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung. Trong đó có 14 dự án đã được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất 598 MW.
Riêng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã đồng ý chủ trương cho Công ty Enterprise Energy nghiên cứu khảo sát dự án điện gió Thăng Long Wind ngoài khơi Kê Gà (Hàm Thuận Nam) với công suất đề xuất 3.400 MW.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư khác cũng đã đăng ký đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh cho khảo sát 7 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất đề xuất khoảng 18.800 MW; trong đó có Dự án La Gàn, theo đề xuất của Liên doanh Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu khí châu Á, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners và Công ty TNHH Novasia Energy với công suất 3.500 MW. Bổ sung quy hoạch 3 dự án điện gió trên đất liền với tổng công suất đề xuất 127,4 MW.
Về các dự án điện mặt trời, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 28 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 1.647 MWp (tương đương 1.312 MW); trong đó có 26 dự án đã được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất 1.347 MWp (tương đương 1.072 MW). Đến nay đã có 22 dự án vận hành, phát điện, với tổng công suất 1.183,5 MWp (tương đương 940,3 MW), sản lượng điện thiết kế 1,8 tỷ kWh/năm.
Dự kiến cuối năm 2020, sẽ có thêm 04 dự án nhà máy điện mặt trời phát điện với tổng công suất 163,2 MWp (tương đương 131,6MW), sản lượng điện thiết kế 261 triệu kWh/năm, tổng kinh phí đầu tư 4.079 tỷ đồng.
Có thể thấy, nếu xét về số lượng dự án cũng như vốn đầu tư, Bình Thuận đang là địa phương dẫn đầu ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Tính cho đến tháng 3/2019, Bình Thuận có 94 dự án điện mặt trời với tổng công suất đăng ký đầu tư là 5.347,72 MW, tổng vốn đầu tư hơn 137.000 tỷ đồng.
Tuy ít số lượng nhưng lại chất lượng lớn hơn. Đó là Tây Ninh
Về số lượng dự án, Tây Ninh có thể không sánh được với Bình Thuận và Ninh Thuận, nhưng về chất lượng hơn hẳn. Tây Ninh không có nhiều dự án, nhưng những dự án lại có công suất rất lớn, không chỉ nhất Việt Nam mà còn nhất Đông Nam Á vào thời điểm địa phương này đóng điện.
Tây Ninh có tiềm năng phát triển 2 nguồn năng lượng tái tạo chính, bao gồm năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối. Trong đó, điện mặt trời chiếm tỉ lệ cao nhất (99,48%) với 2 loại hình đầu tư là nhóm dự án điện mặt trời thuộc quy hoạch điện quốc gia, quy hoạch phát triển điện của tỉnh và nhóm dự án điện mặt trời áp mái quy mô hộ gia đình, doanh nghiệp.
Nổi bật nhất trong những dự án của Tây Ninh phải kể đến tổ hợp điện mặt trời vừa đóng điện cách đây chưa lâu - Dầu Tiếng 1,2,3 của Công ty cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng, với tổng công suất thiết kế lên tới 500 MW, vốn đầu tư 12.500 tỷ đồng. Sau khi khánh thành, dự án này đã soán ngôi dự án khủng nhất Việt Nam và Đông Nam Á của tổ hợp điện mặt trời của BIM tại Ninh Thuận.
Dự kiến sau khi đi vào vận hành, dự án sẽ mang lại doanh thu khoảng 400.000 USD/ngày, hoạt động trong thời gian 20 năm. Ngoài ra, trên khu vực hồ Dầu Tiếng còn có một số dự án điện mặt trời khác như dự án điện mặt trời Trí Việt 1 và Bách Khoa Á Châu 1.
Mặt khác, còn phải kể đến 2 dự án công suất 117 MW của Thành Thành Công đã đóng điện; nhà máy điện mặt trời HCG Tây Ninh và dự án Khu thương mại công nghiệp - năng lượng Hoàng Thái Gia có tổng công suất 100 MW, vốn đầu tư 2.406 tỷ đồng.
Đến 31/12/2020, tổng công suất từ các nguồn năng lượng tái tạo đã đi vào vận hành trên địa bàn tỉnh là 971 MW. Tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2020 đạt 24,33% so với sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh.
Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo lắp đặt tính đến ngày 31/10/2021 đạt 20.644 MW. Trong đó, thủy điện chiếm 29,60%; năng lượng mặt trời là 22,57%; năng lượng gió là 5,16%; khí chiếm 10%; dầu xấp xỉ 2% và sinh khối chiếm 0,28% trong tổng công suất nguồn điện.
Thực tế, tiềm năng của ngành năng lượng tái tạo đang dần trở thành xu hướng chủ đạo và nhận được nhiều sự quan tâm tại Việt Nam. Việc phát triển năng lượng tái tạo là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần phát triển kinh tế ở các tỉnh, bảo vệ môi trường, và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để tận dụng được hết tiềm năng vốn có thì Việt Nam sẽ cần những chính sách để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp các cơ hội thích hợp, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng.
Với sự hỗ trợ từ những chính sách cụ thể, những dự án năng lượng tái tạo sẽ có nhiều cơ sở để phát triển và thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp này có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo đánh giá của ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam bộ, nơi có khí hậu tương đối ôn hòa, chia làm 2 mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Nhiệt độ tương đối cao (trung bình năm là 27,40°C) và ổn định với thời gian nắng trung bình trên 2.550 giờ/năm, mỗi ngày trung bình có đến hơn 6 giờ nắng.
Tây Ninh có hồ thủy lợi Dầu Tiếng thuộc địa bàn huyện Dương Minh Châu và Tân Châu với diện tích mặt hồ 27.000 ha, dung tích 1,53 tỷ m3 nước là nguồn cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và xây dựng các dự án năng lượng mặt trời
Theo ông Lê Anh Tuấn, đây là cơ sở để xác định các khu vực tiềm năng, dành quỹ đất phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, thủy năng, năng lượng gió; đặc biệt là các dự án nối lưới; tránh trùng lắp, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên này.
Lan Anh