Năng lượng tái tạo - Yếu tố thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm cơ hội lớn
Việt Nam cam kết tăng công suất năng lượng từ các nguồn tái tạo, đồng thời tạo điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi. Đây có thể là cơ hội quý giá cho các nhà đầu tư và phát triển năng tái tạo.
Năng lượng mặt trời góp phần thúc đẩy mở rộng năng lượng ở Việt Nam
Tăng trưởng công suất phát điện của Việt Nam từ năm 2018 chủ yếu đến từ đầu tư tư nhân. Ít nhất 45% tăng trưởng này hoàn toàn từ nguồn đầu tư tư nhân (cả trong và ngoài nước); 35% từ nguồn vốn FDI được triển khai độc lập hoặc hợp tác với doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Nhờ phần lớn vào khoản đầu tư này, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ về công suất năng lượng tái tạo, làm thay đổi đáng kể cơ cấu năng lượng tổng thể. Kể từ năm 2018, năng lượng tái tạo đã bổ sung gần 10 gigawatt vào công suất phát điện cả nước (chưa bao gồm năng lượng mặt trời phát điện phân tán), chiếm gần nửa tổng công suất tăng thêm. Năng lượng mặt trời chiếm đa số, trong khi thủy điện, điện gió và điện sinh khối cộng lại chỉ đạt 1 gigawatt.
Cùng với việc đầu tư vào năng lượng tái tạo là việc cắt giảm đáng kể chi phí tài trợ cho các dự án này. Trước năm 2019, một số ngân hàng khá thoải mái trong việc cho vay các dự án năng lượng tái tạo với lãi suất dao động khoảng 18-19%. Giờ đây, khi mà ngày càng nhiều dự án chứng tỏ được tính khả thi và có được hỗ trợ pháp lý, các ngân hàng quốc doanh và tư nhân lớn ở Việt Nam có kế hoạch tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo với lãi suất chỉ 5-9%.
Tuy rằng công suất tăng thêm là khá lớn, song vẫn thấp hơn mức đóng góp của than đá là 8,5 gigawatt và không đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong những năm tới. Theo quy hoạch Điện VIII, với mục tiêu công suất năng lượng mặt trời lên đến 18,6 gigawatt vào năm 2030, các nhà phát triển năng lượng mặt trời có thể nhìn nhận cơ hội từ các dự án tiềm năng ở Việt Nam.
Mặt khác, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong tiềm năng tăng trưởng của năng lượng mặt trời. Các dự án điện mặt trời thường có quy mô nhỏ và khó có khả năng phát điện liên tục, nên cần có đầu tư vào lưới điện để phát huy hết tiềm năng phát điện của các dự án này.
Lưới điện của Việt Nam vốn được thiết kế cho các nguồn điện lớn như thủy điện và nhiệt điện, chưa có sự chuẩn bị cho phân phối năng lượng mặt trời với quy mô lớn. Ngoài ra, sản lượng điện mặt trời cao (đặc biệt vào giữa ngày) có thể gây quá tải lưới điện ở tỉnh và tạo áp lực lên đường dây tải điện Bắc – Nam. Điều này buộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải cắt giảm sản xuất năng lượng mặt trời.
Cơ hội năng lượng gió cho Việt Nam ngay lúc này
Bất chấp những thách thức, thị trường Việt Nam có những yếu tố thuận lợi để các nhà đầu tư và nhà phát triển điện gió có thể tìm được nhiều cơ hội lớn. Bên cạnh tiềm năng tự nhiên cho điện gió, Chính phủ cũng đang thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc phát triển điện gió.
Đơn cử, việc ban hành biểu giá bán điện năng (FIT) cho các dự án điện gió từ năm 2021 đến cuối năm 2023 cho thấy sự ủng hộ của Chính phủ, đồng thời góp phần giảm rủi ro tài chính cho các dự án điện gió để có thể nghiệm thu đưa vào vận hành trước thời hạn mới.
Thứ hai, sự thành công của đầu tư FDI và đầu tư tư nhân vào các dự án điện mặt trời cho đến nay đã chứng tỏ khả năng tài chính của các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Làn sóng đầu tư tiếp theo vào năng lượng tái tạo có thể sẽ thu hút các dự án với quy mô lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi, sẽ cung cấp công suất phát điện lớn hơn so với các dự án năng lượng mặt trời hoặc điện gió trên đất liền.
Mặc dù có chi phí cao hơn và phức tạp hơn, các dự án điện gió ngoài khơi mang lại cơ hội gia tăng công suất đồng thời giảm áp lực cho lưới điện so với các nguồn năng lượng tái tạo khác. Sản lượng gió ngoài khơi có xu hướng dao động ít hơn so với trên bờ hoặc năng lượng mặt trời (dù vẫn chưa thể dự đoán hoặc điều tiết được) và có thể kết nối trực tiếp vào lưới điện ở điện áp cấp truyền tải.
Các dự án điện gió ngoài khơi lớn, nếu thành công, sẽ trở thành một nguồn năng lượng tái tạo có khả năng nhân rộng hơn nữa cho Việt Nam. Một số nhà phát triển tiên phong nhận thấy những lợi thế này lớn hơn các thách thức. Gần đây, Ørsted, công ty trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, đã mở văn phòng tại Việt Nam và ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn T&T để phát triển một số dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận và Ninh Thuận.
Hai dự án lớn được công bố tại Bình Thuận cho thấy sự quan tâm đến các dự án điện gió ở cấp tỉnh: Enterprize Energy công bố Dự án Điện gió Thăng Long, 11 và Copenhagen Infrastructure Partners đã khởi động Dự án Điện gió La Gan.
Ngoài ra, Nexif Energy, một công ty điện có trụ sở tại Singapore, đã thiết lập quan hệ đối tác để bắt đầu một dự án tại Bến Tre. Với những đặc điểm như dự án đòi hỏi quy mô lớn, không phát thải, có tiềm năng thu hút nhà đầu tư FDI và tương đối đơn giản để hòa lưới điện, các dự án điện gió phù hợp một cách tự nhiên với các quy hoạch điện khu vực.
Nhà đầu tư, nhà phát triển có thể làm gì cho mục tiêu điện gió của Việt Nam?
Các nhà đầu tư và nhà phát triển khi tiếp cận các dự án điện gió tại Việt Nam nên cân nhắc một số bước đi ban đầu. Trước tiên, cũng giống như các dự án hạ tầng ở thị trường mới nổi, các doanh nghiệp quốc tế sẽ phải nhìn nhận hồ sơ rủi ro theo cách khác với các dự án tại sân nhà.
Điều này có nghĩa là chi phí sử dụng vốn bình quân (WACC) cao hơn, đòi hỏi phải có tỷ suất hoàn vốn nội bộ cao hơn để có lợi nhuận. Để doanh nghiệp hiện thực hóa lợi nhuận mong muốn, cần rút ngắn thời gian nghiệm thu đưa vào vận hành bằng việc áp dụng các thông lệ tốt nhất về triển khai dự án vốn, như lập kế hoạch xây dựng và vận hành tích hợp ngay từ đầu dự án.
Thứ 2, các nhà đầu tư và nhà phát triển nước ngoài chưa có kinh nghiệm tại Việt Nam sẽ phải thiết lập quan hệ đối tác đáng tin cậy với các doanh nghiệp trong nước có kinh nghiệm phù hợp. Đối tác địa phương có thể mang lại kiến thức chuyên môn có giá trị, bao gồm hiểu biết về thị trường năng lượng Việt Nam, dự báo vốn và môi trường pháp lý.
Các công ty năng lượng của Việt Nam, chẳng hạn như các công ty con của EVN có nhiều kinh nghiệm về thị trường năng lượng trong nước. Các chủ đầu tư bất động sản lớn có kinh nghiệm về các dự án sử dụng đất và dự án vốn tại Việt Nam có thể đóng góp chuyên môn về quản lý dự án, đặc biệt là kinh nghiệm tại các địa phương nhất định.
Thứ 3, các nhà phát triển có thể sẽ cần hợp tác với các cơ quan cấp tỉnh, gồm Cơ quan Xúc tiến Đầu tư tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Một thách thức đối với các dự án là việc xin chứng nhận quyền sử dụng đất. Ví dụ như theo quy hoạch sử dụng đất của chính quyền cấp tỉnh, đất thường được ưu tiên cho nông nghiệp và trồng trọt.
Quy hoạch tỉnh thường vạch rõ các khu đất dành riêng cho các ngành và mục đích cụ thể, trong đó có sản xuất điện. Do vậy, các nhà phát triển sẽ cần phải nêu rõ giá trị của các dự án và giải trình tại sao nên đưa các dự án này vào quy hoạch. Tỉnh có quyền tự chủ đáng kể trong việc lập quy hoạch, song các quy hoạch địa phương nhìn chung vẫn phải nhất quán với mục tiêu quốc gia.
Chính phủ Việt Nam đã tái khẳng định và mở rộng phạm vi cam kết tăng công suất năng lượng tái tạo để không chỉ dừng lại ở việc lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời, hiện vẫn giữ vai trò chủ đạo. Giai đoạn mở rộng năng lượng tiếp theo của Việt Nam sẽ đòi hỏi các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều vốn và kỹ thuật phức tạp hơn, đối với cả năng lượng mặt trời và điện gió trên bờ - nhưng đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
Một số doanh nghiệp đi trước đón đầu đã có các dự án đang triển khai, song vẫn còn dư địa cho các doanh nghiệp khác tham gia nghiên cứu thị trường điện, tạo dựng quan hệ đối tác với địa phương để kịp thời khai thác giá trị trước khi cửa sổ cơ hội đóng lại.
Bùi Hằng (T/h)