Thứ hai, 25/11/2024 08:13 (GMT+7)
Thứ năm, 23/12/2021 12:00 (GMT+7)

Năng lượng tái tạo Việt Nam: Cần có cơ chế phát triển hệ thống tích trữ năng lượng

Theo dõi KTMT trên

Việc tiếp tục có các cơ chế chính sách phát triển NLTT là rất cần thiết trong bối cảnh các nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Trong đó, khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống tích trữ năng lượng để giảm thiểu gánh nặng cho hệ thống điện quốc gia.

3 rào cản trong phát triển năng lượng tái tạo

Trong năm 2021, Việt Nam đã có ​​sự tăng trưởng ấn tượng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Điều này cho thấy tiềm năng cao của việc sử dụng điện tái tạo để giải quyết nhu cầu năng lượng.

Tuy nhiên, trước tiềm năng rất lớn về các nguồn năng lượng tái tạo, sự phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn nhiều hạn chế với các rào cản về chính sách, khoa học công nghệ, nhân lực,...

Phát biểu tại tọa đàm “Tháo gỡ 'điểm nghẽn' phát triển năng lượng tái tạo”, ông Nguyễn Bá Sản, đại diện Ban quản lý năng lượng, Tập đoàn T&T nhận định, hiện có 3 rào cản chính cần thiết được xem xét tháo gỡ sớm để phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam. 

Thứ nhất là hệ thống lưới điện truyền tải chưa phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Trong khi đó, bối cảnh và xu thế cho thấy tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo ngày càng lớn và tiếp tục gia tăng trong tổng công suất nguồn điện ở Việt Nam.

Năng lượng tái tạo Việt Nam: Cần có cơ chế phát triển hệ thống tích trữ năng lượng - Ảnh 1
Trong năm 2021, Việt Nam đã có ​​sự tăng trưởng ấn tượng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. (Ảnh: Shutterstock)

Xét đến sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo trong những năm gần đây và dự báo về mức tăng gấp đôi của tổng công suất phát điện tại Việt Nam trong những năm tới thì nhu cầu vốn đầu tư cho lưới điện truyền tải khoảng 13,58 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,36 tỷ USD) để thực hiện chương trình phát triển điện lực được lựa chọn trong giai đoạn 2021-2030. Con số này sẽ là 1,42 tỷ USD nếu phát triển theo phương án phụ tải cao.

Thực tế này đặt vấn đề cần cho phép và thu hút các doanh nghiệp tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện được coi là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ "điểm nghẽn" trong các tuyến đường dây truyền tải điện.

"Hiện nay, Luật Điện lực đang được xem xét hiệu chỉnh. Do vậy, việc sớm ban hành các hành lang pháp lý sẽ giúp xóa bỏ rào cản/điểm nghẽn này để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống truyền tải điện gắn với phát triển năng lượng tái tạo bền vững", ông Nguyễn Bá Sản cho biết. 

Thứ 2 là rào cản về tính dài hạn, thông suốt của chính sách. Theo nhận định của T&T Group, "Phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng và đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, cùng các quyết sách của Nhà nước và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, do vậy, nguồn điện mặt trời và điện gió đã gia tăng nhanh chóng trong các năm gần đây.

Tuy nhiên, điện mặt trời đã bị chững lại từ sau 1/1/2021 và gần đây là điện gió sau 1/11/2021. Điều này thể hiện cơ chế chính sách của chúng ta chưa liên tục, đang bị đứt gãy và gián đoạn. Đây cũng được coi một điểm nghẽn cần khơi thông dòng chảy và cần có một hành lang pháp lý thông suốt, thông thoáng, rõ ràng và liên tục. Các cơ chế chính sách áp dụng trong thời gian vừa qua chưa đưa ra được định hướng lâu dài".

Vì vậy, việc chưa có cơ chế áp dụng nối tiếp đã gây khó khăn cho nhà đầu tư trong dài hạn. Ông Nguyễn Bá Sản đề xuất, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra các chính sách hướng tới tạo môi trường đầu tư ổn định, lâu dài làm cơ sở có thể dự đoán/mô phỏng được vấn đề chi phí và phân tích đánh giá tính kinh tế cũng như xem xét dòng doanh thu của các dự án. Đặc biệt là các dự án đã đầu tư, đã xây dựng nhưng mới đưa vào vận hành thương mại (COD) được 1 phần…

Trên cơ sở đó, ông Sản đề xuất xem xét gia hạn giá FIT đối với các dự án điện gió dở dang cho đến khi có cơ chế chuyển đổi tiếp nối. 

Thứ 3, Việt Nam đang thiếu đi một Quy hoạch tổng thể đầy đủ để hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn điện gió ngoài khơi. Bởi đây là loại hình năng lượng mà Việt Nam có tiềm năng rất lớn (tiềm năng kỹ thuật có thể đạt từ 160 GW đến 475 GW).

"Chúng ta chưa có một quy hoạch tổng thể, như quy hoạch không gian biển – quy hoạch điện gió ngoài khơi, cũng như các hướng dẫn, chỉ dẫn cần thiết, rõ ràng cho các bước đi trong quá trình thực thi. Do thiếu quy định và hướng dẫn nên hiện nay một số địa phương đã thông qua khu vực khảo sát theo đề nghị của Nhà đầu tư là quá lớn so với quy mô công suất dự kiến. Điều này vừa gây lãng phí không gian biển, tài nguyên biển cũng như hạn chế các nhà đầu tư tiềm năng khác đến tìm kiếm ý định và nhu cầu đầu tư thực sự".

Phát triển năng lượng từ góc độ doanh nghiệp 

Tại Hội nghị Khí hậu COP26 vào đầu tháng 11/2021 tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 

Theo các chuyên gia, việc nâng cao cam kết giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 sẽ có lợi cho Việt Nam về nhiều mặt. Trước hết, chúng ta có thể thu hút được nguồn tài chính xanh từ gói tài chính được cam kết từ các quốc gia với 100 tỷ USD mỗi năm cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo. 

Năng lượng tái tạo Việt Nam: Cần có cơ chế phát triển hệ thống tích trữ năng lượng - Ảnh 2
Trang trại điện gió tại Ea hleo, Đắk Lắk. (Ảnh: Shutterstock)

Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng gió nói riêng đòi hỏi chi phí đầu tư trả trước lớn, do vậy rất cần áp dụng và duy trì một khuôn khổ pháp lý ổn định và mang tính dài hạn (khắc phục các hạn chế của Quyết định 11, 13 và Quyết định 39) để năng lượng gió có thể tiếp tục phát triển.

Đặc biệt, CEO BCG Energy cho rằng, việc nâng cấp mạng lưới đường truyền tải điện là việc cấp bách cần được sớm triển khai và hoàn thiện. Bởi, theo số liệu của dự thảo lần 3 của Quy hoạch Điện VIII, tính tới ngày 30/10/2021, tổng công suất lắp đặt các dự án điện mặt trời và điện gió dự kiến chiếm khoảng 27-30% tổng công suất nguồn điện ở Việt Nam. Đây là tỷ trọng tương đối cao, có thể dẫn đến một số vấn đề bất cập về mặt kỹ thuật, ảnh hưởng đến công tác khai thác, vận hành và an toàn hệ thống lưới điện quốc gia.

Trên cơ sở phân tích hiện trạng phát triển điện năng lượng tái tạo và cơ cấu nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia, ông Phạm Minh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BCG Energy đã đề xuất một số kiến nghị từ góc độ doanh nghiệp.

Thứ nhất, định hướng gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo. Khuyến khích điện mặt trời, điện gió, và duy trì mức vừa phải đối với thuỷ điện, đảm bảo tỷ lệ phù hợp đối với điện khí hóa lỏng (LNG), giảm dần tỷ trọng nguồn điện than, nguyên liệu hoá thạch đúng với cam kết giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu của Việt Nam tại hội nghị COP26 và Diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga vừa qua.

Thứ 2, có cơ chế dài hạn khuyến khích phát triển loại hình năng lượng tái tạo, trong đó xem xét cơ chế chuyển tiếp cho các dự án triển khai trong thời gian thực hiện các cơ chế cũ nhưng hoàn thành sau thời điểm cơ chế hết hiệu lực để tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Thứ 3, xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế mua bán đối với năng lượng tái tạo.

Thứ 4, khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống tích trữ năng lượng (Energy Storage System) do hệ thống điện năng lượng mặt trời đòi hỏi sự ổn định và cần có nguồn tích trữ dự phòng cho hệ thống điện, giúp giảm thiểu gánh nặng cho hệ thống điện quốc gia. Cụ thể đề xuất Chính phủ có cơ chế trợ giá cho việc đầu tư hệ thống ESS hoặc điều chỉnh giá ưu đãi mua điện cho những dự án điện mặt trời có kèm theo hệ thống ESS.

Thứ 5, có hành lang pháp lý và hướng dẫn cụ thể đối với cơ chế khuyến khích, cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư các dự án đầu tư hệ thống truyền tải điện quốc gia đối với một số tuyến đường dây theo hình thức BOT.

Thứ 6, thúc đẩy chính sách, cơ chế khuyến khích giảm thiểu khí thải CO2 và mua bán tín chỉ carbon sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển ngành điện năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng xanh bảo vệ môi trường trong tương lai ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Cuối cùng, xây dựng chính sách phát triển công nghệ cao, chuyển giao công nghệ cho năng lượng tái tạo. Tăng cường hợp tác, đối ngoại quốc tế với các nước hàng đầu trên thế giới, hỗ trợ kết nối với các tập đoàn lớn trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất năng lượng, LNG, điện gió ngoài khơi. Đẩy mạnh cam kết giảm khí thải nhà kính, chống biến đổi khí hậu, tuân thủ chuyển dịch năng lượng định hướng phát triển bền vững trong tương lai.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Năng lượng tái tạo Việt Nam: Cần có cơ chế phát triển hệ thống tích trữ năng lượng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới