Những dự án điện gió đặt dấu mốc cho năng lượng sạch tại Việt Nam
Việt Nam có hướng gió tương đối ổn định quanh năm là tiềm năng lớn để phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Nhà nước cần thúc đẩy các dự án điện gió phát triển nhanh tại các địa phương giàu tiềm năng về nguồn năng lượng tái tạo này trong thời gian tới.
Nhà máy điện gió đầu tiên cung cấp điện vào hệ thống
Nhà máy điện gió đầu tiên cung cấp điện vào hệ thống với sự hỗ trợ của Chính phủ Đức là nhà máy điện gió Phú Lạc.
Đầu tháng 9, Nhà máy điện gió do nhà nước quản lý đầu tiên tại miền Nam Việt Nam đã cung cấp điện thành công vào hệ thống lưới điện quốc gia. Dự án này được thực hiện từ nguồn vốn vay của Chính phủ CHLB Đức với nguồn kinh phí lên đến 35 triệu Euro. 12 turbine với tổng công suất 24 MV sẽ cung cấp 50.000 MWh điện hàng năm vào lưới điện và qua đó sẽ giảm thiểu được 28.000 tấn CO² mỗi năm.
Với nguồn điện cung cấp từ dự án này sẽ đảm bảo điện đầy đủ cho 150.000 người dân. Qua đó nhà máy điện gió này sẽ đóng góp một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện ngày càng gia tăng một cách bền vững và không bị ô nhiễm.
Hiện tại nhu cầu tiêu dùng năng lượng ở Việt Nam tăng hàng năm khoảng 10 %. Để đám ứng được nhu cầu này bên cạnh việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện, Việt Nam phải xây dựng nguồn năng lượng từ gió thân thiện với môi trường và bảo vệ khí hậu.
Tỉnh Bình Thuận có lợi thế sức gió 6.9 m trên giây tại độ cao là 85m và là tỉnh có sức gió lớn nhất tại Việt Nam, với sự hỗ trợ về tài chính và tổ chức của Chính phủ Đức, Nhà máy điện gió Phú Lạc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn năng lượng xanh trong tương lai.
Nhà máy điện gió - Điện mặt trời lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á
Nhà máy điện gió Trung Nam được xem là Nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam kết hợp với Nhà máy điện mặt trời 204 MW hình thành tổ hợp nặng lượng tái tạo (NLTT) Điện gió - Điện mặt trời lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Tổ hợp NLTT Trung Nam gồm trang trại điện gió và trang trại điện mặt trời Trung Nam được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua Trạm Biến áp 220 kV Tháp Chàm.
Tổng sản lượng khai thác hàng năm của tổ hợp năng lượng Điện gió – Điện mặt trời Trung Nam đạt 950 triệu kWh – 1 tỷ kWh điện mỗi năm. Thời gian qua, Trungnam Group đã đưa vào vận hành 02 dự án điện mặt trời: Dự án tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận có tổng công suất trên 151,95MW và Dự án tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với tổng công suất trên 360MW.
Năm 2020, Trungnam Group trở thành nhà đầu tư tư nhân đầu tiên của Việt Nam xây dựng và đưa Trạm biến áp và đường dây 220/500KV kết hợp nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW đi vào hoạt động thành công.
Trungnam Group hiện đang tiếp tục thực hiện nhiều dự án năng lượng nhằm đạt mục tiêu đến năm 2027 sẽ đưa thêm 10GW (gigawatt) hòa lưới hệ thống điện quốc gia. Cụ thể, Trungnam Group đang tích cực thực hiện kế hoạch mang 900 trụ gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi đến các dự án tại các địa phương như Đắk Lắk, Gia Lai, Trà Vinh, Ninh Thuận…
Cần cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió tại Việt Nam
Việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển điện gió là cơ sở để khuyến khích phát triển các dự án đầu tư điện gió tại Việt Nam. Hơn bao giờ hết, các nhà đầu tư xây dựng nhà máy điện gió rất cần được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để phát triển.
Ngày 29/6/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Đây là hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy các dự án điện gió phát triển nhanh tại các địa phương giàu tiềm năng về nguồn năng lượng tái tạo này trong thời gian tới.
Theo Quyết định 37 những đơn vị đầu tư dự án điện gió sẽ nhận được nhiều ưu đãi như được miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp như các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt được ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật. Riêng với các thiết bị điện gió trong nước chưa sản xuất được sẽ được miễn thuế nhập khẩu.
Ngoài ra, sản lượng điện từ các dự án điện gió sẽ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua lại toàn bộ với giá 1.614 đồng/kWh (tương đương 7,8 cent/kWh chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, Nhà nước sẽ hỗ trợ EVN 207 đồng/kWh).
Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, mức hỗ trợ này vẫn còn thấp so với nhu cầu đầu tư thực tế, vì tính theo giá thành hiện nay, mỗi kWh điện phải bán với giá 9-12 cent mới có lãi. Đại diện Công ty Phong Điện (Tuy Phong, Bình Thuận) cho biết hiện Nhà máy Phong Điện đã lắp đặt được 20 turbine, đã hòa mạng điện lưới quốc gia, nhưng những năm qua việc bán điện với EVN gặp nhiều khó khăn, nhất là chưa tìm được tiếng nói chung về giá.
Với Quyết định 37, cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành năng lượng xanh. Tuy nhiên thực tế cho thấy mức hỗ trợ giá vẫn còn thấp so với suất đầu tư và doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nếu giá điện gió bán được khoảng 12cent thì các doanh nghiệp mới có lãi và sẽ mặn mà hơn trong đầu tư nguồn điện này.
Nguyễn Linh (T/h)