Thứ hai, 25/11/2024 01:11 (GMT+7)
Thứ ba, 23/11/2021 11:00 (GMT+7)

Phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam: Cơ hội lớn để ‘bứt phá’

Theo dõi KTMT trên

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam có có tiềm năng lớn là 1 trong 5 trung tâm điện gió ngoài khơi của thế giới (cùng với Bắc Âu, Mỹ, Đông Á, Nam Mỹ). Do đó, Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để bứt phá ngành điện gió ngoài khơi.

Tiềm năng lớn 

Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) đánh giá, Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về điện gió ngoài khơi với 160.000 MW tiềm năng kỹ thuật có thể tận dụng được. Cũng bởi tiềm năng này mà số lượng nhà đầu tư quan tâm tới điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đã lên tới khoảng 20 GW.

Theo nhận định của chuyên gia năng lượng Trần Viết Ngãi, Việt Nam có thế mạnh đặc biệt trong phát triển điện gió ngoài khơi: “Với lợi thế là bờ biển dài hơn 3.200 km, lưu vực biển rất rộng, khắp cả 3 miền Bắc - Trung - Nam... Việt Nam ở hướng Đông Nam và hướng Đông, quanh năm sóng vỗ vào bờ, tiềm năng điện gió ngoài khơi Việt Nam là số 1 trên thế giới”.

Theo Ngân hàng Thế giới, ước tính tiềm năng phong điện ngoài khơi của Việt Nam có thể lên tới 500 GW – gấp hơn 800 lần so với công suất lắp đặt 0,6 gigawatts hiện nay. Để tham khảo, Đức - quốc gia đi đầu với vị thế vững chắc trong lĩnh vực phong điện - hiện có khoảng 62 GW công suất lắp đặt phong điện, trong đó gồm 8 GW là phong điện ngoài khơi. 

Phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam: Cơ hội lớn để ‘bứt phá’ - Ảnh 1
Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về điện gió ngoài khơi với 160.000 MW tiềm năng kỹ thuật có thể tận dụng được. (Ảnh: CafeF)

Gần đây nhất, báo cáo với tiêu đề “Đón gió: Cơ hội Năng lượng tái tạo cho Việt Nam” nghiên cứu tiềm năng to lớn của gió với tư cách một nguồn năng lượng tái tạo thay thế, đồng thời lý giải vì sao đây có thể là thời điểm phù hợp để các nhà đầu tư và phát triển năng lượng gió tìm hiểu và khai thác cơ hội tại Việt Nam. 

Báo cáo phân tích rõ, thị trường Việt Nam có những yếu tố thuận lợi để các nhà đầu tư và nhà phát triển điện gió có thể tìm được nhiều cơ hội lớn. 

Cụ thể, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể để mở rộng năng lượng tái tạo, bổ sung thêm gần 10 gigawatts công suất năng lượng tái tạo kể từ năm 2018 đến nay. Tuy nhiên, than đá vẫn chiếm hơn 50% công suất năng lượng được bổ sung trong cùng kỳ. 

Đại đa phần công suất năng lượng tái tạo mới bổ sung là năng lượng mặt trời – nhưng điện gió đang có dư địa tăng trưởng lớn như một lựa chọn thay thế với khả năng nhân rộng quy mô. Việc phát triển các dự án phong điện tại Việt Nam được ủng hộ mạnh mẽ, nhờ Chính phủ chú trọng đến năng lượng tái tạo trong quy hoạch phát triển điện quốc gia và phát huy thành công của điện mặt trời. 

Bên cạnh tiềm năng tự nhiên cho điện gió, Chính phủ cũng đang thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc phát triển điện gió. Đơn cử, việc ban hành biểu giá bán điện năng (FIT) cho các dự án điện gió từ năm 2021 đến cuối năm 2023 cho thấy sự ủng hộ của Chính phủ, đồng thời góp phần giảm rủi ro tài chính cho các dự án điện gió để có thể nghiệm thu đưa vào vận hành trước thời hạn mới. 

Thu hút vốn đầu tư ngoại

Điện gió ngoài khơi là một ngành công nghệ đã được chứng minh có thể giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó hướng tới đạt được các mục tiêu đưa mức khí thải ròng về 0 (Net Zero) và chuyển đổi sang năng lượng sạch, bền vững được nêu rõ tại Nghị quyết số 5 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam: Cơ hội lớn để ‘bứt phá’ - Ảnh 2
Điện gió ngoài khơi Việt Nam có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. (Ảnh: shutterstock.com)

Phát triển năng lượng tái tạo hiện nay không thể không kể đến sự thành công của đầu tư FDI, đặc biệt là đầu tư tư nhân vào các dự án điện gió. Điều này chứng tỏ khả năng tài chính của các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Làn sóng đầu tư tiếp theo vào năng lượng tái tạo có thể sẽ thu hút các dự án với quy mô lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi, sẽ cung cấp công suất phát điện lớn hơn so với các dự án năng lượng mặt trời hoặc điện gió trên đất liền.

Mặc dù có chi phí cao hơn và phức tạp hơn, các dự án điện gió ngoài khơi mang lại cơ hội gia tăng công suất đồng thời giảm áp lực cho lưới điện so với các nguồn năng lượng tái tạo khác. Các dự án điện gió ngoài khơi lớn, nếu thành công, sẽ trở thành một nguồn năng lượng tái tạo có khả năng nhân rộng hơn nữa cho Việt Nam. 

Với tiềm năng lớn sẵn có, hàng loạt dự án với vốn đầu tư hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ USD đang chạy đà cho thấy sức hấp dẫn của điện gió ngoài khơi Việt Nam với các nhà đầu tư.

Trong số này, phải kể đến dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind, quy mô 3,4 GW, tổng mức đầu tư lên đến 11,9 tỉ USD (tương đương khoảng 274.000 tỉ đồng). Tháng 7 tới, dự án này sẽ hoàn tất việc lắp đặt phao nổi để tiến hành thu thập số liệu hải dương học (sóng, gió, dòng chảy...) tại khu vực khảo sát.

Hay như dự án điện gió ngoài khơi La Gàn - liên doanh giữa Công ty cổ phần năng Năng lượng dầu khí châu Á (Asiapetro), Novasia Energy và Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP, Đan Mạch), công suất 3,5 GW, vốn đầu tư cũng lên khoảng 10,5 tỉ USD (tầm 242.000 tỉ đồng).

Cách đây không lâu, đại gia năng lượng Đan Mạch - Tập đoàn Ørsted cho biết chọn Việt Nam là điểm đầu tư tiếp theo vào điện gió ngoài khơi, sau loạt dự án thành công tại châu Á. Dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận đang được Ørsted chú ý tới.

Bên cạnh đó, 2 dự án lớn được công bố tại Bình Thuận cho thấy sự quan tâm đến các dự án điện gió ở cấp tỉnh: Enterprize Energy công bố Dự án Điện gió Thăng Long và Copenhagen Infrastructure Partners đã khởi động Dự án Điện gió La Gàn. Ngoài ra, Nexif Energy, một công ty điện có trụ sở tại Singapore, đã thiết lập quan hệ đối tác để bắt đầu một dự án tại Bến Tre.

Không riêng nhà đầu tư ngoại, nhà đầu tư trong nước cũng tham gia vào "cuộc chơi" tỉ USD này. Tại Bà Rịa Vũng Tàu, HBRE Group và đối tác Pháp đã rót một tỉ USD (khoảng 23.000 tỉ đồng) vào dự án điện gió ngoài khơi 500 MW...

Theo TS Dư Văn Toán - Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã ban hành như Nghị quyết 55, Nghị quyết 36 về phát triển năng lượng tái tạo biển, điện gió ngoài khơi, năng lương sóng, thủy triều và hải lưu. Khi Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, các nguồn vốn lớn và công nghệ điện gió ngoài khơi từ EU sẽ dễ dàng tham gia phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

“Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam có tiềm năng, đột phá đi đầu ASEAN, trở thành một trung tâm điện gió ngoài khơi lớn của thế giới, thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ biển hỗ trợ, tương lai xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang khu vực ASEAN và các khu vực lân cận” – TS Dư Văn Toán kỳ vọng.

Ngoài ra, với tiềm năng lớn sẵn có, Việt Nam cần đề ra các mục tiêu và khung chính sách phù hợp để khai thác tiềm năng rất lớn này. Việc phát triển điện gió ngoài khơi còn đóng góp vào việc cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường từ nguồn cung cấp điện hiện nay.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam: Cơ hội lớn để ‘bứt phá’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới