Thứ bảy, 20/04/2024 07:13 (GMT+7)
Thứ tư, 29/07/2020 07:00 (GMT+7)

Vì sao sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long gia tăng bất thường?

Theo dõi KTMT trên

Vừa trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử thì hiện tại, người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long lại đối mặt với nỗi lo sạt lở.

Vì sao sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long gia tăng bất thường? - Ảnh 1
Vụ sạt lở làm phần nhà sau của 13 hộ dân sống ven sông Trà Nóc bị sụp hoàn toàn xuống sông.

Nhìn từ mặt đường, dãy nhà hơn 10 căn trên đường Lê Thị Hồng Gấm ven sông Trà Nóc (khu vực 2, phường Trà An, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) rất vững chãi. Nhưng nếu đứng từ bên kia sông nhìn sang thì chắc chắn không ai dám ở trong những căn nhà đó. Khuya ngày 20/6, bờ sông Trà Nóc qua khu vực trên đã bị sạt lở một đoạn dài 70 m. Có 13 căn nhà bị hư hỏng nghiêm trọng, có thể bị sụt đổ bất cứ lúc nào.

Ông Phan Anh, chủ nhà số 118, đường Lê Thị Hồng Gấm thông tin, vụ sạt lở diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 10 - 15 phút là cả phần nhà phía sau nhà sau của ông và các hộ lân cận bị sụt chìm xuống sông.

Sau đó, ông Phan Anh thuê thợ lặn đến lặn mò tìm đồ đạc nhưng vị trí bị xói lở rất sâu, chỉ vớt được vài tấm tôn và một số thanh kèo của ngôi nhà.

"Trước khi vụ sạt lở xảy ra không có hiện tượng rung lắc gì cả, đến khuya đêm đó thì vụ việc xảy ra và không thể nào chống đỡ được", ông Phan Anh nói.

Người dân sinh sống cùng dãy nhà cho biết, việc sụt lún ven sông Trà Nóc đã xảy ra nhiều năm nay, hiện tượng nứt đất, xé tường thường xuyên xảy ra nhưng chưa có lần nào thiệt hại nặng như lần này.

Vụ sạt lở mới nhất ở Cần Thơ xảy ra vào sáng 28/7, cũng trên tuyến sông Trà Nóc, khi phóng viên đang thực hiện bài viết này. Điểm sụt lún được xác định dài khoảng 31 m, rộng khoảng 5 m, làm sạt một phần nhà máy xay xát lúa gạo và một phần căn nhà của hộ dân kế cận.

Theo người dân tại địa phương, khu vực trên có dấu hiệu sạt lở trong những tháng gần đây nên họ đã chủ động giảm tải nhà cửa, di dời đồ đạc đến nơi an toàn.

Trước đó, hồi cuối tháng 6, bờ sông Cần Thơ đoạn qua khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều (ven chợ nổi Cái Răng) cũng bị sạt lở hai lần, làm sụt hoàn toàn 5 căn nhà nằm cặp bờ sông, ảnh hưởng 7 căn khác phía trong. Hơn 10 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 28 điểm sạt lở bờ sông, tăng 13 điểm so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ tăng về số vụ mà quy mô và mức độ thiệt hại lớn hơn so với năm 2019 với tổng chiều dài các điểm sạt lở là hơn 1.410 m. Sạt lở đã làm 11 căn nhà bị sụt hoàn toàn, 65 căn khác sụt một phần và bị ảnh hưởng, ước thiệt hại trên 16 tỉ đồng. Có nơi sạt lở chia cắt một tuyến tỉnh lộ như vụ sạt lở cầu Rạch Cam tại quận Bình Thủy vào ngày 10/6.

Điều đặc biệt là sạt lở xảy ra liên tiếp ngay đầu mùa mưa thay vì mùa lũ như trước đây. Theo các nhà khoa học, hiện tượng bất thường này có liên quan đến đợt hạn hán khốc liệt vừa xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long nhận định, tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang có khuynh hướng gia tăng, không chỉ riêng tại Cần Thơ mà các tỉnh khác cũng ghi nhận điều này. Mức độ gia tăng sạt lở xảy ra trong thời điểm giao mùa từ mùa khô sang mùa mưa.

Về nguyên nhân gây sạt lở, theo ông Tuấn, bên cạnh việc khai thác cát quá mức, sự thay đổi dòng chảy của các con sông thì còn một nguyên nhân khác. Đó là thời điểm cuối năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra đợt hạn hán nghiêm trọng chưa từng có, làm mực nước trên các con sông xuống rất thấp. Điều này làm cho đất bị co lại, cộng thêm sự tác động từ phía các công trình ở thượng nguồn làm cho tình trạng sạt lở gia tăng ngay khi mùa mưa đến.

Trước những diễn biến trái quy luật, giải pháp mà các địa phương đang triển khai là phải tăng cường kiểm tra bờ sông, sớm phát hiện những điểm có nguy cơ sạt lở cao.

Ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, đơn vị đã yêu cầu các địa phương cần chủ động phòng ngừa khi sạt lở đang có diễn biến ngày càng phức tạp. Cụ thể, các quận, huyện cần chủ động nắm chắc tình hình, thường xuyên tổ chức các đoàn đi thực địa, khảo sát, nắm chắc tình hình, nơi nào có nguy cơ thì phải nhanh chóng thông tin, tổ chức di dời để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố khuyến cáo người dân không chất tải, gia tải, khai thác cát không theo quy hoạch… bởi những hành động này có thể khiến sạt lở ngày càng tăng.

Đối với 3 điểm sạt lở nguy hiểm gồm điểm sạt lở trên sông Bến Bạ tại khu vực Phú Thuận A, phường Tân Phú, quận Cái Răng; điểm sạt lở trên sông Trà Nóc, phường Trà An và điểm sạt lở trên sông Bình Thủy - Rạch Cam, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, ông Ninh cho biết đã tham mưu UBND thành phố thuê Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam thực hiện khảo sát hiện trường toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng của sạt lở, bao gồm địa hình lòng sông, thủy văn, dòng chảy, địa chất… để phân tích, đánh giá, tìm ra nguyên nhân sạt lở, từ đó đề xuất các giải pháp giúp thành phố phòng chống sạt lở thật sự hiệu quả, đảm bảo ổn định lâu dài.

Theo ông Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, các vụ sạt lở ở Cần Thơ có nhiều điểm chung. Trước hết vì áp lực đất đai ở đô thị nên người dân sinh sống rất gần bờ sông, gia tải lên bờ sông ngày càng lớn nên tạo điều kiện cho sạt lở xảy ra. Đặc điểm thứ hai là phần lớn những khu vực này có nền đất rất yếu, thậm chí nhiều chỗ rất ít đất mà người dân chỉ đổ cát lên để san lấp, xây dựng. Yếu tố thứ ba là do điều kiện tự nhiên, thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa, cộng thêm yếu tố dòng chảy, thủy triều đã góp phần làm tăng nguy cơ sạt lở.

Dự báo của các nhà khoa học là tình trạng sạt lở sẽ còn kéo dài và dự kiến sẽ diễn biến dữ dội hơn khi mà Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa nước nổi. Bởi lúc đó nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về mạnh sẽ khiến đất đai dễ bị sạt lở hơn.

Những năm gần đây, chính quyền thành phố Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông, gồm cả giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó, nhiều dự án đã hoàn thành và phát huy hiệu quả trong việc phòng chống sạt lở như kè sông Ô Môn (khu vực vàm Thới An), kè sông Thốt Nốt. Tuy nhiên, trước tình trạng thiếu hụt bùn cát do khai thác cát quá mức trên các con sông, thay đổi dòng chảy cộng thêm các vị trí bờ sông có đông dân cư sinh sống phải "cõng" nhiều công trình kiên cố đã khiến tình trạng sạt lở ngày thêm trầm trọng.

Thanh Liêm

Bạn đang đọc bài viết Vì sao sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long gia tăng bất thường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới