Chủ nhật, 28/04/2024 10:56 (GMT+7)
Thứ tư, 01/11/2023 07:00 (GMT+7)

Vấn đề Bộ GD&ĐT có nên biên soạn SGK lại “nóng” nghị trường Quốc hội

Theo dõi KTMT trên

Các ĐBQH đều cho rằng, việc để Bộ GD&ĐT biên soạn SGK là không phù hợp với thực tế, không phù hợp với chủ trương xã hội hoá biên soạn SGK.

Ngược với chủ trương khuyến khích xã hội hoá

Tham gia phát biểu ý kiến tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 chiều 31/10, ĐBQH Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) tranh luận với ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên biên soạn thêm một sách giáo khoa (SGK) hay không?

Theo quan điểm cá nhân, ĐBQH Lưu Bá Mạc cho rằng, chưa nên giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ SGK. Điều quan trọng nhất ở trong thời điểm hiện nay là tập trung giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu và nên tự triển khai phương án lựa chọn sử dụng có hiệu quả các bộ SGK đã và đang sử dụng hiện nay.

Vấn đề Bộ GD&ĐT có nên biên soạn SGK lại “nóng” nghị trường Quốc hội - Ảnh 1
ĐBQH Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn). Ảnh: Người Đưa Tin.

“Việc biên soạn thêm một bộ SGK không thực sự cần thiết”, ông Mạc bày tỏ và cho rằng trên cơ sở các bộ sách giáo khoa hiện tại để lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp với năng lực và năng lực giảng dạy của giáo viên, đồng thời phù hợp với năng lực học tập cũng như mặt bằng của học sinh tại từng địa phương, từng trường.

Quan trọng nhất, cần giao cho chính những chủ thể này quyền thực sự trách nhiệm về mặt chuyên môn là được lựa chọn bộ SGK phù hợp với môn học và tình hình thực tiễn tại cơ sở giáo dục của mình.

“Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc lựa chọn SGK mà không nên can thiệp vào công việc chuyên môn của giáo viên trong việc lựa chọn SGK cho chính cơ sở giáo dục của mình”, ông Mạc nói.

Đại biểu Lưu Bá Mạc nhấn mạnh, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chủ trì biên soạn sách giáo khoa chỉ nên xem xét thực hiện, sau khi được tổng kết, đánh giá thời gian tới, hiệu quả của việc đổi mới, việc triển khai thực hiện các bộ sách giáo khoa hiện tại, một cách khoa học, toàn diện, khách quan.

“Quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại tôi nghĩ rằng phải giữ được sự tin tưởng, đồng lòng và sự vào cuộc của đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh và của toàn xã hội, bảo đảm chất lượng giáo dục. Từ đó, giảm thiểu được sự bất an trong gia đình, nhà trường và xã hội và cũng giảm được sự lãng phí, nguồn lực của xã hội trong thực hiện việc biên soạn SGK”, ông Mạc nêu ý kiến.

Cũng tại phiên thảo luận chiều nay, ĐBQH, Tiến sỹ Kinh tế Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) không tán thành về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ SGK theo Nghị quyết 88. Nói về lý do này vị ĐBQH chỉ ra 3 nguyên do cơ bản:

Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, việc này không phù hợp với Nghị quyết 122/2020 của Quốc hội và Luật Giáo dục năm 2019. “Cả hai văn bản nói trên đã điều chỉnh quy định của Nghị quyết 88/2014 về việc “Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK””, ông Thanh nhấn mạnh.

Thứ hai, về cơ sở thực tiễn, ông Thanh cho biết việc này không phù hợp với thực tế, chủ trương xã hội hoá việc biên soạn SGK đã đạt những kết quả và đang diễn ra thuận lợi.

Thứ ba, về hậu quả, việc này dễ dẫn đến triệt tiêu xã hội hoá, quay lại tình trạng độc quyền, trái với chủ trương khuyến khích xã hội hoá và đi ngược lại xu hướng quốc tế.

“Tôi tin rằng, nếu Đoàn giám sát có đầy đủ thông tin về chính sách SGK của các nước trên thế giới thì có thể đã không nêu lên kiến nghị này”, ông Thanh nói thêm.

Bộ GD&ĐT còn nhiều việc phải làm

Bên hành lang Quốc hội ĐBQH Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) cho hay, Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông" cũng kết luận Bộ GD&ĐT chưa thực hiện được nội dung biên soạn SGK và yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này.

Hiện, chúng ta đang sử dụng 3 bộ SGK chính là: Kết nối tri thức, Cánh diều và Chân trời sáng tạo. Dù có những ý kiến khác nhau về việc thực hiện đổi mới chương trình 2018, trên thực tế, thầy trò cả nước đã và đang thực hiện tốt một chương trình nhiều bộ SGK .

Vấn đề Bộ GD&ĐT có nên biên soạn SGK lại “nóng” nghị trường Quốc hội - Ảnh 2
ĐBQH Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị). Ảnh: Người Đưa Tin.

Từ đó, nữ ĐBQH nhận định, 3 bộ sách đang sử dụng cơ bản ổn. Về dung lượng kiến thức đang ổn, các địa phương cũng đang sử dụng.

Từ đó bà đặt vấn đề: “Các nhà khoa học giáo dục , các nhà giáo đầu ngành có năng lực đã được quy tụ để thực hiện ba bộ SGK trên. Còn để bây giờ Bộ GD&ĐT quy tụ được các nhân tài để viết một bộ sách là khó . Bởi, ai là người đứng ra để cam đoan bộ sách này bao giờ xong? Khi nào sẽ hoàn thiện? Liệu trong bộ sách mới này có sạch “sạn” hay không?”.

“Đất nước đang khó khăn, nếu dùng nguồn lực, ngân sách để biên soạn một bộ SGK mới thì sẽ không mang lại hiệu quả, gây lãng phí và dễ dẫn đến độc quyền”, bà Minh lo lắng về những điều sẽ xảy ra nếu như Bộ GD&ĐT phải biên soạn thêm một bộ SGK.

Lo ngại những xáo trộn trong ngành giáo dục

Nhiều chuyên gia cho rằng cần có thời gian để tổng kết, đánh giá lại Chương trình GDPT 2018 để có những quyết định đúng đắn thay vì thay đổi "giữa đường".

Mặc dù, lộ trình đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 sẽ hoàn tất trong một năm tới. Tuy nhiên đến nay, việc yêu cầu để Bộ GD&ĐT phải biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa vấn là vấn đề nóng được thảo luận, làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Trước đó, trao đổi với báo chí, thầy giáo, nhà văn Lê Văn Vỵ cho rằng không thể phủ nhận được những thành tựu của chủ trương xã hội hoá trong biên soạn sách giáo khoa.

“Chúng ta đã huy động được một lực lượng đông đảo các chuyên gia, nhà giáo dục tham gia biên soạn sách. Cùng với đó là sự đầu tư của các doanh nghiệp khiến cho các bộ sách hiện hành được thay đổi cả về hình thức, nội dung giúp phục vụ  Chương trình GDPT 2018 được triển khai tốt hơn”, chuyên gia nhận định.

Mặc dù, qua các các khẩu thẩm định, đánh giá vẫn còn những sai sót nhưng những bất cập sẽ dần dần chỉnh sửa. Vì vậy, không nên chỉ một vì một vài lý do có thể thay đổi để đưa đến quyết định Bộ GD&ĐT phải biên soạn sách giáo khoa, thay vào đó cần cân nhắc, xem xét nhiều khía cạnh câu chuyện này.Ông Lê Văn Vỵ nhìn nhận: “Giáo dục không chỉ có mỗi vấn đề sách giáo khoa, mà còn rất nhiều nội dung phải quan tâm. Cần phải đặt lên bàn cân để xem việc Bộ GD&ĐT phải biên soạn một bộ sách giáo khoa có những cái lợi gì, không lợi gì, không chỉ nói mà cần có căn cứ để phân tích, chứng minh”.

Ở đây, chuyên gia đưa ra quan điểm trong Nghị quyết 88 của Quốc hội ghi rất rõ: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”.

“Đáng lẽ Bộ GD&ĐT phải biên soạn sách giáo khoa nhưng do triển khai chậm việc này đã không được thực hiện. Nếu bây giờ mới biên soạn sách thì nguồn nhân lực đã đầu quân các nhà xuất bản, không đủ đội ngũ, chuyên gia có kinh nghiệm thì Bộ GD&ĐT khó có thể biện soạn được một bộ mới”, ông Vỵ nhận định.

Về việc chậm trễ, không thực hiện đúng thời điểm cần phải quy trách nhiệm xử lý khi đã để một quãng thời gian ngành giáo dục có nguy cơ sách giáo khoa không được đảm bảo nếu trong trường hợp các nhà xuất bản không đáp ứng được yêu cầu đề ra của Chương trình GDPT 2018.

Đến nay, Bộ GD&ĐT đang trong quá trình thẩm định các bộ sách giáo khoa cuối cùng của lớp 5, 9 và lớp 12. Năm 2025 sẽ triển khai Chương trình GDPT 2018 ở toàn bộ 12 khối.

“Chúng ta nên chờ đến năm 2025, đánh giá lại Chương trình GDPT 2018 có những ưu điểm, nhược điểm gì. Cần có sự nhận định, phân tích của các nhà chuyên môn căn cứ theo các tiêu chí để đánh giá, lúc đấy khi có những số liệu cụ thể mới có những giải pháp tiếp theo”, ông Lê Văn Vỵ đánh giá.

Theo chuyên gia, nếu cứ “đẽo cày giữa đường”, trục trặc trong quá trình vận hành, quá trình thực thi theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” sẽ làm xáo trộn, hoang mang và khó phát triển bởi sự thiếu ổn định.

Ở đây, ông Vỵ cũng đưa ra ví dụ đối với sự thay đổi của môn Lịch sử cũng đã gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện: “Nếu cứ thay đổi sẽ có sự khủng hoảng cho ngành giáo dục. Đáng nhẽ, phải đánh giá mọi vấn đề ngay trong quá trình xây dựng thay vì vừa làm vừa sửa không có lộ trình như hiện nay sẽ gây tâm lý hoang mang trong xã hội”.

Mặt khác, đối với các nhà xuất bản, khi có một bộ sách của Nhà nước, các doanh nghiệp có làm tốt đến bao nhiêu cũng khó lòng cạnh tranh được. “Khi xã hội hoá, có sự tham gia của doanh nghiệp   cần để thị trường điều tiết về giá cả, nếu không doanh nghiệp khó có thể thực hiện và tồn tại”, ông Vỵ bày tỏ.

Trước rất nhiều vấn đề còn dang dở, theo chuyên gia cho rằng Bộ GD&ĐT cần nhìn nhận lại, đánh giá đúng vấn đề. “Bộ GD&ĐT cần tăng cường quản lý Nhà nước, đồng hành với các nhà xuất bản để hoàn thiện Chương trình GDPT 2018, có sự giám sát chặt chẽ trong quá trình biên soạn, thẩm định và tập huấn giáo viên”, ông Lê Văn Vỵ cho hay.

Minh An

Bạn đang đọc bài viết Vấn đề Bộ GD&ĐT có nên biên soạn SGK lại “nóng” nghị trường Quốc hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới