Nhiều "sạn" trong bộ sách giáo khoa "Kết nối tri thức với cuộc sống"
Để hạn chế sai sót về kiến thức và loại bớt những “sạn”, các giáo viên ở nhiều trường ở các địa phương biên giới vẫn đang phải tự sửa những lỗi.
Hiện nay có sự thiếu quản lý của Nhà nước về giá cả đang gây ra những bất cập. Đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, những nơi ngay cả khi chưa tăng giá sách, con chữ đã khó đến với các em học sinh.
Trường PTDT bán trú TH&THCS Lâm Thủy đóng trên xã thuộc vùng rẻo cao biên giới ở phía Tây huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cách trung tâm thị trấn Kiến Giang gần 58 km đường rừng. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều sinh sống.
Khó khăn là vậy nhưng thầy Ngô Mậu Tình, Phó hiệu trưởng nhà trường, là một người tâm huyết, gắn bó và đóng góp cho ngôi trường với mong muốn mang con chữ đến cho đồng bào. Vì vậy, trước những thay đổi liên quan đến sách giáo khoa gần đây, thầy cũng có rất nhiều trăn trở.
Thầy Tình chia sẻ: “Có thể nói, khó khăn lớn nhất gặp phải là sách giáo khoa, do giá gấp 2 - 3 lần so sách cũ nên đồng bào không thể mua sách cho con em học được.
Vì thế, huyện Lệ Thủy trong mấy năm qua đã tặng 100% sách giáo khoa cho học sinh ở trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy cũng như các trường đóng trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn”.
Thầy cũng đánh giá rằng, việc sách giáo khoa mới có nhiều điểm mới về nội dung, phương pháp và mục tiêu giáo dục nhưng vẫn còn nhiều “hạt sạn” mà phụ huynh, giáo viên, các chuyên gia giáo dục phát hiện ra nên trong quá trình thực hiện nhất định sẽ có những lúng túng, nghi ngại về chất lượng biên soạn và xuất hiện tư tưởng thất vọng.
Hiện nay, trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy cũng như rất nhiều trường trên địa bàn tỉnh đang học bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của NXB Giáo dục Việt Nam.
“Qua việc thực hiện sách giáo khoa mới, chúng tôi thấy rằng về tinh thần, chương trình sách giáo khoa mới đưa vào luồng gió mới trong quan điểm giáo dục, cố gắng phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh.
Tuy nhiên, về sách giáo khoa, mọi người dễ dàng nhận thấy còn nhiều bất cập: sách quá đắt đỏ, không đóng gáy như trước đây mà dùng công nghệ dán các trang lại nên rất dễ hư hỏng, in màu và dùng giấy bóng song dễ bong tróc, không thể dùng lâu dài cho nhiều thế hệ cùng học một quyển sách như trước đây. Đó là một sự lãng phí vô cùng to lớn”, thầy Tình bày tỏ.
Vì là địa phương miền núi, phụ huynh ở đây thường là nhà nông dân, khi có 3 đứa con học chương trình thay sách, họ phải bán nhiều lúa, vay nợ mới mua nổi được sách giáo khoa để học.
Bên cạnh đó bộ sách này còn sai về kiến thức, giáo dục ở môn Khoa học tự nhiên lớp 6; Ngữ liệu phản cảm như Tiếng Việt lớp 1,2; Ngữ văn 6 có những văn bản chưa được chọn lựa theo đúng tiêu chí nhân văn, đảm bảo tính khoa học và giáo dục…
Chưa có việc thu hồi sách giáo khoa “sạn”
Đối với việc thiếu minh bạch trong quá trình chọn sách giáo khoa, thầy Tình cho biết: “Theo tôi, điều đầu tiên là cần chấm dứt ngay việc “đồng phục” sách giáo khoa. Ở những địa phương nào có tình trạng đồng loạt sử dụng một bộ sách giáo khoa sẽ có những dấu hỏi đặt ra.
Cần thiết Bộ Công an vào cuộc để xác minh sự minh bạch. Có ý kiến cho rằng có hay không Test kit Việt Á trong giáo dục là vấn đề hay, cần làm rõ. Ý kiến của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội vừa rồi, tôi thấy rất thẳng thắn, bản lĩnh. Chúng tôi đồng tình với ý kiến của bà”.
Chia sẻ thêm về việc thu hồi sách giáo khoa tại các trường như Bộ GD&ĐT đã từng báo cáo, thầy thông tin: “Theo dõi truyền hình, qua ý kiến của Đại biểu Quốc hội, tôi được biết Bộ GD&ĐT đã từng báo cáo về việc đã sửa chữa, thu hồi và tiêu hủy hàng ngàn cuốn sách giáo khoa sai.
Nhưng đến bây giờ, trường chúng tôi chưa nhận được một công văn, mệnh lệnh nào về việc triển khai thu hồi, sửa chữa sách sai.
Thậm chí, đến kết thúc năm học, thầy và trò nhà trường vẫn thực hiện theo phân phối chương trình như đầu năm học. Cho đến bây giờ tôi cũng được biết, đồng nghiệp ở các tỉnh thành khác cũng vậy. Học trò vẫn phải học những cuốn sách giáo khoa có những lỗi sai nghiêm trọng ấy”.
Đáng chú ý, họ cũng chưa bao giờ nhận được thông báo hay công văn về việc thu hồi, sửa chữa những cuốn sách giáo khoa sai đã được công luận lên tiếng. Trước những lỗi sai của các cuốn sách khi dạy các thầy cô phải loay hoay tự điều chỉnh khi sách giáo khoa gặp “sự cố” trên.
“Cũng như việc không dạy âm P (pờ) ở lớp 1 bộ Kết nối của NXB Giáo dục Việt Nam vậy. Bài thơ “Bắt nạt” của Nguyễn Thế Hoàng Linh ở Ngữ văn 6 tập 1, không thể hướng tới việc cam chịu bắt nạt, thầy cô phải giáo dục sự dũng cảm ở các em.
Nếu dạy như sách giáo khoa sai e rằng, hệ quả thực tiễn và kiến thức sẽ rất phản cảm, thậm chí nguy hiểm cho học trò. Như cuốn Khoa học tự nhiên lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống là một ví dụ”, thầy Tình bày tỏ.
Thầy Tình mong muốn rằng Bộ GD&ĐT cần có đoàn công tác đặc biệt đến các Sở GD&ĐT thay vì chỉ đạo và nghe báo cáo từ các Sở về việc lựa chọn sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT, bằng nhiều kênh, cần thanh tra nghiêm túc và cần thiết mời Công an vào cuộc để tránh hiện tượng Test kit Việt Á trong giáo dục.
Ngoài ra, cần có sự đồng bộ giữa sách giáo khoa và thiết bị phục vụ cho dạy và học. Mảng thiết bị giáo dục sẽ là một câu hỏi rất lớn, bởi nó ngốn ngân sách nhà nước quá lớn. Tuy nhiên, chất lượng thiết bị dạy học các trường nhận như thế nào, thời gian có thể sử dụng bao lâu, giá cả ngất ngưởng như vậy có đúng với thực tế không, Bộ nên cần làm rõ và minh bạch .
“Cần kịp thời và minh bạch, chuẩn xác về thông tin trước những vấn đề “nóng” của giáo dục mà công luận đã phản ánh và xã hội quan tâm.
Có cơ chế nắm bắt tình hình của dư luận và khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, phát huy hơn nữa tính dân chủ trong giáo dục để giáo viên được bộc lộ quan điểm tích cực, phát huy tính trách nhiệm với ngành, với nhân dân và đặc biệt với công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay”, thầy Tình cho biết.
Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cũng khẳng định chưa nhận được văn bản thu hồi sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam như Bộ GD&ĐT đã báo cáo.
PV