Thứ năm, 26/12/2024 21:21 (GMT+7)
Thứ tư, 29/06/2022 16:00 (GMT+7)

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam "xuất siêu" 710 triệu USD

Theo dõi KTMT trên

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê công bố, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, ước tính xuất siêu 710 triệu USD. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 55,9 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2022 ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng 5; quý II/2022 ước đạt 96,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,7% so với quý I/2022; 6 tháng ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam "xuất siêu" 710 triệu USD - Ảnh 1
Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, 6 tháng qua, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm nhiều nhất với 88,7%.

Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 55,9 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 61,3 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2022 ước đạt 32,3 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước; quý II/2022 ước đạt 97,6 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,3% so với quý I/2022.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam "xuất siêu" 710 triệu USD - Ảnh 2
Trị giá một số mặt hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Tính chung 6 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 185,2 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong 6 tháng năm 2022 có 30 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm nhiều nhất với 94%.

Như vậy, với kết quả trên cán cân thương mại hàng hóa đã đảo chiều, từ nhập siêu 1,7 tỷ USD trong tháng 5 sang xuất siêu 276 triệu USD trong tháng 6.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam "xuất siêu" 710 triệu USD - Ảnh 3
Xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD. Ngoài ra, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,97 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,68 tỷ USD.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, xuất siêu sang EU ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu từ Trung Quốc 35 tỷ USD, tăng 21,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 21,1 tỷ USD, tăng 39,5%; nhập siêu từ ASEAN 6,5 tỷ USD, giảm 11%; nhập siêu từ Nhật Bản 463 triệu USD, giảm 40%.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam "xuất siêu" 710 triệu USD - Ảnh 4
Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hoá chủ yếu 6 tháng đầu năm 2022. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước (quý II đạt 2,7 tỷ USD, tăng 116,7%). Trong đó: Dịch vụ du lịch đạt 651 triệu USD (chiếm 15,1% tổng kim ngạch), tăng gấp gần 8 lần so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 2 tỷ USD (chiếm 46,4%), tăng 154,5%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước (quý II đạt 6,4 tỷ USD, tăng 25,6%). Trong đó: Dịch vụ vận tải đạt 6,4 tỷ USD (chiếm 52,1% tổng kim ngạch), tăng 27,2%; dịch vụ du lịch đạt 2,5 tỷ USD (chiếm 20,1%), tăng 37%. Nhập siêu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 là 8 tỷ USD (trong đó phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu là 4,6 tỷ USD).

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam "xuất siêu" 710 triệu USD - Ảnh 5
Xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Được biết, kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước đã nỗ lực, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Nghị quyết để đưa nền kinh tế sớm lấy lại đà tăng trưởng.

Cùng với đó, dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước. tình hình phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và Quý II/2022 của Việt Nam đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa… 

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam "xuất siêu" 710 triệu USD. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong năm 2024
Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.