Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày hôm nay 5/7
Xả thải gây ô nhiễm sông Lô, Công ty Hải Hà bị xử phạt gần 500 triệu đồng; VGQ Cúc Phương tiếp nhận 1 cá thể tê tê Java; Lượng rác thải của châu Phi có thể sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2050... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 5/7.
Xả thải gây ô nhiễm sông Lô, Công ty Hải Hà bị xử phạt gần 500 triệu đồng
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn vừa ký quyết định số 1009/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính Công ty Cổ phần Hải Hà (cụm công nghiệp Nam Quang, thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang) 459 triệu đồng vì có hành vi xả thải ra môi trường vượt quá giới hạn tối đa cho phép.
Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã nhận được thông tin về tình trạng Nhà máy sản xuất bột giấy của Công ty Cổ phần Hải Hà có hành vi xả thải xuống sông Lô gây ô nhiễm môi trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo ngành chức năng thành lập đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành bảo vệ môi trường và tiến hành kiểm tra, đo đạc, lấy mẫu nước thải xả của nhà máy này.
Kết quả kiểm tra, Công ty Cổ phần Hải Hà đã có hành vi xả nước thải ra môi trường vượt qua giới hạn tối đa cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp và bột giấy. Với hành vi trên, doanh nghiệp bị xử phạt 459 triệu đồng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang yêu cầu Công ty Cổ phần Hải Hà nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn mà Công ty không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công ty phải rà soát, cải tạo công trình xử lý nước thải sản xuất bảo đảm nước thải ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy.
Về tình trạng xả nước thải ra sông Lô của một số cơ sở sản xuất giấy và tinh bột sắn trong CCN Nam Quang, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) cho biết: "Trước thì đúng là ô nhiễm thật nhưng thời gian gần đây không thấy người dân phản ánh về việc này".
Người dân tổ dân phố Bình Long (thị trấn Vĩnh Tuy) cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường tại CCN Nam Quang thực sự nhức nhối và kéo dài đã rất nhiều năm. Cả CCN chỉ có 6 nhà máy nhưng 4 trong số đó có xả thải ra môi trường nước và không khí thì dân sao chịu nổi.
Ninh Bình: Vườn Quốc gia Cúc Phương tiếp nhận 1 cá thể tê tê Java
Ngày 5/7, Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam tiếp nhận thành công một cá thể tê tê Java từ tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 4/7, ngay sau khi nhận được thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh về việc đề nghị tiếp nhận một cá thể tê tê Java do ông Trần Hải Nam (ở phường Hà Huy Tập, thành phố Hà Tĩnh) tự nguyện giao nộp, nhóm cứu hộ thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương đã kết hợp với đội ngũ bác sỹ thú y của Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam cử Đoàn công tác thực hiện chuyến cứu hộ.
Tại thời điểm cứu hộ, cá thể tê tê Java bị mất nước, đói và mệt mỏi. Sau hơn 6 tiếng di chuyển, lúc 3 giờ ngày 5/7, cá thể tê tê non này đã về tới Vườn Quốc gia Cúc Phương an toàn; hiện đang được chăm sóc, điều trị tích cực tại khu phục hồi sức khỏe của Chương trình Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê.
Trước đó, ông Trần Hải Nam trong lúc đi tập thể dục đã nhìn thấy cá thể tê tê Java này nằm bên đường trong tình trạng yếu ớt và mang về chăm sóc. Sau khi biết đây là loài động vật quý hiếm, ông Nam đã liên hệ với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh để giao nộp.
IUCN hỗ trợ xây dựng mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương
Ngày 5/7, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Vườn Quốc gia Cúc Phương tổ chức hội thảo báo cáo kết quả tham vấn về xây dựng mô hình 3D có sự tham gia của cộng đồng tại Vườn.
Hội thảo nhằm mục đích báo cáo các kết quả dữ liệu thu được, ghi nhận đóng góp của các bên, bàn giao mô hình cùng các kết quả cho Ban Quản lý Vườn Quốc gia Cúc Phương chuẩn hóa, số hóa, quản lý và sử dụng vào công tác quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại khu vực này.
Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương Đỗ Quang Lập cho biết mô hình 3D có sự tham gia của cộng đồng đã chọn khu vực lập bản đồ bao gồm vùng lõi Vườn Quốc gia và một phần vùng đệm với các chiều ước tính 31km x 20km, tạo ra mô hình 3D tỷ lệ 1:10.000 với kích thước 3,1m x 2m.
Việc xây dựng mô hình sẽ thống kê lại và nâng cao sự hiểu biết về tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch trong và xung quanh Vườn Quốc gia, thu hút cộng đồng địa phương tham gia phát triển các sản phẩm du lịch mới dựa vào cộng đồng và bền vững.
Ngoài ra, lập bản đồ 3D giúp cộng đồng địa phương tham gia vào quá trình đánh giá và thảo luận về tác động của COVID-19 đối với việc tiếp cận và sử dụng tài nguyên tại địa phương.
Bà Ulrika Aberg, cán bộ quản lý Chương trình các Khu bảo vệ và bảo tồn IUCN toàn cầu chia sẻ việc xây dựng mô hình 3D có sự tham gia của cộng đồng tại Vườn Quốc gia Cúc Phương bao gồm 4 hợp phần chính là xây dựng phương pháp, thu thập dữ liệu và chuẩn bị vật liệu; họp tham vấn một số đại diện cộng đồng địa phương và cơ quan tổ chức để xây dựng bảng chú giải các trường dữ liệu; xây dựng cốt mô hình với sự tham gia của học sinh tại địa phương; họp tham vấn các bên liên quan, thu thập và trình diễn dữ liệu về điều kiện tự nhiên và kiến thức bản địa trên lên mô hình 3D.
Loạt quốc gia hứng chịu đợt mưa lũ và nắng nóng chưa từng thấy
Trung Quốc đang hứng chịu đợt nắng nóng với nhiệt độ cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, trong khi lượng mưa đạt kỷ lục vào tháng 6. Hiện tượng thời tiết thất thường diễn ra từ Tây Tạng cho đến đảo Hải Nam.
Hôm 5/7, theo Cục Khí tượng Trung Quốc, các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc như Sơn Đông, Cát Lâm và Liêu Ninh đã ghi nhận lượng mưa ở mức kỷ lục trong tháng 6, khi mức trung bình trên toàn quốc là 112,1 mm, cao hơn 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiệt độ trung bình ở Trung Quốc cũng đạt 21,3 độ C trong tháng 6, tăng 0,9 độ C so với thời điểm tháng 6 năm ngoái và cao nhất kể từ năm 1961. Cục Khí tượng Trung Quốc cho biết, không có dấu hiệu cho thấy nhiệt độ sẽ giảm trong thời gian tới.
Chính quyền Trung Quốc dự báo mưa lớn sẽ diễn ra tại nhiều địa phương trên khắp nước này trong tháng 7.
Trước đó, ngày 1/7, các thành phố Tokamachi và Tsunan của Nhật Bản lập kỷ lục nhiệt độ cao nhất mọi thời đại trong khi một số thành phố khác phá kỷ lục hàng tháng.
Nhiều nơi ở Bắc bán cầu đã chứng kiến cái nóng khắc nghiệt trong mùa hè này. Các khu vực từ Bắc Cực thường lạnh giá của Nga đến Nam Mỹ truyền thống oi bức cũng đã ghi nhận nhiệt độ và độ ẩm cao bất thường.
Tại Mỹ, Cơ quan Thời tiết quốc gia cảnh báo 30 triệu người Mỹ đối mặt với hiện tượng thời tiết cực đoan trong bối cảnh nhiệt độ lập kỷ lục. Theo đó, những người không có điều hòa không khí và những người lao động làm việc ngoài trời là những đối tượng cần chú ý trước hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Thời tiết thất thường đang gieo rắc nỗi thống khổ cho nhiều khu vực trên thế giới. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, và những hiện tượng thời tiết bất thường sẽ có tái diễn trong thế kỷ này.
Lượng rác thải của châu Phi có thể sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2050
Ngày 4/7, Bộ trưởng Môi trường Ai Cập, Tiến sỹ Yasmine Fouad, cho biết mỗi năm châu Phi tạo ra khoảng 250 triệu tấn rác thải và đến năm 2050 dự kiến con số này sẽ tăng khoảng 4 lần.
Trong một thông báo, Bộ trưởng Môi trường Ai Cập khẳng định việc tổng kết các kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý rác thải ở các nước châu Phi sẽ được tiến hành, thông qua các cuộc điều tra nhằm thu thập dữ liệu từ các cơ quan hữu quan ở mỗi nước.
Bà Yasmine Fouad nói rằng bước này sẽ giúp cập nhật lĩnh vực quản lý rác thải ở châu Phi và đóng góp hiệu quả vào việc đạt được các mục tiêu của Sáng kiến 50 châu Phi vào năm 2050. Ngoài ra, chỉ có khoảng 10% lượng rác thải tạo ra từ lục địa châu Phi được tái chế.
Bộ trưởng Môi trường Ai Cập cũng nhấn mạnh việc phát sinh chất thải rắn trên toàn cầu tạo ra một lượng CO2 khổng lồ, đòi hỏi phải trồng hơn 50 tỷ cây xanh mỗi năm.
Vào tháng 11 tới, Ai Cập sẽ đăng cai hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP27, tại thành phố nghỉ dưỡng Sharm El-Sheikh.
Quốc gia Bắc Phi đặt kỳ vọng việc tổ chức thành công sự kiện tầm cỡ về môi trường này sẽ là bước ngoặt thúc đẩy các hành động vì môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Ai Cập đang theo đuổi mục tiêu “chuyển đổi xanh” trên cơ sở xây dựng các thành phố thân thiện với môi trường, giao thông sạch, phát hành trái phiếu xanh và thông qua Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu năm 2050.
Lan Anh