Thứ bảy, 23/11/2024 07:44 (GMT+7)
Thứ hai, 04/07/2022 17:43 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h: Lở tuyết trên dãy núi Alps khiến ít nhất 6 người thiệt mạng

Theo dõi KTMT trên

Miền Bắc mưa dông đến cuối tuần, miền Trung nắng nóng gay gắt; Hà Nội: Ngăn chặn hiện tượng cá chết nổi tại các hồ điều hòa; Trong 6 tháng đầu năm, thiên tai đã gây thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 4/7.

Miền Bắc mưa dông đến cuối tuần, miền Trung nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay (4/7), vùng hội tụ gió trên cao đang có xu hướng thiết lập trên khu vực vùng núi Bắc Bộ.

Miền Bắc đang trải qua một mùa hè mưa nhiều hơn hẳn trung bình nhiều năm với nhiều kỷ lục mưa đã được thiết lập trước đó tại Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội. Dự báo trong tháng 7, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-20% với xác suất khoảng 60-70%.

Trong tháng 8-9/2022, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-10% với xác suất khoảng 60%.

Sang tháng 10, tổng lượng mưa ở Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-25% với xác suất khoảng 60%, riêng khu vực Tây Bắc có lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-15% với xác suất 65%.

Tin tức môi trường 24h: Lở tuyết trên dãy núi Alps khiến ít nhất 6 người thiệt mạng - Ảnh 1
Dự báo các tỉnh miền Bắc sẽ có mưa dông đến cuối tuần.

Dự báo chiều tối và đêm 4/7, Tây Bắc và Việt Bắc có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa phổ biến 20 - 40 mm, có nơi trên 80 mm. Khu vực Hà Nội chiều tối và tối 4/7 có khả năng có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.

Cảnh báo từ chiều tối 5/7 mưa dông có khả năng mở rộng ra toàn khu vực Bắc Bộ và kéo dài đến khoảng ngày 8 - 9/7. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá cấp 1.

Cùng với đó, các chuyên gia dự báo, từ ngày 5/7 đến ngày 6/7, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 45 - 65%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 10 - 17 giờ.

Hà Nội: Ngăn chặn hiện tượng cá chết nổi tại các hồ điều hòa

Gần đây, một số hồ thuộc 12 quận của thành phố Hà Nội có hiện tượng cá chết nổi khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị thành phố.

Điều đáng nói, nhiều năm qua mặc dù Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quy định không được thả cá tại các hồ điều hòa nhưng các quận nội thành quản lý thiếu chặt chẽ dẫn tới cá chết hàng loạt khi thời tiết nắng nóng.

Từ ngày 22-26/6, trung bình mỗi ngày nhân viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội thu gom khoảng 200-350kg cá chết tại hồ Yên Sở (Hoàng Mai). Đến ngày 27/6, lượng cá chết đã giảm dần, khối lượng thu gom trung bình khoảng 150-200kg cá/ngày.

Tin tức môi trường 24h: Lở tuyết trên dãy núi Alps khiến ít nhất 6 người thiệt mạng - Ảnh 2
Hiện tượng cá chết nổi khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị thành phố. (Ảnh: Trường Phong)

Còn trong ngày 6-7/7 tại hồ trong Công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng) có hiện tượng cá chết nổi bốc mùi hôi thối. Thậm chí ngay cả hồ Tây với không gian mặt nước lớn khoảng 500 ha cũng có hiện tượng cá chết hàng loạt vào năm 2016.

Đây không phải lần đầu tại hồ điều hòa Yên Sở, hồ Công viên Thống Nhất... xảy ra tình trạng cá bị chết nổi trên mặt hồ. Vào các năm 2020 và 2021, tại đây cũng đã từng xảy ra hiện tượng cá chết.

Về nguyên nhân cá chết, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội lý giải là thời gian qua thành phố có những trận mưa lớn dẫn đến phải vận hành mở cửa điều tiết đưa nước vào hồ. Sau đó nắng nóng kéo dài dẫn đến hiện tượng cá tự nhiên trong hồ (chủ yếu là cá rô phi, cá mè) bị chết.

Để hạn chế và ngăn chặn cá chết tại các hồ, các phường, quận có hồ cần thực hiện nghiêm Quyết định 2249/QĐ-UBND thành phố ngày 18/5/2011 về "nghiêm cấm các đơn vị nuôi cá kinh doanh trên các hồ điều hòa trong khu vực nội thành." Mặt khác, các phường, quận tăng cường tuyên truyền nhắc nhở người dân không tùy tiện thả cá xuống hồ.

Về phía đơn vị được giao quản lý hồ (từ mép hồ trở xuống mặt nước) Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cần thường xuyên vớt rác, rong rêu làm sạch để hạn chế ô nhiễm nguồn nước hồ, giúp cảnh quan môi trường xanh, sạch hơn.

Gỡ vướng về quản lý tài nguyên và môi trường tại Quảng Trị

Ngày 4/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân và đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị về về một số nội dung quản lý tài nguyên và môi trường.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, thời gian qua, tỉnh đã luôn coi trọng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng thời, cũng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thu hút đầu tư, địa phương cũng còn một số vướng mắc về đất đai và khoáng sản.

Cụ thể về quản lý đất đai là việc thu hồi giao đất đối với các dự án đầu tư trong Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị và chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; phòng hộ trong khu kinh tế. Về quản lý khoáng sản, tỉnh còn vướng mắc về một số dự án trọng điểm nằm trong khu vực dự trữ cát trắng đã được phê duyệt; về khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ. Về môi trường, tỉnh đề nghị Bộ hỗ trợ tỉnh Lò đốt rác theo nguồn hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ môi trường…

Tin tức môi trường 24h: Lở tuyết trên dãy núi Alps khiến ít nhất 6 người thiệt mạng - Ảnh 3
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân và đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị về về một số nội dung quản lý tài nguyên và môi trường.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng, Bộ TN&MT luôn sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp cùng các địa phương tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trên tinh thần đảm bảo quy định của pháp luật, giúp các địa phương thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội

Liên quan tới các vướng mắc ở Quảng Trị, Thứ trưởng cho rằng, các đơn vị trực thuộc Bộ đã trả lời theo quy định của pháp luật đất đai, khoáng sản và pháp luật có liên quan. Thứ trưởng cũng lưu ý, một số chính sách còn bất cập, Tổng cục Quản lý đất đai phối hợp với Vụ Pháp chế của Bộ rà soát trên phạm vi cả nước, nếu cần có thể tham mưu bổ sung vào Dự thảo Nghị định về đất đai để đảm bảo phát huy nguồn lực về đất đai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm, thiên tai đã gây thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, từ tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, trái quy luật. Mưa lũ lớn bất thường, trái mùa xảy ra liên tiếp, trên diện rộng và tại nhiều nơi. Cụ thể, đã xảy ra 95 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, 93 trận dông lốc, 45 vụ sạt lở bờ sông, 131 trận động đất và 2 đợt rét đậm, rét hại.

Trong 6 tháng qua, các loại hình thiên tai đã khiến 68 người bị thiệt mạng và mất tích, 40 người bị thương. Đồng thời, thiên tai đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.015 tỷ đồng tại nhiều tỉnh khu vực phía Bắc.

Tin tức môi trường 24h: Lở tuyết trên dãy núi Alps khiến ít nhất 6 người thiệt mạng - Ảnh 4
Trong 6 tháng đầu năm, thiên tai đã gây thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng.

Trong đó, về nhà cửa, có 136 ngôi nhà bị sập, 3.620 nhà hư hỏng, tốc mái.

Về giao thông, 29 cầu tạm bị cuốn trôi, sạt lở 24,96km đường giao thông, 623.738m3 đất đá sạt lở.

Về nông nghiệp, có 167.979ha lúa, hoa màu ngập úng, thiệt hại; 17.563 con gia súc, 56.046 con gia cầm bị chết.

Về thủy sản, có 299 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng; 3.678ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 8.803 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Tính riêng trong tháng 6/2022, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 22 trận mưa lớn; 15 trận mưa dông, lốc, sét; 19 vụ sạt lở bờ sông; 18 trận động đất.

Trong tháng 6, thiên tai đã khiến 5 người chết và mất tích, 3 người bị thương. Thiệt hại kinh tế khoảng 45,5 tỷ đồng.

Cụ thể, có 9 ngôi nhà bị sập, 699 nhà hư hỏng, tốc mái, 87 ngôi nhà ngập.

Về giao thông, hơn 1.721m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng với 51.758m3 đất đá, bê tông bị sạt lở; 2 cầu, 5 cống bị hư hỏng.

Về thủy lợi, 2 đập bị sạt lở, hư hỏng; 2.036m kè, kênh mương; 1.184m bờ sông, bờ biển sạt lở.

Về nông nghiệp, có 507ha lúa, 188ha hoa màu, 70ha cây trồng khác thiệt hại; 1.123 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 36ha nuôi trồng thủy sản thiệt hại.

Hội nghị Đại dương của Liên Hợp Quốc đưa ra cam kết toàn cầu về đại dương

Sau một tuần thảo luận, Hội nghị Đại dương của Liên Hợp Quốc vừa kết thúc tại Lisbon (Bồ Đào Nha). Tại đó, các Chính phủ và nguyên thủ quốc gia nhất trí một tuyên bố chính trị mới về giải cứu đại dương.

Trong tuyên bố cuối cùng của Hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới đã thừa nhận "thất bại tập thể" trong quá khứ và kêu gọi tham vọng lớn hơn để đảm bảo giải quyết tình trạng tồi tệ của đại dương, đồng thời, báo động về tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với đại dương.

Tại buổi bế mạc, ông Miguel de Serpa Soares, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề pháp lý cho biết: “Hội nghị là cơ hội để các quốc gia trao đổi các vấn đề quan trọng và phát hiện những ý tưởng mới. Nó cũng làm rõ công việc còn lại và sự cần thiết phải mở rộng quy mô công việc đó để phục hồi đại dương của chúng ta. Điều cần thiết bây giờ là phải xoay chuyển tình thế”.

Tin tức môi trường 24h: Lở tuyết trên dãy núi Alps khiến ít nhất 6 người thiệt mạng - Ảnh 5
Đại dương là nền tảng cho sự sống trên hành tinh và tương lai của con người.

Hơn 6.000 đại biểu, bao gồm 24 người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ và hơn 2.000 đại diện xã hội dân sự đã tham dự Hội nghị, ủng hộ các hành động khẩn cấp và cụ thể để giải quyết khủng hoảng đại dương.

Các nhà lãnh đạo đã khẳng định lại rằng đại dương là nền tảng cho sự sống trên hành tinh và tương lai của chúng ta, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2015 và Hiệp ước Khí hậu Glasgow vào tháng 11 năm ngoái, nhằm giúp đảm bảo sức khỏe, năng suất, sử dụng bền vững và khả năng phục hồi của đại dương.

“Chúng tôi cam kết ngăn chặn và đảo ngược sự suy giảm sức khỏe của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đại dương cũng như bảo vệ và khôi phục khả năng phục hồi và tính toàn vẹn sinh thái của nó. Chúng tôi kêu gọi một khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 đầy tham vọng, cân bằng, thiết thực, hiệu quả, mạnh mẽ và có thể chuyển đổi”, các đại biểu tuyên bố tại Lisbon.

Lở tuyết trên dãy núi Alps khiến ít nhất 6 người thiệt mạng

Ngày 3/7, chính quyền tỉnh Trento (Italy) cho biết, ít nhất 6 người đã thiệt mạng và 8 người khác bị thương sau khi một trận lở tuyết xảy ra trên dãy núi Alps do ảnh hưởng của sự gia tăng nền nhiệt nơi đây.

Trận lở tuyết xảy ra trên núi Marmolada (cao 3.300m), đỉnh núi cao nhất của dãy Dolomites thuộc khu vực phía đông dãy Alps trải dài các vùng Trento và Veneto của Italy.

Theo lực lượng cứu hộ Alpine, khối băng tuyết khổng lồ đã đổ ập xuống khu vực gần Punta Rocca, trên tuyến đường mà những người đi bộ đường dài và người leo núi thường sử dụng để tiếp cận đỉnh núi.

Đại diện đơn vị này cho biết, điều kiện thời tiết khá tốt cho công tác cứu hộ, nhưng nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở vẫn còn hiện hữu.

Tin tức môi trường 24h: Lở tuyết trên dãy núi Alps khiến ít nhất 6 người thiệt mạng - Ảnh 6
Ít nhất 6 người đã thiệt mạng và 8 người khác bị thương sau khi một trận lở tuyết xảy ra trên dãy núi Alps.

Chủ tịch vùng Veneto, ông Luca Zaia cho hay, những người bị thương đã được đưa đến bệnh viện các thành phố gần đó để được chăm sóc, điều trị.

Hiện nhà chức trách đã điều động trực thăng và chó nghiệp vụ để phục vụ những nỗ lực tìm kiếm những người sống sót.

Trận lở tuyết xảy ra một ngày sau khi nhiệt độ cao kỷ lục 10 độ C được ghi nhận trên đỉnh núi Marmolada. Nhiệt độ trung bình tăng đã khiến sông băng Marmolada, giống như nhiều sông băng khác trên khắp thế giới, ngày càng co lại trong những thập kỷ gần đây.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h: Lở tuyết trên dãy núi Alps khiến ít nhất 6 người thiệt mạng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới