Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 9/3
Bộ Công Thương triển khai hưởng ứng Giờ Trái Đất 2022; Miền Bắc nồm ẩm, mưa phùn trở lại; Bãi rác huyện Đắk R’lấp gây ô nhiễm môi trường... là những tin tức môi trường nổi bật trong ngày hôm nay (9/3).
Bộ Công Thương triển khai hưởng ứng Giờ Trái Đất 2022
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, sự kiện tắt đèn trong vòng một giờ hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2022 sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30, Thứ Bảy, ngày 26/3/2022.
Năm 2022, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam thực hiện các hoạt động của Chiến dịch Giờ Trái Đất tại Việt Nam theo hướng đổi mới, sáng tạo, thiết thực hơn nhằm mang lại hiệu quả tuyên truyền cao, rộng rãi.
Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cộng đồng trong thời gian diễn ra Chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2022, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường các hoạt động tuyên truyền theo hình thức trực tuyến, phát thanh, truyền hình, treo băng rôn khẩu hiệu, không tổ chức các sự kiện tập trung đông người khi các cơ quan chức năng chưa công bố hết dịch; Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trong Tập đoàn phối hợp triển khai phổ biến các nội dung về tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường, tuyên truyền trực tuyến trên website, fanpage, các ấn phẩm truyền thông.
Trước đó, năm 2021, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất 2021 (từ 20h30 đến 21h30 ngày 27/3), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 353.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 658,1 triệu đồng).
Miền Bắc nồm ẩm, mưa phùn trở lại
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, từ ngày mai (10/3) mưa phùn và nồm ẩm sẽ quay trở lại miền Bắc và kéo dài đến cuối tuần này. Do sự chênh lệch nhiệt độ cao kèm độ ẩm lớn, thời tiết nồm ẩm ở miền Bắc có thể tiếp diễn, trời âm u, sương mù. Thời tiết nồm ẩm có thể tiếp tục duy trì trong tháng 3, tuy nhiên, sẽ không nhiều như giữa những tuần tháng 2.
Cơ quan khí tượng khuyến cáo, trong những ngày xảy ra tình trạng nồm ẩm, không khí có độ ẩm lớn, người dân có thể dùng khăn khô để lau thấm nước trên các bề mặt đệm. Nếu có điều kiện, các gia đình nên sử dụng máy hút ẩm hoặc bật điều hòa nhiệt độ ở chế độ sấy khô để làm khô không khí và hạn chế mở cửa.
Ngoài ra, trong 3 ngày tới (10-12/3), gió Đông Nam ẩm tiếp tục hoạt động mạnh gây hiện tượng sương mù trên các vùng biển thuộc Vịnh Bắc Bộ. Trên các vùng biển phía Nam từ Bình Thuận đến Cà Mau tuy tầm nhìn xa trên 10km nhưng sóng có lúc cao từ 2,5-2,5m, những tàu, thuyền công suất nhỏ không an toàn, rất dễ bị lật úp. Bởi vậy, ngư dân cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn như bắt buộc phải mặc áo phao khi ra khơi, sắp xếp đồ trên tàu hợp lý, giữ liên lạc với các tàu cùng ngư trường, nhất là ngư trường ngoài khơi.
Do đó, để đánh bắt hải sản được an toàn, theo các chuyên gia, ngư dân ra khơi cần chú ý hiện tượng sương mù, làm chủ tốc độ, quan sát kỹ để tránh xảy ra va chạm trên biển, bật đèn báo hiệu để các tàu khác có thể nhìn rõ và chủ động hướng di chuyển.
Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới 2022
Thực hiện chủ trương của Bộ TN&MT, Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới sẽ tổ chức chung một sự kiện - Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới năm 2022 kết hợp với Tổng kết trao giải "Cuộc thi Khí tượng Thủy văn (KTTV) trong em".
Theo đó, các sự kiện của buổi lễ gồm: Chương trình tổng hợp đa phương tiện “Nước và Khí tượng - Trao trọn niềm tin, vững bước phát triển” về bức tranh toàn cảnh lĩnh vực tài nguyên nước và khí tượng thủy văn; phát biểu khai mạc và truyền thông điệp của Lãnh đạo Bộ TN&MT; phát Thông điệp quốc tế về Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới năm 2022; phát toàn văn bài phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về thông điệp hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới năm 2022 của Việt Nam; phát biểu hưởng ứng của đại diện Bộ, Ban ngành; tổ chức quốc tế và đại diện địa phương và và truyền tải thông điệp hưởng ứng của một số các tổ chức, đoàn thể, chuyên gia, nhà khoa học và giới trẻ về Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới năm 2022.
Về Trao giải Cuộc thi KTTV trong em, ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, Tổng cục sẽ phối hợp với Báo TN&MT tổ chức sự kiện theo hình thức trực tiếp kết kết trực tuyến tại các điểm cầu với số lượng 39 giải cho 2 thể loại và 1 giải bình chọn của khán giả. Tại buổi Lễ phát động, dự kiến chỉ trao giải Nhất cuộc thi.
Dông lốc kèm mưa đá gây nhiều thiệt hại tại Hòa Bình
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, thời tiết khu vực tỉnh Hoà Bình có mưa vừa, mưa to, trong mưa dông xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió mạnh gây thiệt hại tài sản và hoa màu của người dân huyện Kim Bôi và thành phố Hoà Bình.
Theo báo cáo nhanh sáng 9/3 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, mưa lớn kèm dông lốc đã làm 1 nhà bị sập, 169 nhà bị tốc mái, trong đó huyện Kim Bôi 142 nhà, thành phố Hoà Bình 27 nhà.
Diện tích lúa bị ngập tại thành phố Hoà Bình là 4,8ha. Diện tích hoa màu bị thiệt hại hơn 11,5ha, trong đó có 10ha thiệt hại tại địa bàn huyện Kim Bôi; 1,5ha tại thành phố Hoà Bình. Cây ăn quả bị gãy đổ tại huyện Kim Bôi hơn 7.150 cây.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Toản, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi tỉnh Hoà Bình, kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hoà Bình cho biết: Trước những thiệt hại do dông lốc, mưa đá gây ra, chúng tôi đã đôn đốc các huyện, thành phố áp dụng các biện pháp chủ động ứng phó mưa đá, dông lốc, gió giật mạnh tại địa phương. Tuyên truyền người dân theo dõi chặt chẽ thông tin tình hình thời tiết để chủ động phòng tránh, giúp bà con phục hồi nhà tốc mái, đổ sập, đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra.
Để chủ động ứng phó dông lốc kèm theo mưa đá, gió giật mạnh trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hoà Bình đã ban hành văn bản gửi các địa phương chủ động triển khai thực hiện các phương án ứng phó, tránh gây thiệt hại về người và tài sản cho người dân.
Bãi rác tại huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) gây ô nhiễm môi trường
Với khối lượng rác thải mỗi ngày càng lớn khoảng 10 tấn cùng công nghệ xử lý lạc hậu, bãi thu gom rác thải huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) nằm ở đầu nguồn nước sinh hoạt đang gây ô nhiễm môi trường.
Được biết, bãi rác đưa vào sử dụng từ năm 2000 với tổng diện tích gần 5.000m2, là nơi tập trung rác thải sinh hoạt của thị trấn Kiến Đức và một số địa phương lân cận của huyện Đắk R’lấp. Khối lượng rác thải mỗi ngày càng lớn cùng công nghệ xử lý lạc hậu, bãi rác gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân xung quanh.
Đáng chú ý, bãi rác nằm ở đầu nguồn nước sinh hoạt và cách thị trấn Kiến Đức khoảng 3km. Tình trạng ô nhiễm lại tiếp tục tái diễn trong những ngày gần đây, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Một số người vô ý thức đã bỏ rác thải ngay ngoài lề đường, cùng với đó là hàng loạt đám cháy nhỏ, cháy âm ỉ liên tục trong nhiều ngày liền khiến bầu không khí khét lẹt, rất khó chịu.
“Dù ban ngày hay ban đêm, người dân bon Đắk B’lao phải ngửi mùi khói từ việc đốt rác nên rất khổ sở và khó chịu. Tình trạng này kéo dài trong thời gian qua, nhiều người đã gặp vấn đề về sức khỏe, nhất là những căn bệnh về đường hô hấp”, người dân ở bon Đắk B’lao chia sẻ.
Là người sống lâu năm tại bon Đắk B’lao, chị Thị Nơ cũng lo lắng khi bãi rác nằm ngay đầu nguồn nước sạch dùng chung cho cả thị trấn. Vào mùa mưa, nhất là những ngày mưa dầm, dòng nước đen sì, đặc quánh chảy ra từ bãi rác, chảy tràn ra đường và ngấm vào hồ Đắk B’lao. Người dân mong muốn chính quyền địa phương sớm có biện pháp di dời bãi rác để không ảnh hưởng tới đời sống bà con.
12 “đại gia” dầu mỏ cam kết giảm mạnh phát thải khí methane
Cụ thể, 12 tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới, trong đó có Saudi Aramco, Shell và Exxon Mobil, đã cam kết cắt giảm phát thải khí methane (CH4) gây hiệu ứng nhà kính về mức gần bằng 0 vào năm 2030.
Quyết định trên được nhóm Sáng kiến khí hậu trong ngành dầu khí (OGCI) đưa ra theo sau lời kêu gọi của các chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên hợp quốc 2021 (COP26) nhằm cắt giảm 30% lượng khí thải methane vào cuối thập kỷ này.
Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Chủ tịch OGCI Bob Dudley nhấn mạnh: “Việc loại bỏ khí thải methane từ ngành dầu khí thượng nguồn là một trong những cơ hội tốt nhất trong ngắn hạn để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu và thúc đẩy các mục tiêu của Thỏa thuận Paris”.
Trước đó, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng khí metan thải ra từ ngành năng lượng toàn cầu cao hơn 70% so với số liệu báo cáo chính thức, trong đó ngành than được xác định là nguồn phát thải lớn nhất.
Lan Anh (T/h)