Thứ sáu, 26/04/2024 16:25 (GMT+7)
Thứ ba, 08/03/2022 20:07 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 8/3

Theo dõi KTMT trên

Hiện tượng nồm ẩm sắp quay lại miền Bắc; Thông qua nghị quyết "Chấm dứt ô nhiễm nhựa”; Mỹ công bố tiêu chuẩn khí thải mới cho xe tải và xe buýt... là những tin tức môi trường 24h nổi bật trong ngày 8/3.

Không khí lạnh vừa chấm dứt, nồm ẩm sắp quay lại miền Bắc

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trong những ngày tới, miền Bắc sẽ rét về đêm và sáng do ảnh hưởng từ không khí lạnh đến hết ngày 9/3. Từ ngày 10/3 đến hết tuần, trời nhiều mây, sương mù, có mưa phùn, hiện tượng nồm ẩm khả năng quay lại miền Bắc.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi hôm nay (8/3) có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đêm và sáng trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-17 độ, vùng núi phía Bắc có nơi 11-13 độ, vùng núi cao có nơi dưới 9 độ.

Trong đó, thời tiết Hà Nội đêm không mưa, ngày nắng. Đêm và sáng trời rét với nhiệt độ thấp nhất 14-17 độ. Tuy nhiên, ban ngày nhiệt độ tăng cao nhất đến 26 độ và có nắng nên người dân chỉ có cảm giác se lạnh.

Nắng nóng vẫn tiếp diễn ở các tỉnh, thành khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, với nền nhiệt cao nhất là 35 độ.

Phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng 

Trong chiều nay 8/3, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã chủ trì buổi làm việc với Tổng cục Môi trường và một số đơn vị liên quan về việc xây dựng Kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 8/3 - Ảnh 1
Bộ TN&MT xây dựng Kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. (Ảnh minh họa)

Theo Báo cáo của Tổng cục Môi trường, về xử lý các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước, Bộ TN&MT đã gửi báo cáo số 47/BC-BTNMT ngày 24/6/2021 về việc báo cáo thực hiện Kế hoạch và đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định 1946 thực hiện trong giai đoạn 2021 -2025.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Tổng cục nhận thấy, việc xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu (các điểm ô nhiễm chưa xử lý theo phụ lục 01 của Quyết định 1946 và một số điểm ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng mới được địa phương phát hiện, đề xuất bổ sung) sẽ là một phần trong kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 15 của Luật Bảo vệ môi trường. Kế hoạch này sẽ do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Đà Nẵng: Hệ thống nước thải xuống cấp, sông Hàn lại bị “nhuộm đen”

Những ngày qua, nhiều người đi đường qua khu vực đầu cầu Trần Thị Lý (quận Hải Châu) phát hiện nước thải đục, có lúc có màu đen chảy ra sông Hàn từ tuyến cống thoát nước mưa ở khu vực Đảo Xanh bốc mùi hôi thối.

Đáng nói đây không phải là lần đầu tiên dòng sông Hàn bị nhuộm đen bởi hệ thống nước thải đã xuống cấp nhưng vẫn không được chính quyền xử lý dứt điểm. Việc để nước thải chảy ra sông Hàn như vậy sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 8/3 - Ảnh 2
Nước thải bốc mùi hôi thối chảy ra sông Hàn từ cống thoát nước sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan. (Ảnh: Báo TN&MT)

Theo ông Hà Văn Thanh - Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, nước thải chảy ra sông Hàn từ cống thoát nước mưa ở khu vực Đảo Xanh là do chưa hoàn thành thi công tuyến ống thu gom nước thải dọc tuyến đường 2 Tháng 9.

Ngoài ra, hệ thống xử lý nước thải quá tải và xuống cấp nên thành phố đang đầu tư hệ thống thoát nước dọc theo đường 2 Tháng 9. Về lâu dài, khi tuyến ống thu gom nước thải dọc tuyến đường 2 Tháng 9 được đưa vào vận hành mới chấm dứt tình trạng nước thải chảy ra sông Hàn tại tuyến cống này. Hiện tại thì không chứa hết nên nước thải vẫn chảy ra sông thường xuyên” – ông Thành nói.

Thông qua nghị quyết lịch sử mang tên "Chấm dứt ô nhiễm nhựa”

Mới đây, các Nguyên thủ quốc gia, Bộ trưởng môi trường và các đại diện khác từ 175 quốc gia đã thông qua một nghị quyết lịch sử mang tên "Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế". Nghị quyết nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa và xây dựng một thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc pháp lý vào năm 2024.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 8/3 - Ảnh 3
Nghị quyết mới thông qua góp phần nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa và xây dựng một thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc pháp lý vào năm 2024. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA-5) ở Nairobi (Kenya), bà Amina Mohammed, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho biết: "Ngày nay, không có khu vực nào trên hành tinh không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nhựa, từ trầm tích biển sâu đến đỉnh núi Everest. Hành tinh xứng đáng có một giải pháp đa phương thực sự cho thảm họa ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Một thỏa thuận từ nguồn đến biển”.

Chủ tịch Đại hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Na Uy Espen Barth Eid đánh giá, Nghị quyết được thông qua đã thể hiện sự hợp tác đa phương ở mức tốt nhất. Nghị quyết dựa trên 3 dự thảo Nghị quyết ban đầu từ các quốc gia khác nhau, thành lập Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ (INC) bắt đầu hoạt động vào năm 2022, với tham vọng hoàn thành dự thảo thỏa thuận toàn cầu ràng buộc về mặt pháp lý vào cuối năm 2024.

Nghị quyết đề cập đến toàn bộ vòng đời của nhựa, tức là sản xuất, sử dụng và thải bỏ nó. Nghị quyết này sẽ là một công cụ ràng buộc pháp lý, phản ánh các lựa chọn thay thế khác nhau để giải quyết vòng đời đầy đủ của nhựa, thiết kế các sản phẩm và vật liệu có thể tái sử dụng và tái chế, đồng thời cho thấy nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế để tạo điều kiện tiếp cận công nghệ, xây dựng năng lực, khoa học và hợp tác kỹ thuật.

Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn có thể giảm hơn 80% lượng rác thải nhựa đổ vào đại dương vào năm 2040, giảm 55% sản xuất nhựa nguyên sinh, tiết kiệm 70 tỷ USD cho Chính phủ vào năm 2040, đồng thời giảm 25% lượng khí thải nhà kính và tạo thêm 700.000 việc làm.

Mỹ công bố tiêu chuẩn khí thải mới cho xe tải và xe buýt

Ngày 7/3, Mỹ đã công bố các tiêu chuẩn khí thải khắc nghiệt hơn đối với xe tải và xe buýt bắt đầu từ năm 2027, đồng thời cho biết nước này sẽ chi gần 1,4 tỷ USD để mở rộng giao thông công cộng xanh.

Các tiêu chuẩn mới được đề xuất cho các loại xe chạy bằng xăng và dầu diesel sẽ đặt ra các giới hạn nghiêm ngặt hơn đối với các oxit nitơ (NOx) gây khói và muội than, đồng thời đặt ra các tiêu chuẩn khí nhà kính mới từ năm 2030.

“Ước tính có khoảng 70 triệu người sống gần các tuyến đường vận chuyển hàng hóa bằng xe tải ở Mỹ và họ có nhiều khả năng là người da màu và những người có thu nhập thấp. Những cộng đồng người đông đúc đó trực tiếp bị tác động bởi ô nhiễm môi trường dẫn đến các vấn đề về hô hấp và tim mạch” - Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), ông Michael Regan cho biết.

Các giới hạn mới sẽ áp dụng cho các loại xe mới được sản xuất từ năm 2027 trở đi, bao gồm xe buýt chở học sinh, xe buýt trung chuyển, xe tải giao hàng thương mại và máy kéo đường ngắn.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 8/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới