Thứ sáu, 22/11/2024 07:30 (GMT+7)
Thứ hai, 07/03/2022 20:00 (GMT+7)

Môi trường ngày 7/3 có gì nổi bật?

Theo dõi KTMT trên

Giờ Trái Đất năm 2022 tổ chức vào tối 26/3; Miền Bắc sẽ đón 5-6 đợt không khí lạnh trong tháng 3; Mỗi phút thế giới tải ra 3 triệu chiếc khẩu trang... là những tin tức môi trường nổi bật trong ngày hôm nay (7/3).

Trong tháng 3, miền Bắc sẽ đón 5-6 đợt không khí lạnh

Nhận định về diễn biến thời tiết trong tháng 3/2022, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, trong tháng 3 có khoảng 5-6 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta, nhưng cường độ của các đợt không khí lạnh này không mạnh và chủ yếu lệch Đông.

Theo ông Hưởng, các đợt không khí lạnh này chủ yếu gây trời rét trong thời gian ngắn tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và ít có khả năng gây ra tình trạng rét đậm, rét hại. Tuy nhiên, do các đợt không khí lạnh ảnh hưởng lệch Đông sẽ tạo ra hiện tượng sương mù, sương mù nhẹ và mưa nhỏ xuất hiện nhiều ngày trong tháng.

Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, chiều nay (7/3), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở Trung Trung Bộ. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ mưa vừa, mưa to; Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động.

Dự báo chiều tối và đêm nay, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi từ nay đến ngày mai có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Trong mưa dông khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Giờ Trái Đất năm 2022 được tổ chức vào tối 26/3

Chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2022 với sự kiện Tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái Đất sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30, ngày 26/3 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước.

Môi trường ngày 7/3 có gì nổi bật? - Ảnh 1
Chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2022 sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30, ngày 26/3 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước.

Theo văn bản chỉ đạo, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Giờ Trái Đất diễn ra trong tháng 3 nhằm thu hút sự quan tâm của đông đảo các tổ chức, cơ quan và người dân trên địa bàn tỉnh, thành phố tham gia vào chiến dịch; vận động các tổ chức, cơ quan và người dân thực hiện tắt đèn và các thiết bị không cần thiết vào thời gian diễn ra sự kiện Tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái Đất.

Trong năm 2021, sau 1 giờ tắt điện cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 353.000 kWh, tương đương khoảng 658,1 triệu đồng

Cùng với chương trình Giờ Trái Đất, Bộ Công Thương cũng đã có những chính sách, chương trình hành động trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và thương mại thời gian tới, nhằm hướng tới phát triển bền vững ngành Công Thương, giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris.

ĐBSCL cần thay đổi tư duy tạo tiền đề cho phát triển bền vững

Phát biểu chỉ đạo tại "Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL - chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu" với sự tham dự của 13 tỉnh, thành phố trong vùng ngày 6/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh 28 chữ trong tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận về phát triển vùng ĐBSCL, đó là: "tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công - tư, đời sống chất lượng".

Nhấn mạnh một số mục tiêu quan trọng, Thủ tướng cho rằng: "Một là phải phát triển nhanh và bền vững. Thứ hai là chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ ba phải đột phá về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân.

Thứ tư là giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Về tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận, tôi xin gói gọn lại mấy chục chữ thế này thôi: tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công - tư, đời sống chất lượng".

Về nhiệm vụ giải pháp, Thủ tướng đề nghị, nhanh chóng rà soát,hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách. Thực hiện "4 tốt" trong quy hoạch, đó là quy hoạch tốt thì có dự án tốt, dự án tốt thì có nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư tốt thì có sản phẩm tốt. Đồng thời, chú trọng việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm và tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng chiến lược.

"Hạ tầng dứt khoát không có dàn trải, tập trung vào hạ tầng chiến lược. Giao thông là nút thắt hiện nay, tao có lợi thế giao thông thủy, giao thông biển nhưng chưa khai thác được. trước hết là về đường cao tốc. Hạ tầng về xã hội y tế, giáo dục, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu như hôm qua ta khánh thành công trình Cái Lớn - Cái Bé, hạ tầng số, hạ tầng chuyển đổi năng lượng. Dứt khoát ta phải chuyển đổi năng lượng ở khu vực này, nắng gió nhiều. Tại sao chúng ta không chuyển đổi năng lượng ở khu vực này mà bây giờ là tài chính xanh, sản phẩm xanh, sản phẩm sạch".

Thanh Hóa chỉ đạo thanh tra 12 dự án bất động sản 

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc chỉ đạo thanh tra các dự án đầu tư sử dụng đất giai đoạn 2010- 2021.

Môi trường ngày 7/3 có gì nổi bật? - Ảnh 2
UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo thanh tra tổng thể toàn diện về quy hoạch, đất đai, trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng đối với 12 dự án sử dụng đất.

Theo đó, UBND tỉnh giao thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra tổng thể toàn diện về quy hoạch, đất đai, trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng đối với 12 dự án sử dụng đất. Trong đó xác định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm (nếu có). Trên cơ sở đó, có kết luận và kiến nghị biện pháp xử lý đối với từng nội dung sai phạm và báo cáo Chủ tịch tỉnh những nội dung vượt quá thẩm quyền. Trong tổng số 12 dự án nói trên có 11 dự án trên địa bàn TP Thanh Hóa, 1 dự án tại huyện Thọ Xuân.

Được biết, năm 2021 Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã thanh kiểm tra 281 dự án có sử dụng đất. Kết quả, nhiều doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, “trây ỳ” không đầu tư…

3 triệu chiếc khẩu trang bị thải ra môi trường mỗi phút

Theo ước tính của các nghiên cứu gần đây, con người sử dụng 129 tỷ chiếc khẩu trang trên toàn cầu mỗi tháng, tương đương với 3 triệu chiếc khẩu trang bị vứt ra môi trường mỗi phút. Hầu hết chúng là khẩu trang dùng một lần được làm từ các sợi vi nhựa. Đây được cảnh báo là một quả bom hẹn giờ về ô nhiễm môi trường.

Nhu cầu cho khẩu trang còn tăng theo tiến trình của đại dịch. Chỉ tính riêng tại Anh, một nghiên cứu vào tháng 12/2021 cho thấy lượng tiêu thụ khẩu trang dùng một lần đã tăng tới 9.000%. Ngay sau khi bị vứt bỏ, khẩu trang sẽ trở thành loại rác thải khó phân hủy.

Môi trường ngày 7/3 có gì nổi bật? - Ảnh 3
Mỗi phút trên thế giới, 3 triệu chiếc khẩu trang bị vứt ra môi trường. 

Việc sản xuất một số lượng khổng lồ khẩu trang dùng một lần trong đại dịch đang ở quy mô tương tự như sản xuất chai nhựa với ước tính khoảng 43 tỷ chiếc mỗi tháng.

Nếu không được xử lý để tái chế, giống như các chất thải nhựa khác, khẩu trang dùng một lần có thể tồn tại trong môi trường, hệ thống nước ngọt và các đại dương, nơi thời tiết có thể tạo ra một số lượng lớn các hạt có kích thước siêu nhỏ (nhỏ hơn 5 micromet) trong thời gian tương đối ngắn và các mảnh nhỏ hơn nữa thành nhựa nano (nhỏ hơn 1 micromet).

Trong một nghiên cứu khác của Oceans Asia, chỉ riêng năm 2020 có tới 1,5 tỷ khẩu trang dùng một lần đã bị thải ra các đại dương, tương đương 6.500 tấn rác thải nhựa. Các thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang và găng tay dùng một lần được sử dụng để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế trong suốt đại dịch COVID-19 nếu không được xử lý đúng cách, chắc chắn một cuộc khủng hoảng rác thải y tế sẽ là điều không tránh khỏi. Phần lớn thiết bị bảo hộ cá nhân chứa nhựa polypropylene, phải mất tới 450 năm để phân hủy.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Môi trường ngày 7/3 có gì nổi bật?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.