Thứ bảy, 27/04/2024 02:27 (GMT+7)
    Thứ bảy, 05/03/2022 19:00 (GMT+7)

    Bản tin bất động sản ngày 5/3

    Theo dõi KTMT trên

    Giá căn hộ hạng C ở TP.HCM tiệm cận mốc 60 triệu đồng/m2; Phía sau chiêu trò “cọc thiện chí”; 3 tỷ đồng không mua nổi lô đất ở quê, Đâu là giải pháp khi người lao động vẫn đang ngóng nhà giá rẻ… là tin bất động sản nổi bật trong ngày hôm nay.

    3 tỷ đồng không mua nổi lô đất ở quê: Mức đấu giá cao gấp 130 lần đền bù

    Mỗi m2 đất nông nghiệp người dân được hỗ trợ đền bù khoảng 170.000 đồng, tuy nhiên khi đem ra đấu giá với mức khởi điểm 22 triệu đồng/m2, cao gấp gần 130 lần, khiến người dân bất ngờ.

    UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) phê duyệt và ký kết với Công ty đấu giá hợp danh Minh Nhật (thành phố Hà Tĩnh) tổ chức đấu giá 9 lô đất ở nông thôn tại xã Lâm Trung Thủy. Trong đó có 8 lô đất với diện tích 160 m2 với giá khởi điểm là hơn 3,5 tỷ đồng/lô và một lô diện tích 263 m2 có giá khởi điểm là hơn 4,7 tỷ đồng. Và bước giá trên một lần đấu là từ 176 triệu đồng đến 237 triệu đồng, tùy theo diện tích từng lô.  

    Đây là những lô đất bám mặt quốc lộ 8A đã được chính quyền thu hồi, phê duyệt giá bồi thường đất lúa cho người dân, sau đó tổ chức bán đấu giá đất ở. Vị trí 9 lô đất này cách trung tâm hành chính huyện Đức Thọ gần 4 km.

    Nhiều người dân than thở, với giá đất cao ngất ngưởng như vậy thì tích góp cả đời cũng khó mua được miếng đất ở quê.

    Một khía cạnh khác cũng khiến dư luận quan tâm đó là việc đền bù, hỗ trợ cho những hộ dân có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi thì áp theo giá quy định của nhà nước, còn mức giá khởi điểm lúc đưa ra đấu lại theo giá thị trường.

    Phía sau chiêu trò  “cọc thiện chí” mua bất động sản có phải là đội giá?

    Đối với việc thăm dò thị trường, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng đối với một dự án bất động sản thì hình thức “cọc thiện chí” là một công cụ mà chủ đầu tư sử dụng để đo lường tính khả thi khá hiệu quả của dự án. Nhưng phía sau chiêu trò này còn được chỉ ra là việc lợi dụng số lượng đặt cọc vượt số lượng chào bán từng đợt để đội giá lên cao gây ảnh hưởng đến uy tín các đơn vị phân phối, thiệt hại đến nhà đầu tư và khách hàng.

    Bản tin bất động sản ngày 5/3 - Ảnh 1
    Nhơn Hội New City, một dự án sử dụng chiêu bài “đặt cọc thiện chí” rất hiệu quả, 1000 “cọc thiện chí” chỉ sau 2 tuần thời điểm năm 2019.

    Cụ thể hơn, khi dự án chưa đủ điều kiện mở bán, doanh nghiệp sẽ lách luật “thỏa thuận ngầm” với các đơn vị phân phối để nhận “cọc thiện chí” trước sự kiện mở bán một khoảng thời gian, với số tiền nhỏ, được hoàn trả nếu sản phẩm không đúng với mong muốn của khách hàng, sẽ tạo được tâm lý thoải mái khi tiếp xúc với dự án và thuận lợi cho việc chốt sale sau này.

    Sau khi nắm được số lượng khách hàng “cọc thiện chí”, chủ đầu tư sẽ phân tích, đánh giá lượng cầu để điều chỉnh giá và số lượng sản phẩm chào bán sao cho tối đa hóa lợi nhuận. Ví dụ, chủ đầu tư sẽ dự kiến ra hàng khoảng 100 căn với giá trung bình 20 triệu đồng/m2 nhưng lượng khách quan tâm “thiện chí” là 150 người, thì chủ đầu tư sẽ phải chỉnh giá cao hơn dự kiến khoảng 25 triệu đồng/m2 và số lượng cũng phải tăng lên khoảng 130 căn. Nếu chỉ 90 khách cọc thiện chí thì vẫn sẽ giữ giá 20 triệu đồng/m2 và sẽ giảm số lượng ra hàng khoảng 80 căn.

    Chiến thuật tạo sự khan hiếm giả tạo và gây hiệu ứng đám đông sẽ là nước cờ cuối cùng của chủ đầu tư sau khi tổ chức chương trình sự kiện bán hàng, tri ân, bốc thăm trúng thưởng. Đây là phương thức bài bản được phối hợp giữa chủ đầu tư và đơn vị phân phối, họ sẽ tạo ra số lượng hàng ít hơn so với số người đặt cọc thiện chí, cộng hưởng với tâm lý đám đông ồn ào, sôi động mua bán và sự kích động từ các nhân viên bán hàng.

    Đâu là giải pháp khi người lao động vẫn đang ngóng nhà giá rẻ?

    Nhiều người có thu nhập thấp cần căn hộ từ 50-60 m2, giá từ 1 tỷ đồng trở lại và tính ra giá bán tầm dưới 20 triệu đồng/m2 thì những người lao động có thu nhập thấp mới có thể cố gắng tiếp cận được.

    Đối với thị trường BĐS TP.HCM đang được đánh giá là có dấu hiệu lệch pha cung cầu và sự phát triển thiếu bền vững khi giá tăng cao nhưng thiếu nguồn cung ở những phân khúc bình dân. Trong năm 2021, cả TP.HCM chỉ ghi nhận 20 dự án phát triển nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng, trong đó không hề có dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nào được triển khai.

     Vấn đề phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp tại những đô thị lớn như TP.HCM nói riêng và các khu đô thị khác nói chung trên cả nước ta đã được đề cập rất nhiều, song đến thời điểm này vẫn là một bài toán chưa tìm ra lời giải.

    Để tạo thêm nguồn cung cho loại hình nhà ở này, ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng Nhà nước cần ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn để xây nhà lưu trú cho công nhân. Tất cả chi phí xây dựng nhà ở công nhân cần được đưa vào chi phí sản xuất hợp lệ, để khuyến khích doanh nghiệp.

    Giá căn hộ hạng C ở TP.HCM tiệm cận mốc 60 triệu đồng/m2

    Nguồn cung nhà ở lao dốc mạnh trong giai đoạn cuối năm 2021 đẩy giá bán các phân khúc tăng cao. Riêng giá dự án hạng C tăng 27% theo năm, cao hơn Bình Dương và gấp đôi Đồng Nai.

    Theo báo cáo tổng quan thị trường bất động sản TP.HCM quý IV/2021 của Savills Việt Nam, giá các căn hộ, dự án hạng C đang có giá bán lên đến 56,5 triệu đồng/m2 thông thủy, tăng 27% theo năm.

    Một số sản phẩm cũng đã tăng giá bán lên 11% theo quý do giá cao ở giai đoạn mới mở bán hoặc ở những căn hộ cuối của các dự án có tiến độ xây dựng tốt.

    Trong khi đó, các sản phẩm bất động sản liền thổ với giá bán trên 18 tỷ đồng/căn ngày càng phổ biến trong 3 năm gần đây với nguồn cung lẫn giá bán đều tăng. Riêng trong quý IV/2021, các sản phẩm trên 18 tỷ đồng chiếm đến 90% tổng lượng bán.

    Các chuyên gia tại Savills lý giải nguyên nhân giá bán tăng cao là tình trạng sụt giảm nguồn cung nhà ở sơ cấp kéo dài trong nhiều năm qua, đặc biệt càng lao dốc mạnh do dịch bệnh

    Bình Dương tiếp tục là điểm đến tiếp theo cho thị trường căn hộ. Còn với nhà đất và nhà ở liền thổ, Đồng Nai sẽ kế thừa.

    Bình Dương sắp có khu công nghiệp rộng 1.000 ha

    Trong tháng 3 này, Bình Dương sẽ tổ chức khỏi công khu công nghiệp VSIP III có quy mô 1000 ha.

    Khu công nghiệp VSIP III được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư vào tháng 11/2016 với tổng vốn đầu tư 6.407 tỷ đồng.

    Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp nói trên.

    Theo đó, Thủ tướng đồng ý điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án thành phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

    Về tiến độ thực hiện dự án, Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các cơ quan chức năng và nhà đầu tư xem xét việc điều chỉnh quy mô triển khai từng giai đoạn cho phù hợp với tiến độ thu hút đầu tư đầu tư, kết nối hạ tầng; Xây dựng nhà ở, thiết chế cho người lao động của khu công nghiệp,...

    Cục Thuế TP.HCM kiến nghị cách tính giá thuế chuyển nhượng bất động sản

    Mới đây, Cục Thuế TP.HCM đề xuất với UBND TP.HCM cách tính hệ số nhân khi tính toán chuyển nhượng bất động sản trong thời gian tới.

    2 tháng qua, TP.HCM thu ngân sách được hơn 88.000 tỷ đồng, đạt 22,7 kế hoạch năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất và tiền thuê đất tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

    Năm 2022, chỉ tiêu thu ngân sách của TP.HCM là hơn 386.000 tỷ đồng. Để tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước, từ nay đến cuối năm, Cục Thuế TP.HCM sẽ tập trung xây dựng giải pháp thu thuế chuyển nhượng bất động sản sát với giá thị trường. Vì hiện nay,  mức giá tính thuế chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá thị trường từ 6-8 lần. Nhiều giao dịch bất động sản bằng tiền mặt nên cơ quan thuế rất khó kiểm soát. Giá ghi trong hợp đồng công chứng thường thấp hơn rất nhiều so với giá chuyển nhượng thực tế.

    TP.HCM: 45.000 tỉ đồng vốn cho đầu tư công năm 2022, liên tục thúc tiến độ giải ngân

    Năm 2022, nguồn vốn dành cho đầu tư công của TP.HCM là 45.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này, tập trung đầu tư vào các dự án như: xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường Kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên, xây dựng nút giao thông An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường Vành đai 2, Vành đai 3…

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê bình Thành phố chậm ban hành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Vì vậy, đây sẽ là một trong những nhiệm vụ TP.HCM tập trung trong tháng 3/2022.

    Bản tin bất động sản ngày 5/3 - Ảnh 2
    Nguồn vốn dành cho đầu tư công của TP.HCM là 45.000 tỷ đồng.

    TP.HCM sẽ triển khai các giải pháp để đẩy nhanh các công trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công; thúc đẩy nhanh tiến độ Metro 1, chuẩn bị các điều kiện để khởi công Metro 2 trong năm 2022. Đồng thời, rà soát các công trình, dự án có thể khánh thành và khởi công dịp 30/4, trong đó, phấn đấu có một số dự án thay chung cư cũ.

    Điểm nóng phân lô, bán nền lại ồ ạt xin chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở

    Huyện Bảo Lâm xin chuyển 675,6 ha đất nông nghiệp sang đất ở. Điều này được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lâm Đồng đánh giá chưa phù hợp.

    Theo đó, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, đối với chỉ tiêu đất ở đề nghị chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở là 675,6 ha là chưa phù hợp với số liệu tại thời điểm thẩm định (khoảng 400 ha), cũng như nội dung đề nghị rà soát lại chỉ tiêu đất ở của Sở Tài nguyên và Môi trường tại thông báo trước đó.

    Do đó, để đảm bảo việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất ở một cách hợp lý, tránh tình trạng tăng cao bất thường so với tăng dân số trên địa bàn huyện, Sở TN&MT đề nghị UBND huyện Bảo Lâm xem xét rà soát lại chỉ tiêu đất ở, cơ sở pháp lý của việc đề xuất trong khi chỉ tiêu sử dụng đất kỳ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 chưa được phê duyệt.

    TP.HCM khan hiếm biệt thự, nhà phố

    Dòng biệt thự, nhà phố tại thị trường TP.HCM trong năm 2022 được dự báo tiếp tục rơi vào tình trạng khan hiếm; các dự án hiếm hoi đang sắp ra mắt đều được thị trường đặc biệt chú ý

    Theo báo cáo thị trường quý IV/2021 của Savills, nguồn cung sơ cấp biệt thự, nhà phố có gần 400 căn, giảm 23% theo quý và 58% theo năm, không có dự án mới được mở bán. Nguồn cung mới có khoảng hơn 170 căn đến từ các giai đoạn mở bán tiếp theo của ba dự án hiện hữu tại các quận ngoài trung tâm gồm Quận 9, 12 và Gò Vấp. Sự thiếu hụt sản phẩm bất động sản liền thổ được dự báo sẽ tiếp diễn do quy hoạch nhà ở TP.HCM đến năm 2030 ưu tiên phát triển nhà ở cao tầng, còn nhà ở thấp tầng chỉ chiếm dưới 10%.

    Trong khi nguồn cung sơ cấp khan hiếm và chất lượng phát triển tại các khu phức hợp ngày càng tốt, nhu cầu sở hữu bất động sản liền thổ tiếp tục gia tăng trong năm 2022. Tỷ lệ hấp thụ các sản phẩm biệt thự, nhà phố đạt 54%, trong đó nguồn cung mới đạt tỷ lệ hấp thụ lên tới 94% trong quý vừa qua. Sự chênh lệch về cung - cầu dẫn đến giá bán của biệt thự, nhà phố tiếp tục tăng trưởng.

    Bùi Hằng (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Bản tin bất động sản ngày 5/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới