Kiểm soát tốt thị trường bất động sản, ngăn chặn đầu cơ gây "sốt đất" ảo
Tại các khu vực dự kiến thực hiện các dự án trên địa bàn Quảng Trị như: Khu dân cư, khu đô thị, khu kinh tế,… đã xuất hiện các hoạt động đầu cơ bất động sản gây "sốt ảo" làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường.
Bất động sản một số nơi có hiện tượng “thổi giá”
UBND tỉnh Quảng Trị ban hành văn bản ngày 2/3, về việc đánh giá và kiểm soát nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản (BĐS) và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh có tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, một số tổ chức cá nhân chưa tuân thủ các quy định về kinh doanh BĐS, theo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết.
Các khu vực dự kiến thực hiện các dự án trên địa bàn như: Khu dân cư, khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, nông thôn đã xuất hiện các hoạt động đầu cơ BĐS gây "sốt ảo", có hiện tượng “thổi giá” làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường.
Cùng với đó có dấu hiệu nhà đầu tư tổ chức huy động vốn chuyển nhượng chưa đúng quy định của pháp luật, thổi phồng để quảng cáo, rao bán khi chưa đầy đủ quy trình, thủ tục và chưa đầu tư cơ sở hạ tầng cho dự án gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS, gây khó khăn cho công tác quản alý nhà nước, trật tự xã hội trên địa bàn.
Để khắc phục và kiểm soát tốt thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh, tránh nguy cơ xảy ra "bong bóng" BĐS, đảm bảo ổn định an ninh trật tự và thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư; UBND tỉnh yêu cầu: UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường BĐS trên địa bàn; Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra;
Có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán BĐS, dự án BĐS... vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh BĐS và pháp luật có liên quan.
Ở các địa phương cũng nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân không tham gia vào các giao dịch BĐS khi chưa đủ điều kiện. Tổ chức công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án BĐS của địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, "đầu cơ" nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Với Sở Xây dựng cần tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án BĐS, nhất là BĐS hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa BĐS vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án BĐS phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh BĐS; thực hiện và hướng dẫn các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới BĐS bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất; Kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.
Công an tỉnh chủ động kiểm tra, nắm bắt thông tin để xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, lũng đoạn, xúi giục, kích động, gây bất ổn thị trường bất động sản.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng giao các cơ quan chức năng liên quan khác phối hợp nhằm kiểm soát tốt thị trường BĐS, tránh nguy cơ xảy ra "bong bóng" BĐS, đảm bảo ổn định an ninh trật tự và thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư.
Khi giá nhà liên tục tăng cao,lo ngại "sốt đất" ảo, "bong bóng" xuất hiện
Tìm hiểu nhiều nguồn tin cho thấy, như ở Hà Nội, chung cư tăng 13%, tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua theo thống kê của CBRE còn nhà biệt thự tăng tới 82% theo năm (theo báo cáo của Savills). Đất nền nhiều nơi tăng 40-50%.
Điều đáng nói là dù giá tăng cao, nhưng lượng giao dịch, nhất là vào thời điểm cuối năm 2021, có dấu hiệu chững lại tại một số khu vực. Tuy nhiên, ý kiến từ phía cơ quan quản lý là Bộ Xây dựng và một số chuyên gia cho rằng, thị trường có dấu hiệu "bong bóng" nhưng khó vỡ, "sốt đất" ảo.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng chia sẻ: "Đúng là năm 2021 tại có một số địa phương có một số nơi, ở một vài địa điểm có vấn đề nóng sốt nóng sốt và cũng không phải tất cả các phân khúc của BĐS đều nóng sốt mà chỉ có một số trường hợp ví dụ như là ở do tách nhập đơn vị hành chính, ví dụ như do hạ tầng phát triển, nghe thông tin đó chưa đầy đủ thay đổi quy hoạch thì có tăng giá nhưng mà cũng là phân khúc đất nền đó chứ còn các BĐS khác cũng không bị ảnh hưởng nhiều".
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nói: "Xuất hiện ở nhiều vùng có tính ảo, bong bóng, may mắn là các đầu tư có kinh nghiệm. Bong bóng có thể có nhưng nhiều nơi không phải có sức ảnh hưởng lớn, điều này do nhà đầu tư có kinh nghiệm".
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội nhận định: "Năm 2008-2009 khi đó lãi suất ngân hàng cực cao, gần như không kiểm soát được, mức lãi suất ngân hàng có thể lên tới 18-19 ở mức thoả thuận… Ở thời điểm hiện nay, lãi suất ngân hàng đang kiểm soát tốt. Hiện tại không như vậy, nên chưa có bong bóng".
Mặc dù nhu cầu nhà ở còn rất lớn nhưng thị trường năm 2022 vẫn gặp khó về nguồn cung, do "nút thắt cổ chai" về pháp lý trong Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản vẫn chưa được tháo gỡ. Nhiều ý kiến cho rằng, thiếu hụt nguồn cung là 1 trong những nguyên nhân khiến các môi giới lợi dụng thổi giá, gây ra các cơn sốt đất, hoặc chính các chủ đầu tư đẩy giá bán nhà tăng cao. Một khi nút thắt này được tháo gỡ, sẽ tạo ra sự phát triển lành mạnh hơn, nhất là việc xây dựng thêm nhà ở vừa túi tiền, đang gần như đang bị lãng quên trong suốt 2 năm qua.
Bùi Hằng (T/h)