Thứ sáu, 03/05/2024 21:23 (GMT+7)
Thứ bảy, 05/03/2022 19:00 (GMT+7)

Bản tin môi trường ngày 5/3

Theo dõi KTMT trên

Bắc Bộ chuẩn bị đón đợt không khí lạnh mới; Hơn 500 doanh nghiệp gây ô nhiễm cao ở TP.Thuận An; Thực hiện nghiêm việc phân loại rác, thu gom rác thải y tế lây nhiễm... là những tin tức môi trường nổi bật trong ngày 5/3.

Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chuẩn bị đón đợt không khí lạnh mới

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, chiều nay (5/3), ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam.

Dự báo khoảng đêm mai (6/3), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến vùng núi phía bắc, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi thuộc Trung Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp nên từ chiều tối 6-7/3, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to (thời gian mưa ở Bắc Bộ tập trung vào đêm và sáng). Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ. 

Từ ngày 7-8/3, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-17 độ, vùng núi phía Bắc có nơi 11-13 độ, vùng núi cao có nơi dưới 9 độ.

Bản tin môi trường ngày 5/3 - Ảnh 1
Từ 7-8/3, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, vùng núi cao có nơi dưới 9 độ.

Bộ TN&MT chỉ đạo thực hiện nghiêm việc phân loại rác, thu gom rác thải y tế lây nhiễm

Trước thực trạng gia tăng số ca F0 (người bị Covid-19) cách ly, điều trị tại nhà, dẫn tới phát sinh lượng lớn rác thải y tế, rác thải sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đưa ra một loạt giải pháp cấp bách, trong đó đề nghị các cấp chính quyền địa phương cần có phương án bố trí đơn vị thu gom rác thải từ các gia đình, địa điểm lưu trú có F0 đang cách ly để đưa đến nơi lưu giữ, xử lý.

Cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm việc phân loại rác, thu gom rác thải y tế lây nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để lẫn với rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở công ích, thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn; xây dựng lộ trình thu gom, vận chuyển hợp lý, bố trí các thùng chứa và phương tiện vận chuyển rác riêng biệt, đảm bảo vệ sinh môi trường để thu gom rác thải phát sinh từ gia đình có người cách ly tại nhà theo các khung giờ cố định và chuyển tới cơ sở xử lý.

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), về năng lực xử lý chất thải tại các địa phương, hiện nay trên toàn quốc có hơn 80 cơ sở xử lý chất thải có chức năng xử lý chất thải y tế lây nhiễm bên cạnh hệ thống các cơ sở xử lý chất thải theo mô hình cụm cơ sở y tế.

Để đảm bảo rác thải không bị “tắc,” Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản thông báo tới các địa phương để liên hệ, phối hợp trong công tác vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 tại địa phương. 

Hơn 500 doanh nghiệp có nguy cơ cao gây ô nhiễm ở TP.Thuận An

Theo Chủ tịch UBND TP.Thuận An (Bình Dương) Nguyễn Thanh Tâm, hiện thành phố có hơn 500 doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đa số các doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có vốn đầu tư ít, diện tích mặt bằng hạn chế.

Công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, việc xử lý chất thải chưa được đầu tư thỏa đáng gây tác động xấu đến cộng đồng dân cư và khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát, không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và công nghiệp tại địa phương, cần sớm di dời.

Từ năm 2017, UBND thành phố đã kiểm tra 786 doanh nghiệp, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, xử phạt vi phạm hành chính 224 trường hợp.

Đến nay, còn 37 trường hợp chưa thực hiện đầy đủ các nội dung của quyết định xử phạt. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã thống kê có khoảng 505 doanh nghiệp, cơ sở nằm ngoài khu, cụm công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu gồm các ngành nghề sản xuất đồ gỗ, gia công cơ khí, sản xuất các sản phẩm nhựa, gốm sứ, kinh doanh phế liệu…

Bản tin môi trường ngày 5/3 - Ảnh 2
Tại TP.Thuận An (tỉnh Bình Dương) có hơn 500 doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa. (Ảnh minh họa)

Do đó, UBND thành phố kiến nghị tỉnh sớm ban hành quy định về những nguyên tắc, cơ sở pháp lý, tiêu chí để xem xét cho chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian di dời của doanh nghiệp để có cơ sở vận động các doanh nghiệp di dời nhà xưởng nằm ngoài khu, cụm công nghiệp đến các khu, cụm công nghiệp phía Bắc của tỉnh hoặc các địa điểm khác phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành và đảm bảo công tác bảo vệ môi trường.

Lật thuyền trên biển Quảng Ngãi, 1 ngư dân mất tích

Sáng 5/3, lãnh đạo UBND xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm 1 ngư dân hành nghề trên biển bị mất tích.

Trước đó, khoảng 0h30’sáng 4/3, 2 ngư dân gồm Nguyễn Cam (46 tuổi) và Đỗ Hải Nam (40 tuổi), cùng trú xã Đức Minh khi đang nằm ngủ trên một chiếc thuyền, công suất 20 CV, cách bờ khoảng 4 km chờ để kéo lưới thì con thuyền bất ngờ bị lật khiến cả 2 rơi xuống biển.

Tiếp nhận thông tin, Đồn Biên phòng Đức Minh đã khẩn trương có mặt tại hiện trường hỗ trợ tìm kiếm ngư dân Nam mất tích biển, đồng thời kêu gọi các phương tiện khác kéo chiếc ghe bị nạn về cửa biển Mỹ Á, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đến sáng 5/3, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy ngư dân Nam.

Tổng cục Lâm nghiệp lên tiếng về vụ hủy hoại rừng làm đường Trường Sơn Đông

Mới đây, ngày 5/3, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết sẽ tổ chức họp các ngành nhằm tìm hướng xử lý vụ việc liên quan đến Ban Quản lý dự án 46 - Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng) thi công thực hiện Dự án Đường Trường Sơn Đông tác động đến rừng và đất rừng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng.

Trước đó vào ngày 16/2, Tổng Cục Lâm nghiệp có văn bản gửi 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk chỉ đạo kiểm tra việc tác động vào rừng trong quá trình thực hiện Dự án Đường Trường Sơn Đông.

Dự án Đường Trường Sơn Đông được UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Đắk Lắk báo cáo vào năm 2021 gửi Bộ NN&PTNT đề nghị xem xét, phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Vùng IV, kết quả kiểm tra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy, đơn vị thi công đã san ủi, mở đường vào Vườn quốc gia Chư Yang Sin với chiều dài đoạn tuyến khoảng 7.214m, chiều rộng bình quân từ 20-30m, gây thiệt hại khoảng 20-25 ha rừng. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đơn vị thi công đã san ủi, mở đường vào Vườn quốc gia Bi Đáp - Núi Bà với chiều dài đoạn tuyến khoảng 3.321 m.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bản tin môi trường ngày 5/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới