Khai thác vàng và những hệ lụy tác động tới môi trường
Hoạt động khai thác khoáng sản ở nước ta, trong đó có khai thác vàng đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phá vỡ cân bằng điều kiện sinh thái được hình thành từ hàng chục triệu năm.
Trữ lượng vàng trên thế giới hiện còn bao nhiêu?
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, ước tính rằng trong lịch sử, các thợ mỏ đã khai thác tổng cộng 201.296 tấn vàng, và vẫn còn 53.000 tấn vàng khác dưới lòng đất đã được xác định.
Lượng dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương chiếm gần 1/5 tổng lượng vàng trên mặt đất và tính đến năm 2021, lượng dự trữ vàng chính thức vượt quá 35.000 tấn. Mỹ dự trữ vàng lớn nhất thế giới, với 8.133 tấn, gấp đôi so với dự trữ vàng của bất kỳ nước nào.
Trước khi biến thành đồ trang sức và vàng thỏi, vàng trải qua một số giai đoạn trong chuỗi cung ứng, bắt đầu từ việc thăm dò và khai thác các mỏ vàng dưới lòng đất. Tính đến năm 2021, thế giới còn 53.000 tấn vàng dưới lòng đất đã được xác định. Cụ thể: Australia có 10.000 tấn (19%); Nga có 7.500 tấn (14%), Mỹ còn 3.000 tấn (6%); Peru 2.700 tấn (5%); Nam Phi 2.700 tấn (5%). Phần còn lại của thế giới 27.100 tấn (51%).
Theo thống kê, nguồn vàng lớn nhất trong lịch sử là lưu vực Witwatersrand tại Nam Phi. Witwatersrand chiếm khoảng 30% tổng lượng vàng từng được khai thác.
Các nguồn vàng lớn khác còn có mỏ Mponeng ở Nam Phi, mỏ Super Pit và Newmont Boddington tại Australia, mỏ Grasberg ở Indonesia và một số mỏ khác ở bang Nevada, Mỹ.
Trung Quốc hiện là nhà khai thác vàng lớn nhất thế giới, trong khi Canada, Nga và Peru cũng là các nhà sản xuất lớn.
Hoạt động khai thác tiềm ẩn nguy cơ đe dọa môi trường
Phát triển ngành công nghiệp khoáng sản là yêu cầu tất yếu của các nước đang phát triển như Việt Nam. Ngành công nghiệp khoáng sản phát triển hợp lý sẽ phát huy được nguồn nội lực, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, tài nguyên khoáng sản là tài nguyên hữu hạn, không tái tạo, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản gây ra các tác động đáng kể đối với môi trường sống của con người.
Trên thực tế, hoạt động khai thác khoáng sản ở nước ta đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh. Biểu hiện rõ nét nhất là việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiên; tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải; làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ... Những hoạt động này đang phá vỡ cân bằng điều kiện sinh thái được hình thành từ hàng chục triệu năm, gây ô nhiễm nặng nề đối với môi trường, trở thành vấn đề cấp bách mang tính chính trị và xã hội của cộng đồng một cách sâu sắc.
Đặc biệt, khai thác khoáng sản đầu nguồn, thải các chất gây ô nhiễm theo dòng chảy mặt hoặc phát tán qua môi trường không khí, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nông thôn.
Trong khai thác vàng, ngay tại các mỏ vàng đã được cấp phép, đa số các nhà máy không có hệ thống xử lý nước thải, tình trạng nước thải chưa qua xử lý chứa các loại hóa chất độc hại như xyanua, thủy ngân đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước.
Nhận định về những tác động đến môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho rằng: Đáng lo ngại nhất là các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản quy mô nhỏ đang diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Do vốn đầu tư của các doanh nghiệp này hạn chế, khai thác bằng phương pháp thủ công, bán cơ giới, công nghệ lạc hậu và nhất là chạy theo lợi nhuận, ý thức chấp hành luật pháp chưa cao nên các chủ cơ sở ít quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, để lại nhiều hậu quả xấu đến môi trường. Đa số các mỏ đang hoạt động hiện nay sản lượng khai thác thấp hơn nhiều so với sản lượng được cấp phép, hoạt động không tuân thủ dự án, thiết kế và báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc bản cam kết được duyệt.
Hoạt động khai thác khoáng sản luôn đi đôi với việc làm mất đi thảm thực vật, thay đổi cảnh quan sinh thái, phát thải làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ảnh hưởng đến chất lượng không khí, làm nhiễm bẩn, xói mòn đất canh tác, bên cạnh đó còn có nguy cơ gây ra các sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người. Trên thực tế, hầu hết các địa phương có vàng đều đau đầu về nạn khai thác, gây ra ô nhiễm môi trường, là tụ điểm gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống, thậm chí là tính mạng người dân.
Cụ thể, tại Quảng Nam là một trong những địa phương có trữ lượng vàng lớn nhất miền Trung. Ngoài 2 mỏ vàng lớn nhất cả nước là Bồng Miêu của huyện Phú Ninh và Đắk Sa - Phước Sơn, hầu hết 9 huyện miền núi của tỉnh đều có các điểm quặng vàng nằm rải rác tại các sông suối. Nhiều năm nay, dù lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, địa phương đồng loạt ra quân đẩy đuổi, truy quét nhưng tình trạng khai thác vàng vẫn luôn là điểm nóng. Nhiều khu vực khai thác vàng tại các xã Phước Hiệp, Phước Xuân, Phước Thành đều dùng hóa chất xyanua và thủy ngân không qua bể lắng, xử lý chất thải mà đổ thẳng ra sông, suối.
Chế tài xử phạt có đủ chặt chẽ?
Vàng là khoáng sản quý, có giá trị cao. Trên thực tế, vàng đã mang lại cơ hội làm giàu cho không ít người, không ít doanh nghiệp. Vậy nên mặc dù Luật Khoáng sản đã có những quy định chặt chẽ nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn tồn tại dai dẳng trong nhiều năm nay.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững (Rio 1992) đã thống nhất lấy “Phát triển bền vững” làm mục tiêu hoạt động của nhân loại trong thế kỷ 21. Theo Hội đồng Thế giới về môi trường và phát triển (WCED) thì phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ tương lai.
Trong khai thác khoáng sản, bên cạnh việc phải xác định mức độ khai thác đảm bảo không được vượt quá khả năng tái tạo hoặc tìm ra nguyên liệu thay thế khác cho tài nguyên khoáng sản thì còn cần phải tìm kiếm, lựa chọn công nghệ chế biến tiên tiến, hạn chế phát thải, công nghệ tái chế sử dụng phế thải và việc khai thác phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi trường.
Để hoạt động khoáng sản vẫn có thể bảo vệ môi trường và có hiệu quả kinh tế, điều cốt yếu là phải định hướng được các phương án phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ bước định hướng quy hoạch tổng thể và quản lý cụ thể đối với từng khu vực, từng dự án.
Thời gian qua, các luật, chính sách và những quy định, tiêu chuẩn về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường được ban hành đầy đủ, gắn với thực tiễn, củng cố trách nhiệm của chính quyền trong việc quản lý khoáng sản ở mức cao nhất, đảm bảo sự tham gia và đối thoại với cộng đồng địa phương về vấn đề tác động và bảo vệ môi trường, ràng buộc bằng những quy định về việc lựa chọn công nghệ khai thác, công trình biện pháp bảo vệ môi trường để giảm thiểu tác động đến môi trường, kiểm soát tối đa những rủi ro….
Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010, Bộ luật hình sự năm 2015 đã đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khoáng sản nói riêng.
Cụ thể, Điều 30 Luật Khoáng sản quy định rõ việc bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản là phải sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường; thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật; phải thực hiện các giải pháp và chịu mọi chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường; giải pháp, chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường phải được xác định trong dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của Chính phủ.
Tiếp đó, năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường ban hành tiếp tục có quy định chi tiết, cụ thể hơn về “Bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản” so với quy định về bảo vệ môi trường trong Luật khoáng sản năm 2010 như: Phải có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường, phải thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn; có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, khí thải độc hại và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh; phải có kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường cho toàn bộ quá trình thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
Bên cạnh đó, phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; phải lưu giữ, vận chuyển khoáng sản có tính chất độc hại bằng thiết bị chuyên dụng, được che chắn tránh phát tán ra môi trường; việc sử dụng máy móc, thiết bị có tác động xấu đến môi trường, hóa chất độc hại trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; việc thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến dầu khí, khoáng sản khác có chứa nguyên tố phóng xạ, chất độc hại, chất nổ phải thực hiện quy định của pháp Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật về an toàn hóa chất, an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân…
Theo PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, cần đánh giá trực diện, các hành vi khai thác trái phép khoáng sản gây tổn hại về kinh tế. Đồng thời, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội. Các hành vi khai thác trái phép đều vi luật (vi phạm pháp luật) và không hề tuân thủ các quy định, chưa đáp ứng các điều kiện về môi trường tự nhiên và xã hội. Sự lộng hành của các đơn vị này làm người dân hoang mang, mất lòng tin, đồng thời có khả năng hình thành các tụ điểm nguy hiểm, sa đà vào các tệ nạn xã hội nhờ nguồn lợi lớn từ hoạt động khai thác trái phép.
Lan Anh (T/h)