Thứ sáu, 29/03/2024 08:01 (GMT+7)
Thứ năm, 12/05/2022 18:50 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 12/5

Theo dõi KTMT trên

Miền Bắc mưa lớn, nguy cơ lũ quét; Kinh tế biển xanh: Cơ hội giúp Việt Nam trung hòa carbon vào năm 2050; Hải Dương khai trương dịch vụ xe đạp công cộng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 12/5.

Miền Bắc mưa lớn, nguy cơ lũ quét

Sáng 12/5, mưa dông xuất hiện nhiều nơi ở vùng núi và trung du Bắc Bộ. Từ 19h ngày 11/5 đến 7h hôm nay, một số khu vực ghi nhận lượng mưa trên 70 mm, tập trung ở Lào Cai, Bắc Kạn, Cao Bằng và Quảng Ninh.

Chiều và đêm 12/5, vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục mưa lớn với lượng phổ biến 40-60 mm/ngày, có nơi trên 80 mm. Nhiều nơi có thể mưa trên 150 mm, đặc biệt tại khu vực Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 12/5 - Ảnh 1
Chuyên gia nhận định miền Bắc đang ở trong một đợt mưa cực đoan khi khu vực thậm chí chưa bước vào thời kỳ mưa bão.

Ngày 13-15/5, các khu vực trên mưa chủ yếu vào chiều tối, đêm và sáng sớm. Lượng mưa phổ biến 100-250 mm/đợt, có nơi trên 350 mm. Đồng thời, mưa rào và dông xuất hiện ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ kèm nguy cơ xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Những ngày tới, các sông suối thuộc khu vực Bắc Bộ có nguy cơ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu 2-5 m, hạ lưu 2-3 m.

Trong đợt này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Chảy, sông Lô và sông Hoàng Long có khả năng lên mức báo động 1, thượng lưu hệ thống sông Thái Bình và các sông suối nhỏ thuộc khu vực Bắc Bộ lên báo động 2 và 3.

Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi phía bắc: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên.

Đồng thời, các khu dân cư ở vùng trũng, thấp, đô thị khả năng ngập úng do mưa lớn, tập trung ở Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Chuyên gia nhận định miền Bắc đang ở trong một đợt mưa cực đoan khi khu vực thậm chí chưa bước vào thời kỳ mưa bão. Trước đó vào các ngày 9-11/5, mưa lớn xuất hiện ở vùng núi phía bắc đã khiến 2 người chết do bị sạt lở đất vào nhà và lũ cuốn trôi, 2 người bị thương.

Về tài sản, 11 nhà bị sập và 182 căn hư hỏng, thiệt hại. Đồng thời, gần 2.000 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả của người dân bị ngập. Một số tuyến đường bị sạt lở, một ngầm tạm hư hỏng và 2 đập tạm bị cuốn trôi.

Kinh tế biển xanh: Cơ hội giúp Việt Nam trung hòa carbon vào năm 2050

Kinh tế biển xanh đang là xu hướng phát triển, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam và các quốc gia đã đưa ra tại COP26.

Đó là một trong 5 khuyến nghị chính sách trong báo cáo “Kinh tế biển xanh - Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” vừa được Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 12/5, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, đang diễn ra tại Hà Nội.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 12/5 - Ảnh 2
Kinh tế biển xanh đang là xu hướng phát triển, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng nhấn mạnh sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kinh tế ven biển và các ngành kinh tế biển càng có vai trò quan trọng trong việc phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong đó, kinh tế biển xanh đang là xu hướng phát triển của thế giới, nhất là các quốc gia có biển.

Do vậy, báo cáo về kinh tế biển xanh lần này làm rõ khái niệm kinh tế biển xanh, và đánh giá thực trạng một số ngành kinh tế biển chính của Việt Nam, từ đó xác định tiềm năng và xây dựng kịch bản phát triển kinh tế biển xanh bền vững trong tương lai.

Đặc biệt, báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị quan trọng góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, nhất là về bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển.

Hải Dương khai trương dịch vụ xe đạp công cộng

Ngày 12/5, thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) tổ chức khai trương dịch vụ xe đạp công cộng “TNGo”.

Theo đó, dịch vụ xe đạp công cộng TNGo được thành phố Hải Dương triển khai thí điểm từ ngày 12/5 với 120 xe tại 6 trạm ở các điểm công cộng trên địa bàn. Để sử dụng dịch vụ này, người dùng chỉ cần tải về máy điện thoại app TNGo và làm theo hướng dẫn. Thời gian đầu, giá vé dịch vụ là 5.000 đồng/xe/30 phút và 50.000 đồng/xe/ngày.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 12/5 - Ảnh 3
Thành phố Hải Dương tổ chức khai trương dịch vụ xe đạp công cộng “TNGo” từ ngày 12/5 với 120 xe tại 6 trạm ở các điểm công cộng trên địa bàn. 

Sau 3 tháng, thành phố tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá nhu cầu của nhân dân… Nếu hiệu quả, dự án sẽ được triển khai trên khắp địa bàn thành phố Hải Dương, qua đó giúp người dân, du khách sử dụng phương tiện công cộng di chuyển giữa các điểm du lịch, khu vực công cộng… tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông xanh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thành phố Hải Dương là địa phương thứ 3 trong toàn quốc triển khai dịch vụ xe đạp công cộng.

Tăng cường hợp tác Việt Nam và Australia trong lĩnh vực quản lý cấp thoát nước

Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Hội nước Australia (AWA) đã ký Biên bản ghi nhớ cho giai đoạn 2022-2024 nhằm mang lại kết quả chung tốt hơn cho các hội viên trong bối cảnh ngành nước hai quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức. 

Theo đó, Biên bản ghi nhớ nêu ra các nguyên tắc hợp tác và các lĩnh vực hợp tác cụ thể để các bên có thể làm việc cùng nhau nhằm mang lại kết quả chung tốt hơn cho các hội viên trong bối cảnh ngành nước hai quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức, như vấn đề biến đổi khí hậu, ổn định nguồn cung cấp nước sạch phục vụ phát triển, an ninh nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước và xử lý nước thải. 

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 12/5 - Ảnh 4
Chủ tịch VWSA Nguyễn Ngọc Điệp (trái) và Chủ tịch AWA Louise Dudley ký biên bản ghi nhớ về hợp tác giai đoạn 2022-2024 tại Brisbane, Australia. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Nội dung của Biên bản ghi nhớ có một số điểm đáng lưu ý, bao gồm việc tích cực tìm cách bảo đảm nguồn tài trợ bên ngoài để cho phép thực hiện các hoạt động được đề ra trong Biên bản ghi nhớ và Khung hợp tác liên quan. Đồng thời, hai bên sẽ làm việc cùng nhau một cách cởi mở và hợp tác để phục vụ các thành viên của hai hội nước được tốt hơn bằng cách thực hiện các hoạt động chung và tạo điều kiện chia sẻ thông tin, kết nối mạng lưới, tối đa hóa cơ hội cho các sáng kiến chung mang lại lợi ích chung. 

Ngoài ra, hai bên sẽ tích cực thúc đẩy và khuyến khích các bên liên quan và các thành viên tương ứng tham dự các sự kiện như tham dự các hội thảo và hội nghị chuyên đề do mỗi bên tổ chức.

Yên Bái phấn đấu 100% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh

UBND tỉnh Yên Bái vừa mới ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Tăng cường sức khỏe, nâng cao điều kiện sống cho người dân nông thôn, nhất là cư dân miền núi, vùng dân tộc thiểu số, giảm thiểu các bệnh liên quan đến cấp nước sinh hoạt, làm giảm bớt sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu của Kế hoạch là đảm bảo cho khu vực nông thôn được tiếp tục dịch vụ cấp nước thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý, đảm bảo vệ sinh hộ gia đình khu vực nông thôn, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an ninh nguồn nước, góp phần phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cung cấp nước liên tục, đủ lưu lượng, duy trì đủ áp lực, chất lượng nước góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người. Sử dụng nước tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, đúng mục đích.

Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; duy trì hoạt động ổn định các công trình cấp nước hiện có đang hoạt động; lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo sửa chữa, mở rộng, xây mới các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; hỗ trợ cho hộ dân xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ trong giai đoạn 2021-2025.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 12/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.