Thứ bảy, 23/11/2024 00:20 (GMT+7)
Thứ năm, 23/07/2020 10:08 (GMT+7)

Tiết kiệm năng lượng là một quốc sách của quốc gia

Theo dõi KTMT trên

Theo Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, trước đây cũng đặt vấn đề là tiết kiệm năng lượng nhưng lần này Đảng ta xác định là tiết kiệm năng lượng đó là một quốc sách của quốc gia.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, tiết kiệm ở đây không phải tiết kiệm điện trong sử dụng điện hàng ngày của chúng ta mà tiết kiệm ở đây là chúng ta cũng phải có những chế tài, những giải pháp để làm sao cho tất cả doanh nghiệp Việt Nam, những người sử dụng điện của Việt Nam phải được sử dụng phải được trang bị các công cụ, thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Và chính qua đó chúng ta cũng sẽ đổi mới được công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao được năng suất và hiệu quả của sản xuất của Việt Nam.

Tiết kiệm năng lượng là một quốc sách của quốc gia - Ảnh 1
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình: Tiết kiệm năng lượng đó là một quốc sách của quốc gia.

Kết luận tại phiên thảo luận, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định rằng, Nghị quyết 55 có tính kế thừa và phát triển đối với Nghị quyết 18 trước đây và kết luận 26. Đến nay sau 10 năm thực hiện nghị quyết 18 và 15 năm thực hiện kết luận 26 thì ngành năng lượng Việt Nam đã đạt được kết quả hết sức to lớn, và có thể nói rằng điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

“Chúng ta không những đáp ứng được nhu cầu năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng ở mức độ rất cao để hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam trong 30 năm đổi mới và đặc biệt trong 10 năm vừa qua.” - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nói.

Phát triển năng lượng phải gắn chặt với bảo vệ môi trường

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, lần này Đảng và Nhà nước ta đặt nhiệm vụ phải xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ và giá phải theo giá thị trường để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào phát triển năng lượng tại Việt Nam.

Nếu không có những điểm mấu chốt như vậy thì không thể khuyến khích được các thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào thị trường năng lượng.

“Chúng ta phải tránh mọi biểu hiện của sự cạnh tranh không lành mạnh của độc quyền, thiếu minh bạch. Đó là những tiền đề rất lớn để chúng ta có thể đáp ứng được nhu cầu về nguồn lực cho việc phát triển năng lượng Việt Nam.” - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Tiết kiệm năng lượng là một quốc sách của quốc gia - Ảnh 2
Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020.

Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là ngay từ khi Nghị quyết 55 được ban hành, khí thế, động lực tham gia của khu vực tư nhân trong nước và quốc tế đối với phát triển năng lượng Việt Nam là rất lớn. Đây là vấn đề mà tôi cho rằng rất đổi mới, đột phá trong lĩnh vực này.

Thứ hai, chúng ta phải thấy rằng, chủ trương nhất quán của nhà nước ta trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới là phát triển nhanh nhưng phải bền vững, hay nói một cách khác phát triển nhưng phải bảo vệ môi trường. Chúng ta cũng là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã tham gia ký kết rất nhiều các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường và phải có trách nhiệm thực hiện.

“Do vậy phát triển năng lượng phải gắn chặt với bảo vệ môi trường. Lần này Đảng ta đã xác định trong phát triển năng lượng phải ưu tiên khai thác và sử dụng triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Đấy là điểm rất mới.” - Trưởng ban Kinh tế Trung ương nói.

Trước đây, chủ yếu phát triển các năng lượng hóa thạch, trong đó dựa chủ yếu vào than, lần này quan điểm của Đảng đã có những thay đổi như vậy. Còn đối với năng lượng hóa thạch thì chúng ta cũng có những quan điểm thay đổi, chúng ta giảm dần năng lượng than và chúng ta tích cực sử dụng hơn năng lượng khí, đấy là nét mới.

Hai nữa là phân bổ năng lượng. Trước đây, chúng ta phân bổ một cách hài hòa, thì bây giờ chúng ta phân bổ năng lượng dựa trên lợi thế so sánh của từng địa phương, và vị trí, vai trò của từng địa phương, từng khu vực trong chiến lược phát triển chung của đất nước.

Một điểm mới nữa là lần này chúng ta thấy rằng là sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là CM công nghệ 4.0 đang có tác động rất lớn. Đất nước chúng ta là một nước đi sau, muốn phát triển nhanh, muốn theo kịp các nước khác mà chúng ta không ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng thì chúng ta không bao giờ thực hiện được mục tiêu đó.

Vậy Đảng ta xác định rằng, việc ứng dụng KHCN có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển năng lượng hiện nay. Trước đây chúng ta chủ yếu nhập khẩu công nghệ, chúng ta chủ yếu nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ thiết bị chúng ta sản xuất trong nước còn rất hạn chế và ở phân khúc rất thấp. lần này Đảng và Nhà nước chúng ta đặt ra mục tiêu là chúng ta phải từng bước tiến tới làm chủ công nghệ và tiến tới sản xuất được các thiết bị trong lĩnh vực ngành năng lượng.

Luật BVMT cụ thể hoá định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, các ý kiến tham luận tại Hội nghị của các đại biểu quốc tế, địa phương, doanh nghiệp rất tích cực và có ý nghĩa, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp thu và cụ thể hoá theo chức năng nhiệm vụ của mình.

Tiết kiệm năng lượng là một quốc sách của quốc gia - Ảnh 3
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020.

Với Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị với bốn nhóm nhiệm vụ chính.

Đó là, tiếp tục triển khai nghị quyết số 36 của BCH Trung ương, trong đó xác định các vấn đề cụ thể về phát triển bền vững kinh tế biển, nhấn mạnh việc khai thác tổng hợp tài nguyên môi trường biển; xây dựng các quy hoạch không gian biển, trong đó chú trọng tiềm năng về năng lượng, đặc biệt là năng lượng gió.

Thứ hai, về cơ chế chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay đang hoàn thiện các chính sách thông qua sửa đổi toàn diện luật Bảo vệ môi trường. Trong đó tập trung nhấn mạnh vào các nhóm nội dung chuyển đổi tư duy từ kinh tế về các nguồn năng lượng hóa thạch sang nền kinh tế xanh, kinh tế cacbon thấp và năng lượng xanh, trong đó nhấn mạnh về năng lượng tái tạo và sẽ được cụ thể hoá trong bộ luật sắp tới;

Đưa quan điểm rác thải phải trở thành vật chất tài nguyên để tái tạo; đưa ra các quy chuẩn kỹ thuật để kiểm soát tốt các nguồn ô nhiễm.

Đồng thời, cải cách mạnh mẽ về hành chính, thông qua quy hoạch các nguồn tài nguyên đất đai, biển, ưu tiên các lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo để các dự án phát triển kinh tế xanh có điều kiện thuận lợi và cơ hội đầu tư sớm.

Tiết kiệm năng lượng là một quốc sách của quốc gia - Ảnh 4
Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020.

Thứ ba, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa nội dung của Nghị quyết của Bộ chính trị, đặc biệt là các chỉ tiêu phấn đấu vào trong báo cáo cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị COP26. Trong đó nhấn mạnh và nâng lên chỉ tiêu cam kết về chỉ số giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam

Thứ tư, trong vấn đề về đầu tư năng lượng xanh và ứng phó với BĐKH không thể không có sự phối hợp Liên ngành, liên lĩnh vực, liên quốc gia. Bởi vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, trong thời gian tới, một mặt sẽ chủ động để xây dựng các thể chế quốc tế liên quan đến BĐKH, liên quan đến việc hỗ trợ chuyển đổi công nghệ năng lượng tái tạo, đồng thời sẽ sớm thành lập các liên minh về năng lượng ở cả trong nước và quốc tế. Quan trọng nhất là chúng ta cần có sự hợp tác để tạo cơ chế, tiếp cận tốt công nghệ, tri thức mới đối với lĩnh vực BĐKH...

Khương Trung

Bạn đang đọc bài viết Tiết kiệm năng lượng là một quốc sách của quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới