Tiền sử viêm mũi dị ứng có được tiêm vaccine ngừa Covid-19?
Câu hỏi: Tôi có tiền sử bị viêm mũi dị ứng, tôi có tiêm vaccine phòng Covid-19 được không?
Trả lời:
Tùy theo cơ địa của từng cá thể mà vaccine có thể gây ra một số phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng. Đối với những người có tiền sử mắc các bệnh dị ứng, thì sau tiêm vaccine có thể gặp dị ứng cao hơn so với những người không mắc bệnh dị ứng.
Tuy nhiên, trường hợp của bạn là có tiền sử viêm mũi dị ứng, mặc dù cũng là dị ứng nhưng bệnh lý này không nằm trong những đối tượng chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19, vậy nên bạn vẫn có thể yên tâm tiêm vaccine Covid-19 sau khi được bác sĩ thăm khám sàng lọc.
Trao đổi về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Hữu Trường - Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết: Những người có tiền sử bị viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng hoặc dị ứng nhẹ ngoài da do thuốc, thức ăn… đều có thể được chỉ định tiêm vaccine phòng Covid-19 như những người không có tiền sử dị ứng.
Lưu ý rằng phản vệ sau tiêm phòng vaccine là dạng tai biến không thể dự báo trước, có thể xảy ra ở cả những người không có tiền sử dị ứng. Về bản chất, vaccine phòng Covid-19 không phải là thuốc kháng viêm giảm đau non-steroid, do đó người có cơ địa mẫn cảm nhóm thuốc này không phải là đối tượng chống chỉ định với vaccine.
Dù thuộc nhóm đối tượng nào thì tất cả các trường hợp tiêm vaccine phòng Covid-19 đều cần được theo dõi tại chỗ ít nhất 30 phút sau tiêm. Với những người có tiền sử dị ứng, tốt nhất nên theo dõi tại chỗ sau tiêm ít nhất 60 phút để phát hiện và xử trí dị ứng do vaccine.
Thanh Hằng (t/h)