Thứ năm, 02/05/2024 05:58 (GMT+7)
Thứ ba, 18/01/2022 10:00 (GMT+7)

Tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi: Cần thiết nhưng không nên vội

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia, việc tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi là thật sự cần thiết, tuy nhiên không vội. Ngành y tế cần chuẩn bị công tác tiêm vaccine cho trẻ nhỏ phải an toàn tuyệt đối từ khâu sàng lọc trước tiêm, trong quá trình tiêm và theo dõi sau tiêm.

Bộ Y tế đã lên kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi 

Thông tin tại buổi tọa đàm "Nhìn lại năm 2021 những chuyển hưởng chiến lược", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới và nhận định của các nhà khoa học thì dịch Covid-19 chưa được kiểm soát trong năm 2021-2022 và có thể xuất hiện biến thể mới. Thực tế đã xuất hiện biến thể  Omicron. Nhưng Việt Nam đã đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đã bao phủ vaccine Covid-19 đạt tỉ lệ mũi 1 cho người trưởng thành trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%. Như vậy độ bao phủ vaccine của chúng ta đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận tổng số hơn 195 triệu liều vaccine (tới hết ngày 2/1), đã tiêm được hơn 154 triệu liều. Tổng dân số bao phủ tiêm mũi 1 vaccine gần 74%. Các tổ chức, nhà sản xuất và cả nguồn tài trợ cam kết cung ứng cho Việt Nam trên 227 triệu liều.

Tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi: Cần thiết nhưng không nên vội - Ảnh 1
Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi. (Ảnh minh họa)

Về kế hoạch tiêm vaccine năm 2022, Thứ trưởng cho biết Bộ Y tế đã triển khai tiêm bổ sung cho những đối tượng có nguy cơ như bị nhiễm HIV, suy thận, viêm gan B, xơ gan... mũi 3 sau khi đạt thời gian cần thiết (sau mũi 2).

"Bộ Y tế cũng xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, báo cáo Chính phủ. Khi được Chính phủ cho phép, Bộ Y tế sẽ làm việc với nhà cung ứng để làm sao chúng ta có đủ vaccine sớm nhất tiêm cho trẻ em" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Về khả năng cung ứng vaccine, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, nhu cầu tiêm trong năm 2022 chủ yếu tiêm mũi bổ sung, mũi 3 nhắc lại và tiêm cho trẻ em cùng nguồn vaccine mà cơ chế COVAX phân phối thêm cho Việt Nam trong quý I/2022 thì lượng vaccine tiêm cho người trưởng thành Việt Nam đã đủ.

"Chúng ta đang tiếp cận nguồn vaccine tiêm cho trẻ em" - Thứ trưởng chia sẻ.

Để thực hiện tiêm cho các đối tượng nêu trên, Bộ Y tế cho rằng cần có sự phối hợp của người dân, đặc biệt là các phụ huynh sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trước khi tiêm, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cặn kẽ làm sao tiêm hiệu quả nhất.

"Tôi cho rằng, với tốc độ tiêm chủng như hiện nay và việc tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại, chắc chắn chiến lược mà Chính phủ đưa ra "thích ứng an toàn, hiệu quả", tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, chúng ta sẽ thành công trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế trong thời gian tới" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Không nên vội

Liên quan đến tình hình dịch bệnh cũng như đưa ra những quan điểm cá nhân về việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM) cho rằng, chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ nhỏ cần xem như cuộc tiêm vaccine các bệnh thông thường khác. Tuy nhiên, cần chú ý vaccine phòng Covid-19 là vaccine mới, ngành y tế cần tổ chức tiêm chủng chặt chẽ, đặc biệt là chú trọng khâu theo dõi sau tiêm.

Cụ thể, thay vì trẻ lớn và người lớn theo dõi sau tiêm trong vòng 2 - 3 ngày thì trẻ nhỏ cần nhiều thời gian hơn (ít nhất 1 tuần) vì những biến chứng muộn có thể xảy ra như viêm cơ tim. 

"Dù viêm cơ tim rất hiếm gặp ở trẻ lớn hơn nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Biểu hiện này thường xảy ra sau mũi tiêm thứ 2, tỉ lệ là 7 - 15 trường hợp/1 triệu trẻ" - ông Tiến cho biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, nếu kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ nhỏ được phê duyệt, ngành y tế cần chuẩn bị công tác tiêm vaccine cho trẻ nhỏ phải an toàn tuyệt đối từ khâu sàng lọc trước tiêm, trong quá trình tiêm và theo dõi sau tiêm.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, trẻ em tiêm vaccine vì người lớn: "Chỉ có trẻ em nguy cơ cao mới trở thành vấn đề lớn khi điều trị. Hầu hết trẻ khi mắc Covid-19 đều có triệu chứng nhẹ. Ngay cả khi có những phản ứng viêm sau đó cũng không quá khó để phát hiện và điều trị, chỉ cần phát hiện sớm sẽ được điều trị khỏi".

Đồng thời, bác sĩ Khanh cũng cho biết nguyên nhân trẻ bị viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine là bởi phản ứng viêm quá mạnh. Phản ứng viêm này liên quan tới kích ứng miễn dịch và không chỉ vaccine mới gây kích ứng này mà virus cũng gây ra:

"Nguyên nhân có thể là do liều thuốc. Vaccine Pfizer đóng liều 30 microgram cho người lớn và trẻ từ 12-17 tuổi. Với trẻ 5-11 tuổi, liều thuốc còn 10 microgram. Do vậy, có lẽ trẻ 5-11 tuổi sẽ ít bị viêm cơ tim hơn vì liều ít hơn."

Cùng với đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng đưa ra quan điểm của mình về việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - 11 tuổi: "Không nên vội tiêm vaccine cho trẻ em. Người lớn bị nhiều thì trẻ em mới bị, người lớn không bị thì trẻ em không bị. Nếu tiêm cho người lớn tốt thì chỉ cần tiêm cho đối tượng trẻ nguy cơ cao.".

Hà lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi: Cần thiết nhưng không nên vội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hải Dương: Rộn ràng pháo đất Ninh Giang
Pháo đất từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Giang (Hải Dương). Nhất là cứ mỗi độ hè sang, tiếng pháo lại âm vang, rộn rã khắp mọi miền quê.