Thứ sáu, 22/11/2024 19:42 (GMT+7)
Thứ hai, 17/01/2022 10:00 (GMT+7)

Gần một nửa thế giới chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Theo báo cáo của WHO có hơn 40% dân số trên thế giới còn chưa được tiêm mũi đầu tiên. Nguyên nhân được xác định là do hành động tích trữ vaccine của các nước giàu hơn và thay đổi trong kế hoạch hành động của COVAX.

Tính đến nay, chương trình COVAX chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh vaccine Gavi đồng hành, đã đạt dấu mốc phân phối 1 tỷ liều. Có tổng cộng 144 nước và vùng lãnh thổ đã tiếp nhận số vaccine viện trợ này. Tuy nhiên, theo báo cáo của WHO có 67% dân số tại các nước giàu hơn đã hoàn thành tiêm chủng cơ bản, trong khi tỷ lệ này ở những nước nghèo hơn chỉ là 5%. Hơn 40% dân số trên thế giới còn chưa được tiêm mũi đầu tiên.

Như vậy, so với mục tiêu đặt ra vào năm 2020 của cơ chế COVAX là đến cuối năm 2021 phân phối 2 tỷ liều vaccine cho các nước có thu nhập trung bình và thấp, hiện COVAX mới chỉ hoàn thành được 50% mục tiêu đề ra. Nguyên nhân được xác định là do hành động tích trữ vaccine của các nước giàu hơn, lệnh hạn chế xuất khẩu của các nước sản xuất vaccine và thay đổi trong kế hoạch hành động của COVAX. Hiện Gavi đang tìm kiếm thêm nhiều nguồn vốn nhằm hiện thực hóa mục tiêu của WHO tiêm chủng cho 70% dân số tại những nước nghèo hơn vào tháng 7 năm nay.

Gần một nửa thế giới chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19 - Ảnh 1
84 nước ngheo nhất thế giới chưa được tiêm vaccine mũi 1. (Ảnh minh họa)

Liên quan đến tình hình dịch bệnh, trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 17/1 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.807.221 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới hiện là 328.480.547 ca, trong đó 5.557.225 ca tử vong và 267.364.442 ca đã được chữa khỏi.

Với số ca mắc cao liên tục trong nhiều ngày qua, châu Âu trở thành khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (104.213.079 ca), tiếp theo là châu Á (90.325.983 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (78.501.062 ca) và Nam Mỹ (43.062.975 ca). Châu Phi (10.478.252 ca) và châu Đại Dương (1.898.475 ca) là 2 khu vực có số ca mắc ít nhất.

Tại châu Á, diễn biến dịch Covid-19 trở nên khó lường hơn tại một số quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 257.063 ca nhiễm mới - mức tăng theo ngày cao kỷ lục trong 8 tháng qua. Cũng trong 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm 388 bệnh nhân không qua khỏi vì Covid-19.

Một số quốc gia ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao trong 24 giờ qua là: Thổ Nhĩ Kỳ 54.100 ca; Philippines 37.154 ca; Nhật Bản 22.707 ca; Việt Nam 15.684 ca; … Tại Nhật, số ca mắc mới đã tăng khoảng 50 lần trong 2 tuần qua với một số tỉnh tại Nhật Bản liên tục ghi nhận các kỷ lục về số ca nhiễm mới. Tại Hàn Quốc, giới chức y tế nước này cảnh báo dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh trong dịp Tết Nguyên đán khi số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày vẫn trên 4.000 ca trong ngày thứ 5 liên tiếp. Ngày 16/1, Hàn Quốc ghi nhận 4.194 ca nhiễm mới, trong đó có 3.818 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tại châu Âu, các nước ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua cao kỷ lục là Pháp 278.129 ca; Italy 149.512 ca, Anh 70.924 ca; Đức 45.287 ca,… Tại Đức, tỷ lệ mắc mới Covid-19 ở Đức lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 500 ca/100.000 dân/7 ngày.

Đây là mức cao nhất ghi nhận được tại nước này từ khi đại dịch bùng phát. Do vẫn còn nhiều người chưa được tiêm vaccine, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach đã quan ngại rằng số ca tử vong sẽ tiếp tục tăng cao cũng như các bệnh viện quá tải do làn sóng Omicron. Hiện số ca nhập viện thấp do số người nhiễm virus SARS-CoV-2 chủ yếu là những người trẻ tuổi, khỏe mạnh. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể thay đổi một cách nhanh chóng nếu những người lớn tuổi hơn bị lây nhiễm.

Tại Nga, nước này đã ghi nhận 29.230 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ ngày 13/12/2021, nâng tổng số ca mắc lên 10.803.534 ca. Nga cũng có thêm 686 ca tử vong do Covid-19, đánh dấu lần đầu tiên số ca tử vong theo ngày giảm xuống dưới mốc 700 ca/ngày kể từ đầu tháng 5/2021. Tổng số ca bệnh không qua khỏi tại Nga là 321.320 ca.

Tại châu Mỹ, Mỹ vẫn là quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới, với 66.878.586 ca. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận số ca mắc mới là 214.303 ca. Tổng số ca tử vong ở nước này là 873.417 ca.

Tại châu Phi, Nam Phi ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất trong khu vực với 3.559.230 ca. Trong 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận 2.597 ca mắc mới. Tổng số ca tử vong ở Nam Phi là 93.364 ca.

Tại châu Đại Dương, Australia là nước ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất khu vực với 1.726.446 ca, trong đó có 2.673 ca tử vong, 458.425 ca đã được chữa khỏi. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 86.060 ca nhiễm mới – một con số cao kỉ lục.

Theo các nhà khoa học, mỗi lần lây nhiễm đều tạo cơ hội cho virus đột biến và Omicron có những đột biến mạnh hơn so với những biến thể trước, đó là lây lan nhanh hơn mặc dù xuất hiện vào thời điểm người dân trên thế giới có khả năng miễn dịch tốt hơn do đã tiêm vaccine hoặc đã bị nhiễm bệnh trước đó. Cho dù chưa biết các biến thể tiếp theo của virus SARS-CoV-2 sẽ như thế nào, nhưng các nhà khoa học cho rằng không có gì đảm bảo các biến thể này sẽ gây ra bệnh nhẹ hơn hoặc các loại vaccine hiện nay có thể chống lại chúng.

Những ngày gần đây, Việt Nam tiêm được khoảng 700.000 đến 1,1 triệu liều vaccine Covid-19 mũi 3/ngày.

Ngày 16/1, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế vừa phân bổ hơn 2,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19 Spikevax/Moderna và AstraZeneca. Tính đến ngày 15/1, Việt Nam tiếp nhận tổng số 209,6 triệu liều vaccine phòng Covid-19, đã phân bổ 187,6 triệu liều. Như vậy, nước ta còn khoảng 22 triệu liều chưa phân bổ do mới được tiếp nhận, cần tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine, dự kiến phân bổ trong tuần tới.

Tỷ lệ bao phủ mũi một với người từ 18 tuổi trở lên là 100%, mũi 2 là 94% và mũi 3 là 14,7%. 39/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng Covid-19 trên 90% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP. HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Gần một nửa thế giới chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới