Thứ sáu, 22/11/2024 12:55 (GMT+7)
Thứ năm, 03/03/2022 16:00 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ: Tiến tới bình thường hóa, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Ngày 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022. Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; dự thảo chương trình phòng chống dịch Covid-19 giai đoạn năm 2022-2023; công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31.

Tiến tới xem Covid-19 là bệnh đặc hữu

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các cơ quan trình các văn bản, báo cáo, các ý kiến cơ bản đồng tình với các văn bản, báo cáo và đóng góp thêm nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát tình hình.

Các ý kiến thống nhất đánh giá tình hình tháng 2 và 2 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, thể hiện qua kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm (thu ngân sách tăng so với cùng kỳ và dự toán, xuất nhập khẩu tăng, lương thực thực phẩm được bảo đảm, bảo đảm năng lượng cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt, thị trường lao động phục hồi nhanh).

Trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; quốc phòng an ninh được giữ vững, các hoạt động đối ngoại đúng hướng, hỗ trợ tích cực cho đối nội. 3 đột phá chiến lược được triển khai tích cực, hiệu quả, thực chất. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp và bạn bè, đối tác quốc tế được củng cố.

Thủ tướng Chính phủ: Tiến tới bình thường hóa, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu - Ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, sáng 3/3. (Ảnh: Nhật Bắc)

Tuy nhiên, tình hình còn những diễn biến phức tạp. Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro, áp lực lạm phát tăng cao khi chi phí đầu vào tăng. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, thị trường xuất nhập khẩu đang có biến động lớn.

Việc mở cửa thị trường khó khăn do dịch bệnh. Việc mở cửa trường học cần phải điều chỉnh phù hợp tình hình. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai 2 tháng đầu năm ước tính gần 650 tỷ đồng, gấp 23,7 lần cùng kỳ. Tình hình kinh tế, chính trị thế giới tác động tới Việt Nam.

Thủ tướng dự báo, tình hình tháng 3 và những tháng tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ, nhiều diễn biến không dự báo được. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thời gian tới.

Trước hết, các Bộ, ngành, địa phương cần theo dõi tình hình, diễn biến thế giới và khu vực có liên quan tới các lĩnh vực chỉ đạo, điều hành để chủ động xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thứ hai, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng chống dịch đã được tổng kết. Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Thứ ba, thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.

Nhiệm vụ thứ tư là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào; nâng cao năng lực sản xuất xăng dầu trong nước, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, xử lý các vấn đề liên quan.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là liên quan tới công tác phòng chống dịch, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu…

Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đầu tư cho hạ tầng; kiên quyết điều chỉnh vốn của các Bộ, ngành địa phương chưa phân bổ xong kế hoạch vốn trong tháng 3, sau đó kiểm điểm trách nhiệm. Phân bổ vốn tích cực, đúng hướng, khả thi đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tích cực giải ngân vốn ODA, vốn vay nước ngoài.

Trong tháng 3, các Bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành phương án, kế hoạch triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và theo phân công.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện dự thảo chương trình phòng chống dịch bảo đảm sát tình hình để sớm trình ban hành trong tuần này.

Dịch bệnh chưa thể kiểm soát trước năm 2023

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, từ khi thực hiện nghị quyết của Chính phủ về thích ứng an toàn, đến nay tỷ lệ tử vong/số ca mắc đã giảm; kinh tế xã hội có nhiều khởi sắc. Một khảo sát gần đây nêu tỷ lệ người dân Việt Nam hài lòng với các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ đạt 96%.

Tuy nhiên, Bộ Y tế dự báo tình hình dịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các quốc gia nhận định chưa thể kiểm soát được dịch bệnh trước năm 2023, đặc biệt là biến chủng mới Omicron và các biến chủng khác tiềm ẩn nhiều nguy cơ chưa lường trước được.

Dự thảo chương trình phòng, chống dịch Covid-19 đặt mục tiêu kiểm soát hiệu quả đại dịch; hạn chế lây lan trong cộng đồng; khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân; nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do Covid-19 và các nguyên nhân khác...

Một số mục tiêu cụ thể được đặt ra trong dự thảo như đạt tỷ lệ bao phủ vaccine và chủ động cung ứng vaccine; giảm tối thiểu 30% tỷ lệ tử vong do Covid-19 trong tổng số bệnh nhân được phát hiện; quản lý và điều trị tại cơ sở y tế và tại cộng đồng... Tất cả các biện pháp chống dịch, chiến lược tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ được thông tin kịp thời tới người dân để tạo đồng thuận khi thực hiện.

Đợt dịch thứ tư bùng phát từ tháng 4/2021 đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 3,7 triệu ca nhiễm Covid-19; trong đó 2,5 triệu ca được công bố khỏi bệnh. Cả nước đã tiêm được tổng số 195 triệu liều vaccine. Ở nhóm dân số từ 18 tuổi, số mũi một được tiêm là 70 triệu liều; mũi hai là 67 triệu liều; mũi bổ sung 13 triệu liều; mũi ba 1,4 triệu liều. Ở nhóm trẻ từ 12 - 17 tuổi, đã tiêm được gần 17 triệu liều, trong đó 8,6 triệu liều mũi một; mũi hai 8 triệu liều.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Chính phủ: Tiến tới bình thường hóa, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới