Thứ sáu, 22/11/2024 14:43 (GMT+7)
Thứ ba, 01/03/2022 18:00 (GMT+7)

Phương án giảm thuế xăng dầu đã được Bộ Tài chính trình lên Thủ tướng

Theo dõi KTMT trên

Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng Chính phủ về phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Theo đại diện Bộ Tài chính, Bộ đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu.

Tuy nhiên, chính sách thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nên khi được Chính phủ thông qua, đề xuất sẽ được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết Bộ vẫn luôn phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan theo dõi sát sao diễn biến giá xăng dầu trên thị trường trong nước và thế giới để nghiên cứu, tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền về các chính sách có liên quan, đảm bảo phù hợp với bối cảnh và thực tiễn.

Phương án giảm thuế xăng dầu đã được Bộ Tài chính trình lên Thủ tướng - Ảnh 1
Bộ Tài chính, Bộ đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu. (Ảnh minh họa)

Thời gian qua, giá xăng dầu cũng liên tục điều chỉnh tăng, đồng thời có tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt, tâm lý của người dân tại một số địa phương cũng như tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Một số doanh nghiệp cũng đề xuất giảm một nửa số thuế bảo vệ môi trường thì sẽ giảm được đáng kể giá bán xăng, dầu.

Trước tình trạng giá xăng dầu tăng này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu 2 Bộ Công Thương và Tài chính tính toán và đề xuất phương án giảm thuế để giảm giá xăng, dầu; Đồng thời báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2.

Hiện tổng các loại thuế, phí “đánh” vào mặt hàng xăng, dầu là khoảng 10.000 đồng/lít.

Trong đó, riêng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng đang là 3.800 đồng trên mỗi lít xăng E5, 4.000 đồng trên mỗi lít RON 95; Với dầu diesel là 2.000 đồng/lít và với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít.

Trong bối cảnh giá xăng, dầu liên tục tăng cao, một số doanh nghiệp đề xuất giảm một nửa số thuế bảo vệ môi trường nói trên thì sẽ giảm được đáng kể giá bán xăng, dầu.

Bên cạnh thuế môi trường, mặt hàng xăng còn chịu nhiều loại thuế khác: Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng A95 là 10%, xăng E5 là 8%; thuế nhập khẩu 8%,…

Ngoài ra, mỗi lít xăng còn gánh thêm nhiều loại chi phí khác như lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn, chi phí kinh doanh định mức,…

Trong chiều 1/3, liên Bộ Tài chính-Công Thương tiếp tục có điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Cụ thể, giá xăng E5RON92 không cao hơn 26.077 đồng/lít (tăng 545 đồng/lít so với giá hiện hành). Nếu không chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) ở mức 250 đồng/lít thì giá bán sẽ tăng 795 đồng/lít và giá bán sẽ là 26.327 đồng/lít.

Giá xăng RON95-III không cao hơn 26.834 đồng/lít (tăng 547 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). Nếu không chi quỹ BOG ở mức 220 đồng/lít thì giá bán sẽ tăng 767 đồng/lít và giá bán sẽ là 27.054 đồng/lít.

Giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 21.310 đồng/lít (tăng 509 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). Nếu không chi quỹ BOG ở mức 300 đồng/lít thì giá bán sẽ tăng 809 đồng/lít và giá bán sẽ là 21.610 đồng/lít.

Các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm nguồn cung xăng dầu

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước phải nâng cao trách nhiệm, chủ động tìm kiếm nguồn hàng cung cấp cho thị trường nội địa, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống.

"Các doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định về dự trữ xăng dầu lưu thông, thực hiện nghiêm túc việc bán hàng theo thời gian đã đăng ký, không để xảy ra hiện tượng “găm hàng” hay hạn chế bán ra trong hệ thống, gây ảnh hưởng đến nguồn cung phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân" - ông Trần Duy Đông thông tin.

Đặc biệt trong thời gian tới, nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Trong bối cảnh quỹ bình ổn có hạn, cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.

"Quan điểm của Bộ Tài chính khi giảm thuế, phí, về góc độ nguồn thu ngân sách là rất áp lực. Nhưng, các chính sách Nhà nước cũng cần chia sẻ với người dân.

Ở vấn đề xăng dầu, chúng ta chưa dùng nguồn lực Nhà nước, mới chỉ dùng nguồn lực xã hội, Quỹ bình ổn để can thiệp. Giá dầu thô tăng cao thì nguồn thu từ đó cho ngân sách cũng cao hơn. Vì vậy, có thể cân nhắc giảm các yếu tố thuế phí khác" - ông Đông nói.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Phương án giảm thuế xăng dầu đã được Bộ Tài chính trình lên Thủ tướng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới