Thứ ba, 17/12/2024 16:28 (GMT+7)
Thứ tư, 11/03/2020 08:50 (GMT+7)

Thư Đà Nẵng

Theo dõi KTMT trên

Khi bạn đọc thư này, thì bệnh nhân dương tính Covid-19 – “người thứ 31” là người Anh đang được chữa cách ly tại Quảng Nam. Ở Huế, “người thứ 30” cũng là một người Anh đang được chạy chữa. Cùng với hai “bệnh nhân người Anh” khác đang điều trị tại Đà Nẵng. Ba địa danh du lịch nổi tiếng miền Trung nằm nối nhau theo chiều dọc.

Thư Đà Nẵng - Ảnh 1

Khi bạn đọc thư này, thì Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đang tự mình cách ly tại nhà, dù có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 và tình trạng sức khỏe bình thường. Chỉ bởi ông đã bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng cùng chuyến với 2 trong số những bệnh nhân người Anh kể trên.

Khi bạn đọc thư này, thì không ít nhà hàng, khách sạn, và cả sân golf nổi tiếng tại Đà Nẵng, Huế, Hội An đã phải tạm đóng cửa. Hàng trăm người liên quan bị cách ly.

Một người bạn Đà Nẵng vừa kể, tối đi ngang qua thấy mấy cô bé nhân viên nhà hàng bị tự cách ly tội quá. Về nhà trọ thì bị chủ nhà đuổi, bơ vơ không biết đi đâu. May được chủ nhà hàng (lúc này cũng đã phải đóng cửa) cho tá túc trong thời gian tự cách ly.

Một người em Đà Nẵng vừa kể, chuyện buồn của bên nhà thông gia ở Hải Phòng. Cha ở nhà đột quỵ, hai con trai ở Pháp vội bay về mong nhìn mặt cha lần cuối. Vừa kịp nhìn thì chính quyền với y tế đến yêu cầu cả hai lên lầu đóng cửa phòng tự cách ly. Rạp đám tang vừa dựng lên, biết trong nhà có người cách ly, đám cho thuê rạp vội tháo dỡ ôm hết đồ đoàn bỏ chạy không ngoái lại. Lại phải cạy cục đi tìm thuê chỗ khác.

Thư Đà Nẵng - Ảnh 2

Khi người Hà Nội mở màn “cơn sốt” mua vét mọi thứ nhu yếu phẩm hôm nọ, thì tại Đà Nẵng, Hội An nhiều siêu thị, chợ, tiệm tạp hóa cũng xảy ra ồn ào, chen lấn…

Những câu chuyện mà mới chỉ cách đây 4 hôm thôi, khó thể tưởng tượng ra. Khi ấy, Việt Nam chúng ta đã trải qua 22 ngày khá yên bình sau khi cả 16 ca Covid-19 đều được chữa khỏi, xuất viện. Chỉ còn chờ thêm ít ngày nữa là đủ điều kiện công bố hết dịch.

Hơn 40 năm sinh sống và làm việc ở Đà Nẵng, tôi hiểu người dân thành phố biển này chân chất, nhường nhịn, và đàng hoàng đến thế nào. Dù trong mọi hoàn cảnh. Những trận bão tố kinh hoàng nhất trong thời hiện đại, những Chanchu, Xangsane, … với hàng vài trăm ngư dân vùi thây một lúc nơi biển cả không khiến họ run sợ. Không hề có người bản địa nào ăn xin. Không xả rác. Va chạm nhau ngoài đường là cùng mỉm cười, cùng gật đầu xin lỗi. Đêm đêm hàng ngàn chiếc xe ô tô đậu hết ngoài đường mà không mất một cái gương…

Thư Đà Nẵng - Ảnh 3

Nhưng gần đây tôi cảm giác có một điều khiến người Đà Nẵng ít nhiều tỏ ra “nao núng”, đó là làn sóng đầu tư, du lịch. Với những quan sát riêng tôi. Người khắp xứ tới đây mua đất, mua nhà, mở khách sạn, quán xá, lao động mưu sinh...

Ngoài đường bây giờ, cứ vài ba biển số xe địa phương, thì cũng vài ba biển số từ khắp vùng miền khác. Người Đà Nẵng nhẫn nhịn, và lui dần. Họ lui dần từ thói quen tắm biển ở bãi Mỹ Khê “đẹp bậc nhất hành tinh” để chuyển sang dần bãi biển Thanh Khê, Xuân Hà ít đẹp hơn. Về những dãy hàng quán ăn uống bên đường biển Nguyễn Tất Thành chủ yếu của người địa phương vẫn còn nhiều chất dân giã. Họ “lui dần” trong sự chấp nhận theo giá đất đai bị thổi lên bởi các nhà đầu tư, chấp nhận giá cả sinh hoạt được tính ngang với du khách. Tất nhiên, quy luật của phát triển, không ai có thể khép kín lãnh địa riêng mình.

Thế rồi, đôi chỗ bắt đầu ì xèo chuyện mua bán “chặt chém” hay ngộ độc thực phẩm mà chủ quán lại chính là người địa phương. Nhiều người cũng bắt đầu nhiễm tâm thế lo sợ và nghi kỵ. Đêm giao thừa mới đây, tôi chứng kiến cảnh nhóm khách châu Á bị mấy xe bán bánh mì vỉa hè xua đuổi không chịu bán. Điều rất ít gặp trước đây. Rồi chuyện mấy cô bé nhân viên nhà hàng vừa bị chủ nhà trọ cho “cách ly” ra đường…

Dịch bệnh dù hậu quả thế nào, cuối cùng rồi cũng qua. Nhưng cái phẩm chất, cái sức mạnh tinh thần của mỗi con người nơi vùng đất này, có bị nhạt dần, bị sa sút, bị hòa lẫn vào thói tật vốn ngày một xâm nhập nhiều hơn, như chàng Antaeus trong thần thoại Hy Lạp khi rời chân khỏi đất mẹ? Đó mới là điều đáng sợ, hơn cả dịch bệnh…

Thư Đà Nẵng - Ảnh 4

Hồi mới đầu mùa dịch, trong một bài báo tôi đã viết rằng Canh Tý này sẽ là một năm rất dài. Dài, không chỉ vì sẽ nhuận hai tháng Tư. Cũng không chỉ bởi kỳ nghỉ giữa chừng năm học lâu một cách miên man chưa biết chính xác điểm dừng.

Độ dài bị kéo căng ra của thời gian tâm lý. Dù đến giờ tại Việt Nam vẫn chưa có ai chết vì Covid-19, mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát so với hàng trăm quốc gia khác, nhưng những khủng hoảng tâm lý mấy ngày qua, như một bài test đắt giá. Giúp nhìn rõ hơn về chính mình trước những hoàn cảnh nguy nan.

Khi bạn đọc thư này, toàn bộ 57 người Việt bị cách ly tại Trung tâm huấn luyện dự bị động viên của quân đội tại Đồng Nghệ (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đã vừa về đoàn tụ với gia đình. Đó là những du học sinh, sinh viên, người dân của mọi miền đất nước bay về Đà Nẵng từ tâm dịch Daegu (Hàn Quốc) cách đây 15 ngày. Cùng bay chuyến này với họ là 20 du khách Hàn Quốc, từng gây xôn xao trên truyền thông với câu chuyện “bánh mì và toilet” khi bị buộc phải cách ly.

Thư Đà Nẵng - Ảnh 5

Còn những người Việt, đa phần trẻ tuổi, lại bỗng trở nên quyến luyến với nơi họ vừa ở cách ly. “Ở đây sướng lắm. Cơm nước được các anh các chú phục vụ từng bữa rất ngon lành. Có sân chơi thể dục tha hồ thể thao tập luyện. Nếp sinh hoạt được thực hiện nghiêm chỉnh như quân đội. Ở đây 2 tuần, ăn ngủ điều độ, đúng giờ em đã tăng lên mấy cân. Cách ly mà cứ như nghỉ dưỡng. Đây sẽ là kỷ niệm khó quên”.

“Các bác, các chú xem chúng em như con. Thiếu thốn gì, chỉ cần nói tiếng là các bác, các chú nhờ người nhà, người quen bên ngoài mua cho. Ăn uống thì khỏi nói, tụi em béo hơn hôm về, có khi về nhà mẹ lại nhận không ra”. “Em giờ như bộ đội, xếp chăn màn vuông vức. Anh chị em đùm bọc, chia sẻ nhau khó khăn, giờ quen nhịp sống, về nhà lại nhớ nơi đây cho coi…”. Những lời tâm sự đầy bịn rịn giờ chia tay, nghe thật ấm lòng.

Ngay sau cuộc chia tay quyến luyến, những y bác sĩ và cán bộ chiến sĩ lại tiếp tục quay lại tất bật lo toan cho hơn 200 người khác cũng đang cách ly nơi này.

Cuộc chiến còn chưa dừng lại.

Trần Tuấn

Bạn đang đọc bài viết Thư Đà Nẵng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới