Biến đổi khí hậu có làm virus trở nên 'đáng sợ hơn'?
Tình trạng biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đã khiến dịch bệnh gia tăng, lây lan nhanh chóng và rất khó kiểm soát mà dịch Covid-19 hiện nay là một minh chứng cụ thể.
Virus biến đổi theo môi trường khắc nghiệt
Nhiều năm qua, các nhà khoa học trên thế giới đã nhận ra rằng biến đổi khí hậu sẽ dẫn tới một loạt hệ luỵ cho sức khỏe cộng đồng. Nghiên cứu trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ năm 1996 đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu có thể khiến dịch bệnh lây lan nhiều hơn và kêu gọi nghiên cứu hợp sức giữa các bác sĩ, nhà khoa học khí hậu và nhà khoa học xã hội. Cùng năm đó, Tổ chức Y tế Thế giới phát hành bộ sách 300 trang về chủ đề này, nghiên cứu một loạt mối liên hệ giữa khí hậu và sức khỏe.
Mới đây, khi chủng mới của virus Corona (Covid-19) xuất hiện khiến cho thế giới hoảng sợ vì lây lan quá nhanh và khiến hàng nghìn người tử vong chỉ trong hơn 1 tháng, các chuyên gia đã xem xét kỹ hơn để tìm ra được mối liên quan cụ thể giữa dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 16/2/2020. (Ảnh: THX) |
Theo bài viết của nhà báo Justin Worland trên tạp chí Time (Mỹ), đến nay, không có bằng chứng để nói biến đổi khí hậu đã khiến các loại virus mới như Covid-19 “nhảy” từ động vật sang người, hoặc hiện tượng Trái Đất ấm lên đã giúp virus mang mầm bệnh lây lan. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là biến đổi khí hậu có thể khiến dịch bệnh xảy ra nhiều hơn trong tương lai, đặc biệt là các bệnh do virus và các mầm bệnh khác. Cùng với đó là thói quen sinh hoạt của con người như ăn động vật sống, động vật hoang dã, môi trường ẩn chứa những virus nguy hiểm… làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh và bùng phát thành dịch nghiêm trọng.
Nhiệt độ tăng, miễn dịch của con người giảm
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Johns Hopkins đã chỉ ra rằng, trong các mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và bệnh truyền nhiễm, có một lĩnh vực đặc biệt mới và gây quan ngại: nhiệt độ tăng dần khiến hệ miễn dịch tự nhiên của con người kém hiệu quả.
Cơ thể con người vốn là một cỗ máy chống dịch bệnh rất hiệu quả. Khi một mầm bệnh vào cơ thể con người, phản ứng thấy rõ là sốt, nóng lên để chống chọi với sự xâm nhập của mầm bệnh. Cơn sốt kích thích hệ miễn dịch và sức nóng trong cơ thể tạo ra môi trường mà mầm bệnh khó sống sót.
Tuy nhiên, khi mầm bệnh tiếp xúc với nhiệt độ ngày càng ấm lên trong tự nhiên, chúng trở nên quen với tình trạng này và sống sót trong cơ thể người có nhiệt độ cao.
“Mầm bệnh sống được và sinh sôi thì thích nghi tốt hơn với nhiệt độ cao hơn, kể cả mầm bệnh trong cơ thể. Khi đó, một trong những cơ chế bảo vệ cơ bản của cơ thể đã giảm hiệu quả” - Giáo sư Arturo Casadevall, chuyên gia về trùng học và miễn dịch từ Đại học John Hopkins ở Baltimore (Mỹ) cho biết.
Năm 2019, ông Casadevall và đồng nghiệp đã nghiên cứu và chỉ ra rằng sự lây lan nhanh chóng của Candida auris (một loại nấm xâm nhập vào máu gây ra nhiều bệnh) trên toàn thế giới có thể là do nhiệt độ tăng liên tục trên Trái đất trong nửa thế kỷ qua. Điều này cho thấy các dịch bệnh khác cũng có thể đe dọa loài người.
Virus Covid-19 khác với Candida auris vì nhiều lý do nhưng vật chủ mang virus này – loài dơi – là một ví dụ thú vị cho thấy nhiệt độ liên quan tới sự lây truyền bệnh truyền nhiễm.
Giống con người, loài dơi là động vật có vú có thân nhiệt ấm để bảo vệ chúng khỏi bệnh dịch. Khi thân nhiệt của con người ở quanh mức 37 độ C và tăng vài độ khi ta ốm thì thân nhiệt của dơi thường nhảy vọt lên tới 40,5 độ C. Điều đó có nghĩa là dơi có thể mang theo một loạt mầm bệnh mà không bị ốm. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào chỉ ra mối liên quan giữa loài dơi và dịch bệnh viêm phổi gây chết người ở Vũ Hán, Trung Quốc, song mối nghi vấn được cho là xuất phát từ một khu chợ động vật, thu hút rất đông thực khách, trong đó có món súp dơi nguyên con nổi tiếng ở địa phương này.
Thế giới vẫn chưa thể quên ám ảnh kinh hoàng từ đại dịch Ebola được ví như một cơn cháy rừng phủ bóng đen âm u và sợ hãi ở khắp nơi. Khi đó, WHO đã cảnh báo tỉ lệ tử vong do Ebola có thể lên đến 90%. Ebola lây từ động vật sang người và từ người sang người, mà vật chủ được xác định mang virus gây bệnh là loài dơi quạ ăn quả.
Trong tương lai gần, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, dơi sẽ tiếp tục được thân nhiệt bảo vệ, còn các mầm bệnh mà dơi mang theo có thể gây hại cho con người nhiều hơn.
Tỉ lệ tử vong do Ebola có thể lên đến 90% khiến cho bệnh này trở thành nỗi sợ hãi của nhiều nước trên thế giới. |
Nguy cơ bệnh cũ chưa qua, bệnh “lạ” đổ bộ
Các nhà khoa học cảnh báo, hiện tượng nước biển dâng và nhiệt độ trái đất tăng cùng sự khắc nghiệt về thời tiết có thể gây nhiễu loạn hệ sinh thái, tác động đến động vật ký sinh cũng như vật trung gian truyền bệnh gây bùng phát các dịch bệnh như tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết, phát ban... làm tăng lây lan các bệnh truyền nhiễm, tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, nhất là với người già, người mắc bệnh tim mạch, thần kinh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến đổi khí hậu và sự phát sinh, phát triển bệnh truyền nhiễm là một quá trình có liên quan với nhau thông qua nhiều cơ chế. Chẳng hạn, phần lớn diện tích châu Âu thuộc khu vực ôn đới, có khí hậu mát mẻ (nhiệt độ trung bình cao nhất vào mùa hè ở mức 23-24 độ C). Nhưng khi nhiệt độ trái đất ấm lên, các loài động vật ở những vùng nóng sẽ có xu hướng di chuyển tới các vùng mát hơn như châu Âu. Người dân châu Âu vốn không biết đến con muỗi thì giờ đã dần quen với những tên bệnh như sốt xuất huyết, zika hay sốt rét.
Ông Michael Ryan - Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp y tế, WHO lý giải: “Biến đổi khí hậu khiến bệnh dịch lây lan theo nhiều cách khác nhau. Trung gian truyền bệnh như muỗi sẽ di chuyển dần sang châu Âu theo hành lý khách du lịch. Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi. Trong khi tại các khu vực khác như châu Phi hoặc Nam Á lại đang đối mặt với dịch tả, do cạn kiệt nguồn nước sạch sinh hoạt”.
Trong khi đó, như một quy luật, sau thiên tai môi trường thường bị xáo trộn lớn, nguồn nước bị ô nhiễm nặng là một trong những nguyên nhân chính gây bùng phát các vụ dịch bệnh đường tiêu hóa và các bệnh khác lây lan theo nguồn nước, bao gồm cả các bệnh của động vật, bệnh có ổ dịch tự nhiên, bệnh từ nơi khác đến.
WHO đã ước tính khoảng 2,4% số trường hợp tiêu chảy cấp trên thế giới, 6% các trường hợp mắc sốt rét trong các nước có mức thu nhập trung bình và thấp đều có liên quan tới biến đổi khí hậu.
Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy tác động biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng làm gia tăng dịch, bệnh theo mùa, đặc biệt là các dịch bệnh mới như cúm A H5N1, cúm A H1N1, SARS, Ebola, chân tay miệng, Covid-19… và dự báo sẽ có thêm nhiều bệnh mới trong những năm tới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo, đến năm 2080 sẽ có khoảng 1,5 - 3,5 tỉ người trên thế giới phải đối mặt với nguy cơ mắc sốt xuất huyết mà nguyên nhân là do hiện tượng trái đất ấm lên và do khí hậu thay đổi. WHO cũng chỉ ra, bằng chứng về tác động của môi trường đối với sức khỏe con người ngày càng rõ rệt nhưng hành động và sự đầu tư của các nước vẫn chưa đủ. Chỉ khoảng 3% các nguồn lực y tế được đầu tư vào công tác phòng ngừa, trong khi xấp xỉ 97% được dành vào việc điều trị, làm gia tăng các chi phí chăm sóc sức khỏe. WHO kêu gọi các nước cần hành động gấp, chung tay chống biến đổi khí hậu. |
Ngọc Châu