Thứ bảy, 04/05/2024 13:04 (GMT+7)
Thứ sáu, 18/06/2021 08:37 (GMT+7)

Thấy gì từ dòng tiền ào ạt chảy vào quỹ vaccine Covid-19?

Theo dõi KTMT trên

Thành tích phòng, chống dịch Covid-19 trong hơn một năm rưỡi qua đã vun đắp và củng cố lòng tin của người dân đối với chính quyền.

Ngày xưa, làm ăn ở Nam Bộ rất dễ dàng và có vẻ ngày nay cũng vậy. Mọi “công chuyện”, người ta chỉ cần thỏa thuận miệng với nhau một tiếng là coi như đã xong.

Đến ngày, đến giờ, thỏa thuận sẽ được thực thi một cách nghiêm chỉnh bởi cả bên A lẫn bên B. Người miền Nam có câu “nói sao làm vậy”. Ngược lại, họ cũng có câu “nói vậy mà không phải vậy” với hàm ý tiêu cực, dành cho người từng nói mà không giữ lời.

Lòng tin đã bảo đảm cho mọi giao dịch diễn ra nhanh gọn. Chi phí giao dịch và chi phí bảo đảm thực thi hợp đồng đều được cắt giảm tối đa. Kinh tế nhờ đó phát triển. Sự thịnh vượng cũng dễ đến hơn với mọi gia đình.

Thấy gì từ dòng tiền ào ạt chảy vào quỹ vaccine Covid-19? - Ảnh 1
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. (Ảnh: Hoàng Hà)

Trong những ngày này, dòng tiền ủng hộ của doanh nghiệp và người dân đang ào ạt chảy vào các tài khoản của Quỹ vaccine Covid-19 cũng nhờ hiệu ứng của lòng tin.

Thành tích phòng, chống dịch Covid-19 trong hơn một năm rưỡi qua đã vun đắp và củng cố lòng tin của người dân đối với chính quyền. Chính quyền đã tổ chức chống dịch rất tốt, thực sự quan tâm đến sức khỏe và sinh mệnh của từng người.

"Dòng tiền ủng hộ của doanh nghiệp và người dân đang ào ạt chảy vào các tài khoản của Quỹ vaccine Covid-19 cũng nhờ hiệu ứng của lòng tin".

Chính vì vậy, khi Chính phủ thành lập Quỹ vaccine và kêu gọi đóng góp, ai ai cũng tin rằng góp quỹ là cần thiết, rằng Chính phủ sẽ sử dụng hiệu quả để đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, mau chóng tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Trong một xã hội thiếu vắng lòng tin hoặc niềm tin không cao, người ta thường phải co cụm lại với nhau trong gia đình hoặc dòng tộc. Đời sống xã hội vì vậy trở nên nghèo nàn hơn, giao lưu kinh tế cũng trở nên khó khăn hơn.

Thời bao cấp, kinh tế kém phát triển không chỉ bởi quyền tự do kinh doanh bị hạn chế, mà còn vì lòng tin xã hội thấp. Một gia đình ăn thịt gà phải tìm cách giấu giếm không cho hàng xóm biết. Ám ảnh là nỗi lo sợ bị nghi kỵ, bị tố cáo. Hay chuyện người nhà được đi nước ngoài cũng vậy. Cứ phải khi người đó lên được máy bay rồi, mọi việc mới “chắc ăn”. Và hàng xóm cũng may ra mới được biết.

Lòng tin xã hội không cao làm cho việc hợp tác với nhau để làm ăn vô cùng khó khăn, giao dịch để trao đổi hàng hóa rất tốn kém. Hậu quả tất yếu là kinh tế rất khó phát triển.

Ngày nay, lòng tin xã hội trên đất nước ta đã được cải thiện khá nhiều. Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào của đời sống cũng có được lòng tin xã hội ở mức cao như phòng chống dịch.

Các khu vực xảy ra khiếu kiện nhiều nhất thường cũng là nơi vắng bóng niềm tin nhất. Khiếu kiện trong quản lý đất đai xảy ra rất nhiều vừa do những sai phạm trong lĩnh vực này, cũng vừa bởi sự thiếu lòng tin của người dân.

Vấn đề lòng tin, hay chính xác hơn là thiếu vắng lòng tin, sẽ là vấn đề lớn nhất của Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Cho dù mức độ an toàn của dự án có được tăng cường theo khuyến nghị của cơ quan tư vấn Pháp, dù dự án được phê chuẩn bởi Hội đồng nghiệm thu quốc gia, khả năng thành công của nó vẫn sẽ rất thấp nếu lòng tin của người dân không được cải thiện. Sẽ không ai lựa chọn đường sắt trên cao để di chuyển nếu họ không đủ tin về sự an toàn của nó.

“Nghĩ thật, nói thật và làm thật”, như phát ngôn của Thủ tướng, là phương châm hành động để gây dựng và củng cố lòng tin của nhân dân.

Nếu các cơ quan và tổ chức hữu quan đã cố gắng rất lớn để hoàn thành dự án, họ cần cố gắng gấp đôi để thuyết phục công chúng về mức độ an toàn của nó.

Đối mặt với vấn đề tương tự sẽ là nhập khẩu các loại vaccine phòng Covid-19 do các tập đoàn của Trung Quốc sản xuất thì thẩm định chất lượng vaccine là một việc, nhưng thuyết phục người dân về sự an toàn của chúng là việc quan trọng không kém.

Quản trị lòng tin ngày nay là phần rất quan trọng của nền quản trị quốc gia hiện đại. Các đòi hỏi về pháp quyền, về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, thực chất, cũng chính là những đòi hỏi được đề ra để xác lập niềm tin của công chúng với Nhà nước.

Bên cạnh đó, “nghĩ thật, nói thật và làm thật”, như phát ngôn của Thủ tướng, là phương châm hành động để gây dựng và củng cố lòng tin của nhân dân. Suy cho cùng, nghĩ một đằng, nói một nẻo và làm theo một nẻo khác nữa, sẽ chẳng có ai tin.

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng

Bạn đang đọc bài viết Thấy gì từ dòng tiền ào ạt chảy vào quỹ vaccine Covid-19?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới