Thứ sáu, 26/04/2024 13:00 (GMT+7)
Thứ ba, 15/02/2022 10:08 (GMT+7)

Sức sống tiềm tàng của san hô khi nhiệt độ Trái Đất tăng đến 7 độ C

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu tác động nhiều nhất đến các rạn san hô và giết hơn một nửa rạn san hô trên thế giới. Tuy nhiên các nhà khoa học gần đây đã phát hiện loài san hô có thể sống sót khi nhiệt độ Trái Đất tăng đến 7 độ C.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cảnh báo, rất ít san hô an toàn trước sự ấm lên của đại dương, nhưng các nghiên cứu cũng cho thấy, san hô có khả năng chống chịu rất đáng ngạc nhiên. San hô có màu sắc và năng lượng nhờ vào tảo sống bên trong chúng. Đây là một mối quan hệ hoàn hảo cho đến khi biến đổi khí hậu làm nước biển ấm lên và khiến tảo trở nên độc hại với san hô. Không còn cách nào khác, san hô buộc phải “đuổi” tảo đi và vì tảo là một trong những nguồn thức ăn chính của san hô nên san hô thường chết sau đó.

Các nhà khoa học hàng hải đã phát hiện ra san hô ở Vịnh Aqaba ở phía Bắc Biển Đỏ có thể sống sót khi nhiệt độ tăng thậm chí tới 7 độ C. Anders Meibom, thuộc Viện Khoa học Trái đất của Đại học Lausanne cho biết: “Đây là hệ sinh thái rạn san hô duy nhất có cơ hội chịu được nhiệt độ thêm 2-3 độ C mà chúng ta sẽ không thể tránh khỏi vào cuối thế kỷ này”. 

Sức sống tiềm tàng của san hô khi nhiệt độ Trái Đất tăng đến 7 độ C - Ảnh 1
San hô có khả năng chống chịu rất đáng ngạc nhiên. (Ảnh: AP)

San hô Hawaii trong hồ thủy triều Kapoho ở phía Nam Hilo, Đảo Lớn. Các nhà khoa học từ Đại học Hawaii (Mỹ) và Viện Smithsonian cho rằng protein mang lại màu xanh cho san hô cũng hoạt động như một loại kem chống nắng, lọc ra bức xạ tia cực tím có hại ngay cả trong quá trình tẩy trắng. Mike Henley, thuộc Viện Sinh vật biển Hawaii, người trong nhóm nghiên cứu, cho biết: “Hy vọng rằng công trình này sẽ tiết lộ manh mối để giúp các loài san hô khác chống lại biến đổi khí hậu và sự ấm lên của đại dương.

Các thợ lặn chụp ảnh một rạn san hô quý hiếm, được phát hiện gần đây bởi một phái đoàn của UNESCO ở “vùng chạng vạng” ở độ sâu 30-120 mét, ngoài khơi Tahiti. Rạn san hô dài 3 km, được tạo thành từ san hô khổng lồ hình hoa hồng, được cho là một trong những rạn san hô lớn nhất thế giới ở độ sâu như vậy. UNESCO cho biết, rạn san hô này ở trạng thái nguyên sơ và dường như không bị ảnh hưởng bởi việc đánh bắt quá mức hoặc khủng hoảng khí hậu, có thể do sự biến đổi nhiệt độ có thể không nghiêm trọng ở độ sâu như vậy. 

Các nhà khoa học từ Đại học Victoria (Australia) nghiên cứu san hô trên đảo Kiritimati (Đảo Christmas) trong đợt nắng nóng El Niño 2015-16 đã tìm thấy một số loài san hô sống sót và phục hồi, ngay cả khi đợt nắng nóng tiếp tục. 
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học Hàng hải và Khí quyển Rosenstiel thuộc Đại học Miami (Mỹ) đang cố gắng xác định xem liệu san hô có thể được cứu khỏi nhiệt độ nước tăng và quá trình axit hóa bằng cách cấy ghép các tế bào gốc từ những giống có khả năng chống chịu tốt hơn cho những loài dễ bị tổn thương hơn bởi cuộc khủng hoảng khí hậu hay không.

San hô phát triển trong bể tại Viện Sinh học Biển của Đại học Hawaii ở Kaneohe. Các nhà khoa học đã dành 5 năm để cố gắng lai tạo ra những “siêu san hô” có khả năng phục hồi tốt hơn với sự nóng lên toàn cầu, cho chúng tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn và biến đổi tảo trên san hô. Hiện họ đang chuẩn bị cấy các loài san hô đã được lai tạo chọn lọc xuống đại dương để xem chúng có thể sống sót hay không.

Năm 2020, năm thứ hai liên tiếp, các nhà khoa học tại Thủy cung Florida ở Bãi biển Apollo, Tampa, đã giúp sinh sản thành công san hô Pillar Đại Tây Dương bị đe dọa. Kỹ thuật do phòng thí nghiệm thực hiện đã tạo ra nhiều ấu trùng với đa dạng di truyền hơn so với sinh sản ngoài tự nhiên. Các nhà khoa học hy vọng điều này có thể được sử dụng để cứu san hô ở vùng rạn san hô Florida, Mỹ. 

Sức sống tiềm tàng của san hô khi nhiệt độ Trái Đất tăng đến 7 độ C - Ảnh 2
Sinh sản thành công san hô Pillar Đại Tây Dương bị đe dọa. (Ảnh minh họa)

Giống san hô gối gần quần đảo Columbretes trong Vịnh Valencia. Vào năm 2019, các nhà khoa học phát hiện ra rằng san hô gối, được cho là đã bị chết trong một đợt nắng nóng, đã hồi phục. Giống san hô này đã nhỏ lại trước khi phát triển trở lại dần dần trong vài năm.

San hô dạng lá ở rạn san hô ngoài khơi Portobelo, Panama. Các sinh viên sinh vật biển đang lặn xuống độ sâu khoảng 5 mét để chăm sóc một vườn ươm san hô sừng nai nhằm phục hồi các rạn san hô bị hư hại bởi cuộc khủng hoảng khí hậu và ô nhiễm, như một phần của dự án Reef2Reef. 

Các thợ lặn nhà khoa học hàng hải từ Đại học Hong Kong (HKU), Trung Quốc đang sử dụng gạch đất sét in 3D làm thảm nhân tạo cho san hô trong công viên biển Hoi Ha Wan ở Hong Kong. Có khoảng 84 loài san hô trong vùng biển của Hong Kong nhưng chúng có nguy cơ bị tẩy trắng và chết dần. David Baker, Phó Giáo sư tại HKU, người đã phát triển công nghệ này, hy vọng dự án sẽ giúp san hô “thích nghi và di cư vào các khu vực phù hợp hơn”.

Việc cứu các rạn san hô càng cấp bách hơn khi đại dương là nơi hấp thu tới hơn 90% lượng nhiệt tăng do khí nhà kính tích tụ trong bầu khí quyển tạo ra các “bẫy nhiệt”. Nhưng cũng chính chức năng bảo vệ mặt đất này lại đẩy lòng đại dương vào nguy cơ phải đón nhận các dòng sóng nhiệt kéo dài và nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng lớn và thậm chí là quá sức chịu đựng của các loài san hô, vốn được mệnh danh là rừng nhiệt đới dưới lòng đại dương.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Sức sống tiềm tàng của san hô khi nhiệt độ Trái Đất tăng đến 7 độ C. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới