Thứ sáu, 26/04/2024 20:41 (GMT+7)
Thứ sáu, 28/01/2022 16:00 (GMT+7)

Australia: Sử dụng 700 triệu USD cứu rạn san hô lớn nhất thế giới

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Scott Morrison thông báo kế hoạch 9 năm trị giá 1 tỷ AUD (700 triệu USD) nhằm bảo vệ rạn san hô Great Barrier vài tháng sau khi rạn san hô này vừa thoát khỏi nguy cơ bị UNESCO đưa vào danh sách "có nguy cơ" bị hủy hoại.

Trải dài hơn 2.400 km ngoài khơi bờ biển bang Queensland của Australia, Great Barrier là quần thể san hô lớn nhất thế giới, mỗi năm thu về khoảng 4,8 tỷ USD cho ngành du lịch Australia trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Tuy nhiên, quần thể san hô này đang bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo các nhà khoa học, các mức nhiệt cao kỷ lục gây ra các đợt tẩy trắng san hô vào các năm 2016 và 2017 đã làm suy yếu san hô nhỏ và san hô trưởng thành ở thời kỳ sinh sản. Điều này có nghĩa là khả năng phục hồi của san hô sau các đợt tẩy trắng hàng loạt đã bị tổn thương.

Thủ tướng Scott Morrison thông báo kế hoạch trên vài tháng sau khi rạn san hô này vừa thoát khỏi nguy cơ bị UNESCO đưa vào danh sách "có nguy cơ" bị hủy hoại. Ông Morrison cho biết: "Chúng tôi ủng hộ bảo vệ rạn san hô và tương lai kinh tế của các hãng du lịch, các nhà cung cấp dịch vụ khách sạn và các cộng đồng dân cư ở Queensland vốn rất gắn bó với nền kinh tế san hô".

Australia: Sử dụng 700 triệu USD cứu rạn san hô lớn nhất thế giới - Ảnh 1
Vẻ đẹp và sự đa dạng của Great Barrier. (Ảnh minh họa)

Khi UNESCO cảnh báo về tình trạng của Di sản Thế giới này năm 2015, Australia đã lập một kế hoạch mang tên "San hô 2050" và chi hàng tỷ AUD để bảo vệ quần thể thiên nhiên này. Các biện pháp trên được cho là đã giúp làm chậm đà xuống cấp của rạn san hô nhưng nhiều phần trong quần thể này đã bị hư hại. Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện tình trạng san hô bị tẩy trắng đã ảnh hưởng đến 98% rạn san hô Great Barrier từ năm 1998, chỉ còn một phần nhỏ không bị ảnh hưởng.

Động thái trên được đưa ra trước thềm cuộc tổng tuyển cử tại Australia vào tháng 5 tới. Trong một cuộc thăm dò dư luận năm 2021 của Viện Lowy ở Sydney, 60% người dân cho rằng "sự ấm lên toàn cầu là một vấn đề nghiêm trọng và nguy cơ". Cứ 10 người được hỏi thì có 8 người ủng hộ mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050.

Là một trong những nhà xuất khẩu than đá và khí đốt lớn nhất thế giới, nền kinh tế Australia phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Nhóm Hội đồng Khí hậu cho biết gói hỗ trợ nói trên của chính phủ như "muối bỏ bể". Ông Lesley Hughes, một giáo sư sinh học tại Đại học Macquarie và là thành viên hội đồng trên, cho biết: "Nếu không cắt giảm mạnh khí thải trong thập kỷ này, tình hình tại rạn san hô sẽ tiếp tục xấu đi".

Theo đặc phái viên của Chính phủ Australia về các rạn san hô - ông Warren Entsch, các đại sứ từ Liên minh châu Âu (EU) và hơn 10 quốc gia khác - bao gồm các thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới - sẽ được đưa tới rạn san hô Agincourt, rìa ngoài của Great Barrier, đồng thời cũng là một địa điểm nổi tiếng ở khu vực ngoài khơi phía Đông Bắc Australia.

Ông cho biết: "Họ sẽ có thể tự mình nhìn thấy vẻ đẹp và sự đa dạng của nó, cũng như tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng chúng tôi chăm sóc rạn san hô này. Chúng tôi thực sự đã chăm sóc nó rất tốt". Ông Warren Entsch cho biết Australia đã có những động thái "đáng kể" để giảm mức phát thải khí carbon, song việc cứu rạn san hô này cần có thêm cả nỗ lực "của các quốc gia ở Bắc bán cầu".

Bộ trưởng Môi trường Australia Sussan Ley cho rằng kế hoạch của UNESCO không tính đến hàng tỷ USD mà nước này đã chi cho nỗ lực bảo vệ rạn san hô lớn nhất thế giới của mình. Bà cảnh báo điều này "phát đi tín hiệu tồi" cho những quốc gia đang không đầu tư vào nỗ lực bảo vệ rạn san hô, không khuyến khích các nước này chú trọng tới công tác bảo tồn di sản thiên nhiên.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Australia: Sử dụng 700 triệu USD cứu rạn san hô lớn nhất thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới