Thứ sáu, 19/04/2024 19:07 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/01/2022 10:00 (GMT+7)

UNESCO: Phát hiện quần thể san hô lớn nhất thế giới tại Thái Bình Dương

Theo dõi KTMT trên

Ngày 20/1, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) thông báo các nhà khoa học đã phát hiện một rạn san hô nguyên sơ khổng lồ và dường như chưa bị tác động của tình trạng biến đổi khí hậu phía Nam Thái Bình Dương.

Theo UNESCO, quần thể san hô có hình dạng bông hồng với chiều dài lên đến 3km và chiều rộng 64m. Đây là một trong những quần thể san hô lớn nhất hiện nay trên thế giới.

Quần thể san hô này được phát hiện ở vùng biển sâu 30-65m và vẫn đang phát triển tốt, cho thấy có thể còn nhiều quần thể san hô khác nằm sâu trong lòng đáy biển và không chịu tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến nước biển ấm lên.

Đa số các rạn san hô được biết đến hiện nay nằm ở độ sâu 25m.

UNESCO: Phát hiện quần thể san hô lớn nhất thế giới tại Thái Bình Dương - Ảnh 1
Các nhà khoa học khám phá rạn san hô lớn nhất thế giới. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Nhà sinh vật biển Laetitia Hedouin tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cho rằng các rạn san hô ở các vùng biển sâu hơn có thể được bảo vệ tốt hơn trước tình trạng nóng lên toàn cầu.

Bà nhận định việc khám phá ra rạn san hô nguyên sơ ở Tahiti có thể truyền cảm hứng cho nỗ lực bảo tồn các rạn san hô trong tương lai.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết hiện nay các nhà khoa học mới chỉ lập bản đồ được 20% diện tích dưới đáy biển.

Khám phá đáng chú ý ở Tahiti cho thấy công trình đáng kinh ngạc của các nhà khoa học nhằm cung cấp thêm sự hiểu biết của con người về những gì nằm sâu dưới đáy đại dương.

Bà Hedouin cho biết vụ phun trào núi lửa ngầm ở Tonga và gây sóng thần trên khắp Thái Bình Dương đã không ảnh hưởng đến rạn san hô nói trên.

Bà Hedouin hy vọng nghiên cứu này có thể giúp các chuyên gia hiểu cách rạn san hô ở ngoài khơi đảo Tahiti thuộc xứ Polynesia đã chống chọi với biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người, cũng như vai trò của những rạn san hô ở sâu hơn này đối với hệ sinh thái đại dương.

Đảo Tahiti thuộc Quần đảo Polynesia của Pháp. Năm 2019, các rạn san hô ở quần đảo này bị tẩy trắng đáng kể do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

UNESCO: Phát hiện quần thể san hô lớn nhất thế giới tại Thái Bình Dương - Ảnh 2
Rạn san hô duy nhất không bị tác động bởi biến đổi khí hậu. (Ảnh: Báo Vietnam Plus)

Với tỷ lệ các rạn san hô đang suy giảm, các nhà khoa học đang tìm cách cứu chúng khỏi biến đổi khí hậu. Hiện công nghệ điều chỉnh gene là một công cụ rất có giá trị với các nhà bảo tồn đang tìm cách giúp các loài sinh vật thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu để tồn tại.

Từ trước đến nay, các sinh vật trên Trái Đất đều tự tiến hóa hoặc di cư đến một nơi khác để thích ứng với những biến đổi về môi sinh. Tuy nhiên, tốc độ biến đổi khí hậu đang diễn ra quá nhanh khiến môi trường thay đổi nhanh hơn tốc độ biến đổi và thích ứng của các sinh vật.

Ryan Phelan, nhà đồng sáng lập Revive and Restore, cho rằng các nhà khoa học phải can thiệp khi tốc độ tiến hóa của sinh vật không thể bắt kịp những thay đổi nhanh chóng của môi trường.

Việc cứu các rạn san hô càng cấp bách hơn khi đại dương là nơi hấp thu tới hơn 90% lượng nhiệt tăng do khí nhà kính tích tụ trong bầu khí quyển tạo ra các "bẫy nhiệt". Nhưng cũng chính chức năng bảo vệ mặt đất này lại đẩy lòng đại dương vào nguy cơ phải đón nhận các dòng sóng nhiệt kéo dài và nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng lớn và thậm chí là quá sức chịu đựng của các loài san hô, vốn được mệnh danh là rừng nhiệt đới dưới lòng đại dương.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết UNESCO: Phát hiện quần thể san hô lớn nhất thế giới tại Thái Bình Dương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .