Bảo tồn rạn san hô Phú Quốc - ‘Ngôi nhà’ của các loài sinh vật biển
Xây dựng rừng san hô dưới đáy biển tại phía Nam đảo Phú Quốc góp phần tái tạo vẻ đẹp của các rạn san hô, hình thành nên một công viên lung linh dưới đáy biển Hòn Thơm.
Xây dựng công viên san hô
Những quần thể san hô hải quỳ, san hô não, san hô nấm, gạc nai, liễu hồng, xương rồng biển... được điểm xuyết bởi những bầy cá nemo, cá mó, ngọc nữ, ghẹ, tôm tích... lung linh như bức tranh hữu tình. Thế nhưng, nhiều cánh rừng san hô bắt đầu có hiện tượng tẩy trắng. Đó là khi những khóm san hô biến sắc hình quang, ngả sang màu tím, xanh neon... đẹp lung linh. Tuy nhiên, sau đó chúng sẽ chuyển sang màu trắng trong và chết trơ xương. Nếu không kịp thời cấp cứu, rừng san hô sẽ lụi tàn.
Lịch sử san hô dưới đáy biển Phú Quốc đã có nhiều đợt chết trắng. Có năm san hô ở đây chết gần 80%. Đã có dự án trồng khôi phục rừng san hô nhưng hiệu quả thực sự vẫn là dấu hỏi. Các nhà quản lý cho rằng san hô ở Phú Quốc bị chết hàng loạt là hiện tượng nước biển ấm lên, vượt quá nhiệt độ sinh trưởng của chúng.
Hàng năm, từ tháng 1 đến tháng 3, nước dưới đáy biển Phú Quốc có thể lên từ 28-30 độ C. Trong khi san hô chỉ có thể sinh sống ở điều kiện nước không quá 24 độ C. Vì Phú Quốc nằm gần đường xích đạo nên nhiệt độ ấm lên và gây chết san hô cũng là một trong những lý do.
Ở phía Nam đảo Phú Quốc, bức tranh san hô ở một số điểm còn ảm đạm hơn. Vùng biển ven hòn Dăm Ngang, hòn Mây Rút, hòn Gỏi... ở đâu cũng có thể bắt gặp các rạn san hô bị gãy đổ, bị biến đổi sang một màu trắng, mà các thợ lặn ở đây gọi là bị “vôi hóa”. “San hô ở mực nước trên 5-6 m giờ chỉ còn sống chừng 30% so với 8 năm trước. Nhiều nơi như mũi Kỳ Lân san hô chết sạch” - một thợ lặn chua xót nói.
Ngoài ra, hiện trạng môi trường đáy biển Phú Quốc vẫn diễn ra nhiều bất lợi như nước đục, tốc độ dòng chảy nhanh, mưa axit, ô nhiễm đại dương, thậm chí đến... kem chống nắng cũng tác động tiêu cực lên sinh vật dưới đáy biển.
Trước nguy cơ trên, anh Nguyễn Thụy Vũ (29 tuổi) và cộng sự đã bắt tay xây dựng một công viên san hô dưới đáy biển Hòn Thơm, phía Nam đảo Phú Quốc.
Ý tưởng gây dựng rừng san hô cho mọi người cùng xuống chiêm ngưỡng đã được thực hiện đầy quyết tâm. Nhiều công đoạn từ việc tái tạo, nhân giống, đem san hô ở vùng lân cận về trồng trong khu công viên... đã nhanh chóng được triển khai.
Nhóm dự án đã gây dựng vườn ươm dưới đáy sâu, tái tạo san hô từ chính các đá san hô trước đó đã bị hóa thạch, cho đến bảo vệ san hô trước sự đe dọa của các loài ốc ăn san hô. Chỉ trong 65 ngày, một công viên lung linh dưới đáy biển Hòn Thơm đã được hình thành.
Giống như những cánh rừng trên cạn, rừng san hô còn là sự cộng sinh của các quần thể động, thực vật khác, nắm vai trò quan trọng với sự sống của đại dương và sự sống của chúng ta.
Không những thế, nhóm dự án còn tiếp tục tái tạo những cánh rừng dưới đáy biển, xây dựng một vùng sinh thái cho nhiều khu vực ven đảo Phú Quốc.
Đe dọa sự sống các loài sinh vật biển
Theo nhận định của Ban quản lý khu bảo tồn Phú Quốc, có 2 nguyên nhân khiến san hô quanh khu vực đảo bị chết: Do biến đổi khí hậu, nhiệt độ nước biển tăng. Nhưng nguyên nhân chính là môi trường nước bị ô nhiễm.
“Từ phát triển du lịch, gia tăng lượng nước thải, rác thải ra môi trường. Hoạt động đánh bắt thủy hải sản cũng tác động xấu lên môi trường biển Phú Quốc” - ông Cường, Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn Phú Quốc thông tin.
Ngoài ra, ở phía Tây đảo, san hô bị tàn phá bởi các hoạt động cào cá, cào tôm, cào banh lông... làm môi trường biển bị xáo trộn, ảnh hưởng đến các loài thủy sinh, đặc biệt là san hô.
Trên thế giới có tiền lệ san hô chết tác động đến con sao biển, các loài sinh vật khác cũng ảnh hưởng theo. Trong đó chuyện hải sâm chết hàng loạt cũng không phải là ngoại lệ.
Khu bảo tồn san hô Phú Quốc chủ yếu phía Nam đảo, trong khu vực rộng gần 10.000 ha. Trong khu vực này, ghi nhận 108 loài san hô, thuộc cả 2 nhóm san hô cứng và san hô mềm. Được biết, san hô Phú Quốc trước đây đã trải qua một đợt bị hủy diệt trên diện rộng (“hiện tượng tẩy trắng”), khi đó san hô chết tới 56,6%. Số liệu quan trắc năm 2014 cho thấy số san hô mới chết phủ rộng ở nhiều khu vực còn cao hơn cả san hô sống được phát hiện.
Theo các nhà khoa học Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, vùng biển nhiệt đới Việt Nam là môi trường thích hợp để các loài san hô sinh trưởng và phát triển, trong đó có vùng biển các tỉnh duyên hải miền Trung. Về chủng loài, vùng biển Việt Nam tập trung khoảng 400 loài san hô trong tổng số 800 loài của thế giới. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, những tác động tiêu cực từ con người, các cơn bão biển và hiện tượng trắng hóa (chết) đang đe dọa số lượng san hô.
Theo TS Hoàng Thị Thùy Dương (Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga), không chỉ là “bãi đẻ” của các loài cá, rạn san hô còn là “nhà” của nhiều loài sinh vật biển khác, như: Bọt biển, một số loài thích ti (san hô và sứa), giáp xác, động vật thân mềm hai mảnh vỏ, động vật da gai (sao biển, nhím biển và hải quỳ), động vật có bao, rùa biển và rắn biển… Bên cạnh đó, san hô là cấu trúc sống lớn nhất trên hành tinh. Các rạn san hô là nơi cung cấp thức ăn, môi trường sống, trưởng thành và cả nơi trú ẩn, tránh khỏi kẻ thù cho cá và động vật khác.
Về giá trị kinh tế và tác động đến con người, các rạn san hô là nguồn tài nguyên tuyệt vời cho con người. Rạn san hô có thể coi là những “khu rừng” dưới biển bảo vệ con người khỏi các cơn bão khi tham gia phá vỡ năng lượng sóng. Đặc biệt, các rạn san hô từ bao đời nay là những “cung điện” kỳ ảo dưới lòng đại dương để con người thưởng ngoạn và khám phá. Theo một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học California (Mỹ) đăng trên Thời báo Tài chính Việt Nam khẳng định, các rạn san hô có giá trị rất lớn với con người, giúp bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy du lịch sinh thái biển và mang về giá trị kinh tế toàn cầu ước tính 375 tỉ USD/năm.
Từ giá trị đa dạng sinh học cũng như kinh tế của các rạn san hô, nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp nhằm bảo vệ các rạn san hô trong vùng biển của mình.
Lan Anh (T/h)