Dự báo đến năm 2070, rạn san hô ở Ấn Độ Dương sẽ sụp đổ
Các rạn san hô ở 10 quốc đảo tại Ấn Độ Dương đang bị đe dọa nghiêm trọng, khi biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ nước tăng lên và khiến hiện tượng tẩy trắng trở nên phổ biến hơn. Các nhà khoa học đang nghiên cứu tình trạng chết hàng loạt của san hô.
Tất cả các rạn san hô ở phía tây Ấn Độ Dương có nguy cơ sụp đổ
Theo Guardian, các hệ thống rạn san hô từ Seychelles đến vùng Delagoa ngoài khơi bờ biển Mozambique và Nam Phi, có nguy cơ bị tuyệt chủng về mặt chức năng vào những năm 2070 với sự mất mát lớn về đa dạng sinh học, đồng thời đe dọa sinh kế và nguồn thực phẩm của hàng trăm nghìn người.
Nghiên cứu – được công bố ngày 6.12 trên tạp chí Nature Sustainability – đã xem xét các rạn san hô ở 10 quốc gia phía tây Ấn Độ Dương.
Đánh giá cho thấy các rạn san hô ở các quốc đảo nói riêng đang bị đe dọa nghiêm trọng, khi biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ nước tăng lên và khiến hiện tượng tẩy trắng trở nên phổ biến hơn. Các rạn san hô ở phía đông và nam Madagascar, quần đảo Comoros và quần đảo Mascarene đều được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp.
Các rạn san hô ở bắc Seychelles và dọc theo toàn bộ bờ biển phía đông Châu Phi được phân loại là dễ bị sụp đổ. Nguyên nhân là do hoạt động đánh bắt quá mức đang làm thay đổi hệ sinh thái của chúng, đồng thời thúc đẩy sự tích tụ của các loại tảo có thể làm chết san hô.
David Obura – người dẫn đầu nghiên cứu và là người đứng đầu nhóm san hô của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) – cho hay, mặc dù sự suy giảm trên toàn cầu của các rạn san hô đã xảy ra trong một thời gian, nhưng những đánh giá chi tiết đối với các khu vực cụ thể đã cung cấp rõ ràng hơn về nguyên nhân và mức độ thiệt hại.
Sự sụp đổ của san hô liên quan đến bảo vệ bờ biển
Theo ông Obura, trong vòng 50 năm tới, mối đe dọa cấp bách nhất là biến đổi khí hậu. Và việc nhiệt độ hành tinh có tăng dưới mức 1,5 độ C hay không, phụ thuộc vào những gì chúng ta làm trong 10 năm tới.
Sự sụp đổ của một rạn san hô có nghĩa là nó bị tuyệt chủng về mặt chức năng. Bạn vẫn có thể tìm thấy một số loài san hô ở đó nhưng chúng sẽ không thể xây dựng nên một rạn san hô được nữa. Các rạn hô đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển khỏi nước biển dâng, du lịch, nghề cá và đặc biệt là có ý nghĩa rất lớn đối với các hộ gia đình cũng như cộng đồng có thu nhập thấp. Ngành du lịch đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Đông Phi và nó phụ thuộc vào các rạn san hô khỏe mạnh.
Kể từ những năm 1950, độ phủ sóng của các rạn san hô trên thế giới đã giảm một nửa do hiện tượng nóng lên toàn cầu, đánh bắt quá mức, ô nhiễm và môi trường sống bị phá hủy. Sự suy giảm của các hệ sinh thái, vốn là những “vườn ươm” quan trọng cho cá con trên toàn cầu, dự kiến sẽ tiếp diễn khi khí hậu tiếp tục nóng lên.
San hô trên khắp thế giới đang bị chết hàng loạt
Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân dẫn tới tình trạng san hô chết hàng loạt là do nhiệt độ nước tăng lên. Một vụ tẩy trắng san hộ tương tự xảy ranăm 1998 đã dẫn đến việc phá hủy 8% tổng số san hô (khoảng 6,5 nghìn mét vuông), với tác động tiêu cực lớn nhất được ghi nhận ở Ấn Độ Dương, Nhật Bản và Caribe.
Các chuyên gia đang gióng lên hồi chuông cảnh báo và tuyên bố rằng biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa rất lớn đối với việc bảo tồn san hô. Nhưng trong báo cáo được công bố cũng có một số liệu đáng khích lệ: các nhà khoa học nhận thấy rằng nhiều rạn san hô có thể đứng vững trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài và vẫn có khả năng phục hồi trong điều kiện thích hợp.
Các rạn san hô chỉ bao phủ 0,2% đáy đại dương, nhưng chúng là nơi sinh sống của ít nhất một phần tư tổng số sinh vật biển. San hô có thể chết do nhiệt độ nước tăng, ngoài ra còn liên quan tới việc đánh bắt cá không kiểm soát, phát triển ven biển không bền vững và chất lượng nước suy giảm.
Nguyễn Linh (T/h)