Thứ bảy, 20/04/2024 06:20 (GMT+7)
Thứ tư, 23/02/2022 19:00 (GMT+7)

Rừng bị phá trách nhiệm thuộc về ai?

Theo dõi KTMT trên

Theo người dân Lâm Đồng, tình trạng mở đường xuyên rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại khu vực trên đã xảy ra từ nhiều tháng qua. Trong khi đó, cơ quan chức năng nhiều nơi xử lý vụ việc chưa kiên quyết, dứt điểm nên không đủ sức răn đe người vi phạm.

Ngày 23/2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND các xã để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng trong công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2021.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, ngày 16/12/2021, đơn vị đã có báo cáo về tình hình vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp và đề xuất xử lý trách nhiệm Chủ tịch UBND kiêm trưởng ban lâm nghiệp cấp xã và các hạt trưởng hạt kiểm lâm cấp huyện.

Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã Phi Liêng, xã Đạ Long (huyện Đam Rông) và xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) vì để xảy ra các vụ phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn. 

Rừng bị phá trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 1
Nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn tình Lâm Đồng. (Ảnh: Báo Người Lao động)

Tuy nhiên, ngày 16/2/2022, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương, Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim và các đơn vị liên quan đã kiểm tra thực tế công tác quản lý bảo vệ rừng.

Qua kiểm tra cho thấy, trên địa bàn xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng nhưng không lập hồ sơ xử lý, không có báo cáo; trong đó, có trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND huyện Lạc Dương xem xét xử lý trách nhiệm thêm đối với Chủ tịch UBND xã Đạ Nhim do để xảy ra các vụ phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Tình trạng phá rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại Lâm Đồng vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất theo kiểu “gặm nhấm” đang xảy ra khá phổ biến tại nhiều địa phương của tỉnh Lâm Đồng khi giá đất tăng mạnh. Nguyên nhân là do “trào lưu” sống “bỏ phố về quê”, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Một căn nhà giữa rừng, tọa lạc ở lưng chừng hoặc đỉnh đồi, địa thế đẹp, xung quanh có đất để trồng cây và chăn nuôi đang trở thành mốt của nhiều người. Do đó, không ít đối tượng đã tìm mọi cách để phá rừng, lấn chiếm đất làm nhà, sản xuất nông nghiệp khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn nếu lực lượng chức năng không kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm.

Tại huyện Lạc Dương, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại xã Lát, Đạ Sar, Đa Nhim... Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn huyện Lạc Dương xảy ra 28 vụ vi phạm, gây thiệt hại 297m3 gỗ và 1,6ha đất lâm nghiệp.

Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cho biết, do giá trị đất cao nên công tác quản lý, bảo vệ rừng đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân thường xen lẫn trong rừng sâu nên xảy ra tình trạng ken cây, đầu độc rừng sau đó từ từ lấn chiếm.

Tại tiểu khu 275, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng rừng tự nhiên cũng liên tục bị tàn phá trong thời gian dài nhằm mục đích lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp và chuyển nhượng qua tay kiếm lời bất hợp pháp.

Theo thống kê ban đầu của UBND xã Liên Hiệp, tại khoảnh 2, tiểu khu 275 có 4 vị trí rừng bị phá với với 341 cây gỗ bị cưa hạ, đường kính gốc cây gỗ lớn nhất khoảng 50cm, thuộc đối tượng rừng phòng hộ. Tuy nhiên, sau đó Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh thống kê lại, xác định số cây gỗ bị cưa hạ chỉ còn 76 cây, có đường kính từ 19-42cm, số lượng lâm sản bị thiệt hại là 34,4m3. Vị trí rừng bị cưa hạ, lấn chiếm đã được khoán bảo vệ rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng cho ông Khải (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng) làm tổ trưởng đại diện ký hợp đồng giao khoán.

Cũng trên địa bàn huyện Đức Trọng, rừng tại dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (tổng diện tích đất quy hoạch lên đến hơn 3.595ha, thuộc các xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan), do Công ty CP Đầu tư và Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh làm chủ đầu tư, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng xảy ra liên tục, kéo dài trong thời gian nhiều năm.

Hàng loạt cánh rừng thông thuộc dự án của doanh nghiệp này cũng bị người dân kéo tới cưa phá, khai thác gỗ, lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp, thậm chí làm nhà ở nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm. Từ khi được UBND tỉnh Lâm Đồng giao dự án (năm 2010) tới nay, công ty trên đã để mất hàng trăm hecta rừng và đất lâm nghiệp, biến nhiều khu rừng nơi đây trở thành vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển nhượng bất hợp pháp.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã liên tục có văn bản chỉ đạo, giao các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để răn đe chung. Thậm chí, để tăng cường vai trò và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, UBND tỉnh Lâm Đồng còn quy định để xảy ra phá rừng, mất rừng quy mô lớn, người đứng đầu địa phương có rừng bị mất phải chịu trách nhiệm, xử lý kỷ luật.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Rừng bị phá trách nhiệm thuộc về ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới