Thứ sáu, 29/03/2024 17:00 (GMT+7)
Thứ sáu, 15/04/2022 11:00 (GMT+7)

Rác và nhựa chính là các nguồn lực kinh tế

Theo dõi KTMT trên

Phân loại, thu gom và tái chế chất thải là giải pháp thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của thị trường nguyên vật liệu thứ cấp phù hợp với điều kiện địa phương. Bởi thực tế, rác và nhựa chính là các nguồn lực kinh tế.

Ngày 14/4, Dự án ‘Suy nghĩ lại về nhựa’ của EU-BMZ và Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) đồng tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm từ các Dự án thí điểm cùng với các nữ lao động phi chính thức tại Việt Nam” nhằm giới thiệu các nghiên cứu và đổi mới để góp phần ghi nhận vai trò và những đóng góp của những người phụ nữ thu gom phế liệu trong chuỗi giá trị quản lý chất thải.

Góp phần giữ sạch môi trường

Tại hội thảo, các tổ chức phi lợi nhuận đã giới thiệu các dự án thí điểm triển khai tại Quy Nhơn (Bình Định), Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Hạ Long (Quảng Ninh). Các dự án này tập trung tăng cường sinh kế cho những lao động phi chính thức về rác thải, hỗ trợ việc công nhận và đưa nhóm lao động này vào hệ thống quản lý rác thải.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định: “Thực tế, rác và nhựa chính là các nguồn lực kinh tế. Chúng ta cần phân loại, thu gom và tái chế chất thải để thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của thị trường nguyên vật liệu thứ cấp phù hợp với điều kiện địa phương và bao trùm với sự tham gia của người phụ nữ ở tất cả các giai đoạn”.

Hội thảo trực tuyến và trực tiếp tại Quy Nhơn, có sự tham dự của đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Đại sứ quán Hà Lan, UBND TP. Quy Nhơn và Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Bình Định, các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và quốc tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh, Bình Định, Bình Thuận, Đà Nẵng và những người phụ nữ thu gom phế liệu.

Tại hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, khẳng định rằng, vai trò và sự đóng góp của người lao động phi chính thức trong lĩnh vực chất thải là một yếu tố then chốt nhằm tăng cường hiệu quả của hệ thống quản lý rác thải tại địa phương. Kết hợp với các chiến dịch truyền thông và huy động cộng đồng hiệu quả chính là một phần quan trọng nhằm hướng tới việc xây dựng các thành phố xanh dành cho tất cả mọi người.

Rác và nhựa chính là các nguồn lực kinh tế - Ảnh 1
Lực lượng lao động nữ khu vực phi chính thức tham gia nhiều vào kinh tế tuần hoàn. (Ảnh minh họa)

"Để hướng tới một mô hình kinh tế tuần hoàn hơn, UNDP sẽ tiếp tục các hoạt động nhằm trao quyền cho phụ nữ và phục hồi kinh tế xanh và bao trùm”, bà Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam - bà Caitlin Wiesen nói.

Tại hội thảo, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP. Quy Nhơn, khẳng định: “Đây là một hội thảo quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi hy vọng nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu liên quan đến công tác quản lý chất thải để áp dụng trong thực tế và giúp cho thành phố Quy Nhơn triển khai hiệu quả Luật bảo vệ môi trường.”

Theo bà Fanny Quertamp, Cố vấn cấp cao tại Việt Nam của Dự án ‘Suy nghĩ lại về nhựa’, chương trình EPR bắt buộc đối với bao bì sẽ có hiệu lực vào năm 2024 là một bước tiến lớn tạo ra cơ hội và thách thức cho những người thu gom rác thải. Việc yêu cầu truy xuất nguồn gốc của chuỗi giá trị bao bì sẽ tác động đến tổ chức quản lý rác thải hiện tại và mở ra cơ hội để tích hợp và công nhận những người thu gom là người đóng góp cho nền kinh tế tuần hoàn.

Được biết, Dự án "Suy nghĩ lại về Nhựa" được triển khai tại 7 quốc gia Đông Á và Đông Nam Á nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững và ngăn chặn tình trạng xả rác thải nhựa ra môi trường biển. Ngày 10 /1/2022, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 08/2022/ NĐ-CP, với các chương về quản lý chất thải, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và việc kết hợp lộ trình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Tạo sinh kế cho lao động xử lý rác thải

Tại hội thảo, các bên đã cùng nhau thảo luận về nhằm thu thập các sáng kiến cơ sở một cách có hệ thống và đề xuất các chính sách; và tăng cường khả năng hợp tác với các tổ chức khác để nâng cao sinh kế của những lao động xử lý chất thải và công nhận vai trò quan trọng của họ trong quá trình chuyển đổi hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ TP. Quy Nhơn cho biết, việc tổ chức mô hình “Tổ phụ nữ thu gom, mua bán ve chai” đã phát huy hiệu quả quan hệ hợp tác giữa các tổ chức cộng đồng và tổ chức xã hội. Thông qua mô hình này đã góp phần hạn chế một lượng lớn rác thải ra môi trường, khoảng hơn 31,3 tấn phế liệu các loại.

Mô hình được thực hiện tại 4 xã/phường dự án và hỗ trợ 22 lao động nữ vay Quỹ sinh kế cộng đồng từ mô hình, thời gian vay 24 tháng, bắt đầu trong tháng 11/2021 và kết thúc tháng 11/2023, với lãi suất 0%.

"Để thực hiện được nhiều hơn những mô hình hỗ trợ phụ nữ thu gom phế liệu cần nhiều hơn nữa sự kết nối, chung tay tham gia tích cực của các cấp, các ngành từ tỉnh tới cơ sở tham gia dự án, hướng dẫn, chỉ đạo hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật, tạo mọi điều kiện để các hoạt động của dự án được tiến hành thuận lợi”, bà Hồng cho biết.

Rác và nhựa chính là các nguồn lực kinh tế - Ảnh 2
Hơn 90% những người thu gom đồng nát là lao động nữ.

Đánh giá về nghề thu gom phế liệu ở Việt Nam, ông Nguyễn Thi, đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, thách thức lớn là hơn 90% những người thu gom đồng nát là lao động nữ, mặc dù tính chất công việc nặng nhọc. Trong khi đó, điều kiện lao động trong hệ thống này còn lạc hậu, không bảo hộ, chủ yếu làm bằng thủ công, tư liệu lao động thô sơ. Các vấn đề phúc lợi xã hội, bảo hiểm y tế, xã hội không được quan tâm, chưa có tổ chức bảo vệ quyền lợi, bị các chủ buôn chi phối, thậm chí ép về giá.

"Nhưng trong khoảng 5 năm tới, hệ thống đồng nát hiện nay vẫn phát huy hiệu quả trong việc thu gom, tái chế đồng thời cũng sẽ bắt đầu xuất hiện sự cạnh tranh với các tổ chức chuyên nghiệp, hiện đại", ông Thi khẳng định.

Để lực lượng lao động phi chính thức trong hệ thống thu gom rác thải được phát triển đúng hướng và bảo vệ quyền lợi, ông Thi cho rằng, những người này phải được đăng ký lao động trong một tổ chức pháp nhân và tiến tới có hiệp hội của mình. Khi có tổ chức, lao động trong nghề đồng nát sẽ được cải thiện điều kiện lao động, có cơ hội nhận hỗ trợ kinh phí từ các chương trình ERP, từng bước sử dụng công nghệ ứng dụng thu gom tự động. 

Ngày 2/03/2022, tại Hội đồng môi trường Liên Hợp Quốc, các Bộ trưởng môi trường thế giới đã thông qua các nghị quyết quan trọng tạo nền tảng để xây dựng một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa. Vai trò của những người làm trong khu vực phi chính thức đã được công nhận trong một nghị quyết môi trường.

Khánh Thư

Bạn đang đọc bài viết Rác và nhựa chính là các nguồn lực kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.