Thứ sáu, 05/07/2024 02:26 (GMT+7)
Thứ tư, 06/04/2022 17:00 (GMT+7)

Thiếu cơ chế tài chính, rác thải nhựa khó vào nền kinh tế tuần hoàn

Theo dõi KTMT trên

Phát triển kinh tế tuần hoàn là một xu hướng của phát triển bền vững, giúp đạt được cả hai mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra.

Nhiều thách thức trong tái chế rác thải nhựa

Theo báo cáo "Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa" do IFC và Ngân hàng Thế giới công bố, khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ mỗi năm tại Việt Nam. Trong số này, chỉ 1,28 triệu tấn (33%) được thu gom tái chế (CFR).

Do vậy, có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 - 2,9 tỷ USD mỗi năm. Nếu tất cả được thu gom và tái chế thành các sản phẩm có giá trị nhất, về lý thuyết, tổng giá trị vật liệu giải phóng được, nhờ tái chế, sẽ tương đương 3,4 tỷ USD mỗi năm.

Nghiên cứu trên đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tái chế nhựa thấp ở Việt Nam như: Thiếu nhu cầu bền vững đối với nhựa tái chế tại địa phương; khả năng tiếp cận tài chính của đơn vị tái chế, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, tỉ lệ tái chế nhựa thấp còn do nguồn cung không đều và có rủi ro từ khu vực phi chính thức; phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu phế liệu nhựa; không có tiêu chuẩn thiết kế để tái chế nên hệ thống quản lý chất thải ưu tiên cho thu gom và xử lý chôn lấp, đốt hơn so với tái chế.

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp xử lý, tái chế, TS Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ T-tech Việt Nam cho rằng, rào cản về chính sách tài chính, đơn giá xử lý tái chế rác thải sinh hoạt còn thấp chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia cũng như nguồn cung không đều và có nhiều rủi ro từ khu vực phi chính thức. Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu phế liệu nhựa, không có tiêu chuẩn thiết kế để tái chế.

Thiếu cơ chế tài chính, rác thải nhựa khó vào nền kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1
Các rào cản về chính sách tài chính, đơn giá xử lý tái chế rác thải sinh hoạt còn thấp chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia vào các dự án tái chế.

Theo Bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đầu tư vào hạ tầng quản lý rác thải vẫn chưa bắt kịp tốc độ xả thải. Khu vực nhà nước và tư nhân cần hợp tác để giải quyết vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội phức tạp này, đồng thời thúc đẩy các chính sách và tăng cường đầu tư để giúp tận dụng triệt để giá trị của vật liệu nhựa”.

Trong một nghiên cứu khác của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), mỗi năm trên thế giới có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển. Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nylon/tháng, riêng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nylon.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 11% đến 12% số lượng chất thải nhựa, túi nylon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Ðây là lý do có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt là ô nhiễm đại dương. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời, phải mất từ 500 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy được một túi nylon.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS Ðào Văn Hiền, giảng viên Khoa Môi trường (Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, mặc dù diện tích nước ta đứng thứ 68 trên thế giới, nhưng lại đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa, với khoảng hơn 1,85 triệu tấn/năm. Ðiều đó đã làm tình trạng ô nhiễm ở nước ta trở nên nghiêm trọng hơn, bởi rác thải nhựa ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường sống, sức khỏe con người và các loài sinh vật, gây thiệt hại cho các ngành kinh tế như du lịch, hay đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản... 

Cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án tái chế

Chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn là một cách tiếp cận hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đã được chính phủ của nhiều quốc gia hưởng ứng và triển khai.

Phát triển kinh tế tuần hoàn là một xu hướng của phát triển bền vững, giúp đạt được cả hai mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. Kinh tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Trước thực trạng tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, bài toán đặt ra cho chúng ta là phải chuyển đổi phương thức, mô hình theo hướng bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, mà vẫn bảo vệ được môi trường. Với mô hình kinh tế truyền thống, nguyên liệu được khai thác, sản xuất, sử dụng và thải bỏ. Trong khi đó, nền kinh tế tuần hoàn lấy việc tái sử dụng tuần hoàn nguyên liệu làm trọng tâm, giảm tiêu hao nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng tới môi trường. 

Bên cạnh đó, IFC và Ngân hàng thế giới cũng đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam đó là đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần có giá trị thấp mà không có phương án thay thế phù hợp, các chính sách hiệu quả có thể bao gồm cấm và hạn chế đưa sản phẩm đó ra thị trường, áp dụng phí đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, hoặc nhà nhập khẩu, và thuế vì những công cụ chính sách này có ảnh hưởng trực tiếp nhiều hơn đến hành vi của người tiêu dùng và góp phần nhanh chóng đạt được kết quả đáng kể.

Đồng thời cần cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án tái chế và hỗ trợ nâng cao năng lực các ngân hàng trong nước và nên giải quyết tình trạng chênh lệch giữa nhu cầu tài chính của các đơn vị tái chế nhựa là doanh nghiệp vừa và nhỏ và các sản phẩm tài chính xanh hiện hành với việc xây dựng các quy định tài trợ đơn giản hơn.

Thiếu cơ chế tài chính, rác thải nhựa khó vào nền kinh tế tuần hoàn - Ảnh 2
Phó Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Quế Lâm.

Phó Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Quế Lâm cho biết: Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, khẳng định quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến giảm rác nhựa.

Tuy nhiên, để giảm rác thải nhựa, đồng thời hướng tới nền kinh tế tuần hoàn ngành nhựa, Việt Nam cần phải quản lý theo chuỗi giá trị của nhựa, bắt đầu từ khâu thiết kế sản xuất và kiểm soát nguyên liệu đầu vào; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn sản xuất, thương mại và tiêu thụ và thúc đẩy 3R+; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, vật liệu đóng gói…

Ðối với lộ trình kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa, cần xây dựng các mục tiêu, kết quả mong muốn và các bước chính hay các giai đoạn cần đạt được mục tiêu như: Thống nhất các đối tác tham gia trong chuỗi giá trị nhựa cùng phối hợp trong thiết kế, sử dụng và tái sử dụng nhựa; xác định các cơ hội thông qua chuỗi cung cấp làm sao có thể giảm rác nhựa và chất liệu tạo ra nhựa được tái chế, tái sử dụng; phát triển công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và ngành công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở tiếp cận các mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn; thể chế hóa trách nhiệm nhà sản xuất trong ngành bao bì nhựa để đầu tư vào hạ tầng tái chế…

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Thiếu cơ chế tài chính, rác thải nhựa khó vào nền kinh tế tuần hoàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới