Thứ bảy, 20/04/2024 10:36 (GMT+7)
Thứ ba, 05/04/2022 07:00 (GMT+7)

Phương án nào để kiểm soát lạm phát trong cơn "bão giá"?

Theo dõi KTMT trên

Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, kiểm soát lạm phát cần sự chung tay của nhiều cơ quan, hiệp hội và doanh nghiệp.

Giá hàng hóa tăng cao đang tạo nên nhiều áp lực

Chia sẻ tại Đối thoại chuyên đề “Vòng xoáy lạm phát - kiểm soát chi phí đẩy”, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thừa nhận rằng chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là xăng dầu, chưa kể, các nguyên, vật liệu khác như một số hóa chất phục vụ sản xuất phân bón cũng đều tăng.

Hơn nữa, trong ngành sản xuất phân bón, nhiều nguyên liệu sản xuất của Việt Nam chưa tự sản xuất trong nước mà vẫn lệ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài.

Thị trường phân bón vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 kéo dài làm thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, nay lại lao đao do căng thẳng Nga-Ukraine khiến thị trường phân bón thế giới suy giảm nguồn cung và tăng giá.

Phương án nào để kiểm soát lạm phát trong cơn "bão giá"? - Ảnh 1
Toàn cảnh Đối thoại “Vòng xoáy lạm phát – Kiểm soát chi phí đẩy”. 

Trong nước, mặt hàng phân bón DAP, MAP mới tự chủ được một phần, trong khi có những loại phân bón phải nhập khẩu hoàn toàn như Kali. Thời điểm nhập khẩu Kali vào đúng kỳ xung đột vũ trang giữa Nga-Ukraine trong khi Việt Nam lại nhập khẩu chủ yếu từ hai quốc gia này, giá Kali có thời điểm tăng đến hơn 100%”, ông Ngọc nêu thực tế.

“Chúng tôi chứng kiến có những tàu chở hàng dù chưa cập bến tại Việt Nam nhưng đều được bán hết, thậm chí, giá cao ngất ngưởng nhưng cũng không có mà bán”, ông Ngọc nói và thừa nhận, việc giá thành phân bón tăng cao đẩy chi phí đầu vào tăng khiến sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua rất khó khăn, người nông dân đứng ngồi không yên, chưa kể chi phí logistics cũng tăng rất cao vì liên quan đến xăng dầu.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón, việc giá cả tăng tác động đến nền kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp là rất rõ ràng, khiến sản phẩm nông nghiệp khi hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới càng trở nên khó khăn hơn.

"Phân bón chiếm đến 40-45% chi phí đầu vào nên giá phân bón leo thang thời gian qua khiến chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng rất mạnh, dẫn đến giá thành sản phẩm cũng tăng theo.

Giá sản phẩm nông nghiệp tăng không chỉ ảnh hưởng đến hàng chục triệu nông dân mà rộng hơn là cả người lao động nói chung”, ông Ngọc bất an.

Cùng với phân bón, xăng dầu, một mặt hàng chiến lược quan trọng, có tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế, cũng có tốc độ tăng “chóng mặt” trong thời gian qua, kéo theo giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu khác dồn dập tăng giá.

Theo Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế. Vì vậy, hệ quả của việc xăng dầu tăng giá sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, dù giá xăng dầu thế giới vẫn biến động bất thường, việc điều hành giá xăng dầu thông qua việc sử dụng linh hoạt các công cụ thuế từ ngày 1/4 và Quỹ Bình ổn giá được người dân và giới chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng trong việc bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Kiểm soát lạm phát thế nào?

Đánh giá về chỉ số CPI thời gian tới, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, áp lực lạm phát những tháng cuối năm rất lớn. Kiểm soát lạm phát cần sự chung tay của nhiều cơ quan, hiệp hội và doanh nghiệp. Trong đó, để kiểm soát được chúng ta cần tập trung vào những nội dung sau:

Thứ nhất, cần đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo nguyên vật liệu cho đơn vị sản xuất liên quan đến hàng hóa, tiêu dùng;

Thứ hai, cần nắm bắt tình hình kịp thời, trên cơ sở đó nắm bắt được chính sách, điều hành giá để tham mưu cho Chính phủ đưa ra những định hướng tốt nhất;

Thứ ba, cần nâng cao nhận thức người tiêu dùng, người dân trong đối phó với vấn đề liên quan đến giá cả. Người dân cũng cần có sự chuyển biến mới trong nhận thức tiêu dùng, ví dụ trong bối cảnh nguồn cung hàng hóa bị đứt gãy, thay vì lựa chọn những sản phẩm nhập khẩu, khan hiếm có giá cao thì có thể tìm những sản phẩm thay thế cho phù hợp với điều kiện hiện tại;

Thứ tư, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với lĩnh vực giá, yêu cầu các cơ sở kinh doanh niêm yết giá công khai và nghiêm cấm những tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, tích trữ, đẩy giá lên cao, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng và gia tăng lạm phát;

Thứ năm, cần tuyên truyền cho người dân biết được những thông tin thật sự chính xác, đầy đủ, kịp thời trong việc bình ổn thị trường, tránh hoang mang về việc tăng giá để kiểm soát hiệu quả lạm phát.

Diễn biến giá cả mặt hàng nguyên vật liệu cơ bản, xăng dầu, sắt thép, hóa chất, phân bón, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng nhanh và mạnh đang đe dọa đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2022.

Ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng cho rằng kịch bản xấu về năng lượng không thể nào đoán trước được. Chúng ta rất khó có thể kiểm soát do phụ thuộc hoàn toàn vào quốc tế. Giá dầu đang vượt so với kịch bản bình quân đưa ra là trên 50%. Khi giá dầu ở mức 100-125 USD/thùng thì giá xăng trong nước sẽ tăng 40% và lạm phát tăng 1,44-2,7%.

Ngoài xăng dầu, chúng ta còn phải tính đến một vấn đề nữa là Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách Zero Covid, do đó, Trung Quốc đã phong tỏa rất nhiều thành phố, dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, khan hiếm nguyên vật liệu lớn, làm tăng giá.

Theo kịch bản mô phỏng, nếu xăng dầu tiếp tục tiến tới mức 140 USD/thùng thì lạm phát bình quân năm nay vẫn có thể ở mức 4%, nhưng lạm phát so với cùng kỳ sẽ vượt 4% ngay trong tháng 8 và tháng 9 và cuối năm có thể trên 7%. Điều này rất nguy hiểm ở chỗ gây ra kỳ vọng lạm phát và áp lực lớn hơn nữa cho điều hành, kiểm soát lạm phát năm 2023.

“Tôi đang ở TP.HCM và thấy rằng, thị trường đang bị ảnh hưởng rất nhiều từ nguồn vật liệu của Trung Quốc. Rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nguồn cung rất căng thẳng, giá thì rất khó đoán. Cần điều chỉnh phù hợp về mục tiêu 4% để tránh kích hoạt tâm lý kỳ vọng lạm phát. Thà điều chỉnh sớm thì tránh được tâm lý kỳ vọng tốt hơn, thể hiện sự linh hoạt với thị trường và giảm áp lực cho nhà quản lý, tránh kỳ vọng từ người dân”, ông Trung nhấn mạnh.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Phương án nào để kiểm soát lạm phát trong cơn "bão giá"?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới