Phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia
Các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đang hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường.
Hoạt động kinh tế của Việt Nam từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa vào cách tiếp cận truyền thống, đó là kinh tế tuyến tính. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Để khắc phục những vấn đề này, các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đang hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường.
Vào đầu năm 2020, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng đã phát trên trang web của mình lời kêu gọi “Thế giới đang cần một nền kinh tế tuần hoàn. Hãy giúp chúng tôi biến điều đó thành hiện thực”.
Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Kinh tế tuần hoàn đem lại 4 lợi ích cơ bản thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực, bao gồm: Tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội.
Phát biểu về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho rằng, đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành kia, đồng thời góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Mô hình kinh tế tuần hoàn đưa một phần hoặc toàn bộ chất thải về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và sử dụng lại, do đó, góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
“Phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt, đây là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Trên thực tế, Việt Nam tuy đạt được những thành quả về phát triển bền vững nhưng cũng đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn, nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch cạn kiệt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho tái chế.
Theo PGS. TS Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thách thức chủ yếu là sự nhận thức đúng bản chất của kinh tế tuần hoàn, kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế; Chưa có hành lang pháp lý; Chưa có bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá.
Trong khi đó, kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự phối hợp chia sẻ, gắn kết các bên liên quan, đòi hỏi có đội ngũ chuyên gia giỏi và đòi hỏi có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế.
Do vậy, để phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng, triển khai nghiên cứu sâu rộng; Phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương; Tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường.
“Cần tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, gắn với công nghệ cao và cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cần có lộ trình và ưu tiên. Vấn đề cần phải giải quyết ngay đối với Việt Nam là phân loại rác tại nguồn”, PGS. TS Nguyễn Thế Chinh cho biết.
Cẩm Anh