Thứ bảy, 23/11/2024 11:37 (GMT+7)
Thứ sáu, 18/12/2020 14:20 (GMT+7)

Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Sáng 18/12, Sở Công Thương TP.Đà Nẵng tổ chức hội thảo chuyên đề “Kinh tế tuần hoàn – Mô hình phát triển bền vững cho doanh nghiệp TP.Đà Nẵng”.

Chủ đề chính của hội thảo xoay quanh việc xây dựng phát triển kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp tại TP.Đà Nẵng với nhiều tham luận được đúc kết từ nghiên cứu, kinh nghiệm của chuyên gia, doanh nghiệp như: vai trò của chuyển đổi số trong nền kinh tế tuần hoàn; Du lịch Đà Nẵng hướng đến du lịch xanh; kinh tế tuần hoàn - những bước đi ban đầu cho một tương lai lâu dài của TP.Đà Nẵng; bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hướng đến thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn… Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay, phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt.

Việt Nam tuy đạt được những thành quả về phát triển bền vững nhưng cũng phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn, nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch cạn kiệt.

Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Internet)

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho tái chế. Vì thế, lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn là một tất yếu để thực hiện mục tiêu sản xuất, tiêu dùng bền vững, tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là nguyên vật liệu sản xuất. Nhằm mục đích thúc đẩy thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam nói chung và TP.Đà Nẵng nói riêng, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 5638/KH-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2020 về thực hiện “Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn TP.Đà Nẵng”; trong đó, xác định mục tiêu thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam nói chung - ông Hồ Kỳ Minh chia sẻ.

Đề cập đến những thách thức cho sự phát triển kinh tế tuần hoàn ở Đà Nẵng, PGS.TS Đào Hữu Hòa cho rằng, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại một số lợi ích cho môi trường, nền kinh tế và doanh nghiệp, cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, có một số rào cản khiến cho mô hình này chậm phát triển; trong đó, thách thức đầu tiên liên quan đến lợi ích tài chính. Việc áp dụng mô hình này thường khiến các doanh nghiệp phải tốn thêm các chi phí ban đầu, điều này giảm khả năng cạnh tranh, giảm lợi nhuận. Ngoài ra, mô hình này còn có rào cản “cấu trúc”.

Việc chuyển đổi cấu trúc tổ chức quản lý, điều hành doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn có thể dẫn đến rối loạn, rủi ro cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mô hình còn gặp thách thức về “hoạt động” thể hiện sự khó khăn trong việc giải quyết, kiểm soát quá trình trong chuỗi giá trị. Thách thức về công nghệ cũng là một trong những rào cản lớn đối với kinh tế tuần hoàn. Đưa ra một số giải pháp cho việc xây dựng kinh tế tuần hoàn tại TP.Đà Nẵng, PGS.TS Bùi Quang Bình - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đề xuất, thành phố cần xây dựng lộ trình chi tiết, rõ ràng cho quá trình chuyển đổi phát triển doanh nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn; xác định ưu tiên trong phát triển dựa trên nhu cầu thị trường và đòi hỏi của xã hội.

Ưu tiên trước hết là giảm thiểu chất thải nhựa và túi nilon phát thải ra môi trường và đưa vào quy hoạch, kế hoạch 5 năm (2021-2025). Ngoài ra, thành phố cần có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo mô hình này áp dụng công nghệ sạch, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải; trong đó, chất thải phải là nguồn tài nguyên xét cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng. Bên cạnh đó, thành phố định hướng doanh nghiệp phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0. Đổi mới công nghệ là cốt lõi, là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Công nghệ mới sẽ giúp việc thực hiện mô hình này hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên, đồng thời tạo được cơ hội việc làm mới... Kinh tế tuần hoàn về cơ bản là một mô hình kinh tế chú trọng tới việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Theo mô hình này, các tài nguyên tự nhiên, đầu vào được kết hợp với nhau trong sản xuất ra hàng hóa dịch vụ, có sự kết nối điểm cuối của quá trình xuất trở lại với điểm đầu, thậm chí khôi phục và tái tạo các vật chất ở cuối mỗi vòng sản xuất bảo đảm giữ cho tài nguyên dưới dạng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể. Kinh tế tuần hoàn sẽ bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên thông qua việc sử dụng hợp lý và tái tạo tài nguyên, tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình; nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách tối thiểu hóa các ngoại ứng tiêu cực thông qua thiết kế chất thải.

Võ Văn Dũng

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới