Thứ sáu, 29/03/2024 13:33 (GMT+7)
Thứ hai, 06/06/2022 20:55 (GMT+7)

Phát triển kinh tế biển, đảo bền vững trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh

Theo dõi KTMT trên

Vấn đề biển, đảo luôn có ý nghĩa quan trọng đối với mọi quốc gia. Bởi biển, đảo có vai trò chiến lược cả về kinh tế lẫn quốc phòng.

Trong trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với nguyên tắc nhất quán về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thì cũng xuyên suốt quan điểm: Biển ta là “biển bạc”, biển nước ta dài và rộng, chứa nhiều tài nguyên phong phú và quý hiếm, là nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phát triển kinh tế biển, đảo bền vững trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh - Ảnh 1
Bác Hồ trong một chuyến đến thăm cán bộ chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam trên đảo Vạn Hoa – 1962 (Nguồn ảnh: BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Giữ gìn “rừng vàng, biển bạc”

Nhận thức được tầm quan trọng của biển, đảo nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm định hình tư duy hướng biển và việc bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo. Tư tưởng của Người là phải làm chủ tiềm năng của biển, bảo vệ biển và khai thác các nguồn lợi từ biển để phục vụ cho sự phát triển đất nước và đời sống của nhân dân.

Tài liệu của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam ghi lại: Năm 1961, khi Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ hải quân, Người căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. 

Phát triển kinh tế biển, đảo bền vững trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh - Ảnh 2
Bác Hồ hướng dẫn các vị khách nước ngoài thăm vùng biển nước ta ngày 22/1/1962. (Nguồn ảnh: quangbinh.gov.vn)

Lời căn dặn của Bác với các chiến sĩ Hải quân ngày ấy ẩn chứa sâu xa luận điểm của Người. Đó là sự khái quát rất ngắn gọn và dễ hiểu về lịch sử truyền thống về Tổ quốc, về tiềm năng của biển nước ta và trách nhiệm của mọi thế hệ người Việt Nam phải biết khai thác, quản lý và bảo vệ biển.

Khẳng định về vị trí, vai trò của biển, đảo, Người đã đưa ra hình ảnh gần gũi mà dễ hiểu với toàn dân: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?... Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”(Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 311).

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 20/10/2018, hiện cả nước có 19 khu kinh tế ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845 nghìn ha. Các dự án khai thác điện gió, điện mặt trời đã phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam. Các dự án điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, cùng với các dự án điện gió ven biển tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh),… triển khai và bước đầu hoạt động hiệu quả.

Cùng với tài nguyên biển, đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tài nguyên rừng. Nhiều lần Người đã nói, đất nước ta có “rừng vàng, biển bạc”. Trong “Bài nói chuyện tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 28/11/1959”, Người khẳng định: “Nước ta có rừng vàng biển bạc”, nhân dân ta cần cù”. Rồi trong “Bài nói chuyện tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa 3, ngày 16/4/1962”, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt; rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu”...

Phát triển kinh tế biển, đảo bền vững trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh - Ảnh 3
Lễ Thượng cờ trước tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) ngày 26/4/2022.

Đặc biệt, xuyên suốt trong luận điểm “rừng vàng, biển bạc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo vệ biển, đảo, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên quý giá cho thế hệ sau. Người nói: “Ta thường nói rừng vàng, biển bạc. Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý” (Bài nói chuyện tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi, ngày 31/8/1963). Còn trong “Bài nói chuyện với nhân dân và cán bộ tỉnh Hà Bắc, ngày 17/10/1963”, Người nhấn mạnh: “Tục ngữ ta có câu “rừng vàng, biển bạc”. Gây rừng và bảo vệ rừng là rất cần thiết. Hiện nay tỉnh ta còn cái tệ phá rừng, thế thì khác nào đem vàng đổ xuống biển?”…

Phát triển kinh tế xanh từ “biển bạc”

Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về biển, đảo, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng các thế trận quốc phòng toàn dân trên các vùng biển, đảo. Đảng ta đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 20/10/2018) đã đưa ra tầm nhìn xa nhất so với tất cả các chiến lược hiện có. 

Phát triển kinh tế biển, đảo bền vững trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh - Ảnh 4
Năng lượng tái tạo là một trong những ngành kinh tế biển chủ lực. (Trong ảnh: Nhà máy điện gió Trung Nam tại Ninh Thuận là nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay)

Tầm nhìn xa là bằng chứng cho thấy mức độ ưu tiên cao và tầm quan trọng tăng lên của vị trí, vai trò cũng như tính chất dài hạn của chiến lược biển giai đoạn mới so với các chiến lược khác trong phát triển kinh tế Việt Nam. Nó còn cho thấy tư duy vượt trội về kinh tế biển trong giai đoạn phát triển mới.

Về quan điểm phát triển, Đảng ta xác định phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km chưa bao gồm các đảo chạy dọc từ Móng Cái ở phía Bắc tới Hà Tiên ở phía Tây Nam; dân số 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm gần 50% dân số của cả nước. Quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển chính ở Việt Nam gồm năng lượng tái tạo, dầu khí, thủy hải sản, du lịch, vận tải biển, môi trường, đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái.

Để phát triển kinh tế biển bền vững, tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu, cần chú ý kết hợp chặt chẽ giữa phát triển bền vững kinh tế biển với xây dựng xã hội gắn kết hài hoà với biển. Các cấp ngành, địa phương phải kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, nhất là chất thải nhựa đại dương. Ở các tỉnh, thành phố ven biển, chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển có hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường và được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Phát triển kinh tế biển, đảo bền vững trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh - Ảnh 5
Kinh tế biển xanh là sự bảo đảm sinh kế biển bền vững, tăng thu nhập cho người dân, khai thác tài nguyên hợp lý, ít ảnh hưởng đến môi trường, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. (Ảnh minh họa)

Tổng Bí thư cũng lưu ý, cần chú trọng các lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên: Phát triển du lịch biển, đảo; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản khác; nuôi trồng, khai thác thủy hải sản và phát triển hạ tầng nghề cá; phát triển công nghiệp đóng tàu; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế mới. Tập trung đầu tư có hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối vùng đồng bộ làm nền tảng đột phá để phát triển vùng biển, ven biển trở thành điểm đến của thế giới, đồng thời là cửa ngõ vươn ra thế giới.

Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 12/5/2022 cho thấy, nếu áp dụng kịch bản xanh thì đến năm 2030, kinh tế biển sẽ đạt giá trị 538.000 tỷ đồng, tương đương 23,5 tỷ USD; lắp đặt được 10.000 MW các nguồn năng lượng tái tạo; thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế 8 - 10%/năm và khách nội địa 5 - 6%/năm; lĩnh vực vận tải hàng hải tăng lên 20,6% thị phần… 

Khánh Thư

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế biển, đảo bền vững trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Thủ đô sẽ nghiên cứu hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống đường tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.