Thứ năm, 25/04/2024 12:20 (GMT+7)
Thứ hai, 31/01/2022 07:35 (GMT+7)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự sẻ chia của người Việt

Theo dõi KTMT trên

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét: “Hồ Chí Minh là một con người bình thường, nhưng đó là con người rất người, nghĩa là rất giàu tình người, chất người”.

Cố Thủ tướng cũng khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần sẻ chia của người Việt, ông viết: “Hồ Chí Minh luôn sống giữa cuộc đời, và không có cái gì thuộc về con người lại xa lạ đối với Hồ Chí Minh. Người quan tâm săn sóc tư tưởng, công tác, đời sống của từng người, việc ăn, mặc, ở, học hành, giải trí của mỗi người bạn thủa hàn vi đến những người quen mới, có quên chăng thì chỉ quên mình”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự sẻ chia của người Việt - Ảnh 1
Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc tết đồng bào tỉnh Hà Bắc (Xuân Đinh Mùi, 9/2/1967).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự sẻ chia của người Việt - Ảnh 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào và chiến sĩ thực hiện khẩu hiệu Thực túc binh cường, và hằng ngày Người dành thời gian tăng gia sản xuất.

Đúng như nhận xét của cố Thủ tướng, nhìn lại suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy Người lúc nào cũng chỉ lo cho nước, cho dân, trăn trở cách giải quyết nỗi lo, nỗi đau của tất cả người dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quên đi bản thân, tạm quên trách nhiệm với gia đình để hiến mình cho đất nước. Người chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi với tất cả người cần sự quan tâm. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự sẻ chia của người Việt - Ảnh 3
Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quai Chảo, xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, Hà Đông (12-1-1958).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự sẻ chia của người Việt - Ảnh 4
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954).

Ngay sau Cách mạng tháng Tám, trong những ngày đầu của chính quyền non trẻ, Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Hồ Chí Minh đã nghĩ ngay đến mối lo lớn nhất của đất nước: Nạn đói do phát xít Nhật gây ra, đã khiến 2 triệu người Việt chết đói. Người xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ lúc bấy giờ là diệt giặc đói. Có lẽ không có Chính phủ nào như Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà ngay sau khi vừa thành lập, tại phiên họp đầu tiên diễn ra vào ngày 3/9/1945, Chủ tịch Chính phủ đã yêu cầu các thành viên Chính phủ… thực hành nhịn đói để cứu dân. Trong 6 vấn đề cấp bách cần Chính phủ lâm thời giải quyết, theo Chủ tịch, quan trọng nhất là mở ngay một cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo.

Người biết, hàng triệu đồng bào ta tuy tạm thời thoát được đại nạn, nhưng cũng đang bị cơn đói giày vò. “Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống”, biên bản phiên họp Chính phủ viết rõ. Do đó, Chủ tịch chỉ đạo Chính phủ ngay lập tức phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất… Tuy nhiên, tăng gia sản xuất lương thực phải qua vài tháng mới có kết quả, để cứu trợ ngay cho đồng bào, cần nhất là sự sẻ chia của nhân dân, của người có điều kiện để giúp đỡ người đói. Người nói: “Tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên”. Hành động sẻ chia được Người hướng dẫn cụ thể: “Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự sẻ chia của người Việt - Ảnh 5
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô 1-”, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành Công nghiệp Hà Nội (19/12/1963).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự sẻ chia của người Việt - Ảnh 6
Người chăm sóc cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng (1957).

Để cổ vũ tinh thần cứu đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết bài “Sẻ cơm nhường áo” đăng trên báo Cứu Quốc số 53 (ra ngày 28/9/1945), có đoạn: “Lúc chúng ta bưng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước. Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo. Như vậy thì những người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói. Tôi chắc rằng, đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ cứu nạn mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nói trên…”.

Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự chung tay của toàn dân, chỉ đến hết năm 1945, nạn đói ở nước ta cơ bản đã được giải quyết. Bên cạnh đó, Chính phủ lâm thời quyết tâm sẻ chia kiến thức cho toàn dân, với chiến dịch diệt giặc dốt cũng được phát động song song. Người biết chữ dạy người chưa biết chữ, với phong trào “Bình dân học vụ” diễn ra sâu rộng, chỉ trong vòng 1 năm, đã có 2,5 triệu người dân đất nước vừa thoát vòng nô lệ đã thoát cảnh mù chữ.

Khi đất nước đã hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nghĩ đến những người dân nghèo, đặc biệt là những người nghèo nhất. Câu chuyện diễn ra Tết Nhâm Dần cách đây tròn 60 năm (1962), khi người đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Tín ở ngõ Hàng Chĩnh, phố Lý Thái Tổ, Hà Nội là minh chứng rõ nét. Xót xa trước cảnh nhà đơn sơ, tuềnh toàng của người mẹ đêm giao thừa vẫn phải đi gánh nước thuê kiếm tiền, trong nhà không hề có không khí Tết, Chủ tịch đã nhẹ nhàng nhắc nhở chính quyền và bà con khu phố phải biết quan tâm, chia sẻ với nhau. Người cũng tự phê phán: "Đây là Bác muốn nói về tinh thần lá lành đùm lá rách trong khu phố nhưng cái lớn nhất vẫn là trách nhiệm của Chính phủ”.

Trở về nơi ở, tiếp các vị lãnh đạo cao nhất đến chúc Tết, Chủ tịch đã câu nói thể hiện sâu sắc tư tưởng vì dân của Người: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; Nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự sẻ chia của người Việt - Ảnh 7
Người cùng kéo lưới với bà con ngư dân ở vùng biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa (7/1/1960).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự sẻ chia của người Việt - Ảnh 8
Người cuốc đất, trồng rau trong vườn Phủ Chủ tịch.

Trong giai đoạn chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chia sẻ những nỗi đau, mất mát với những gia đình có người thân ngã xuống vì đất nước. Trong thư gửi các thương binh, gia đình có công với cách mạng, người viết đầy xúc động: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”.

Để vơi đi nỗi vất vả của những gia đình thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng kêu gọi sự sẻ chia trong đồng bào cả nước. Người khuyến khích: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa, để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống giặc ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp các chiến sĩ bị thương”. Với tinh thần đó, chính Chủ tịch là người nêu gương, tiên phong đi đầu tỏ lòng quan tâm đến thương binh: “Tôi xin xung phong gửi một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng” đến quỹ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự sẻ chia của người Việt - Ảnh 9
Người đi thăm bà con nông dân tỉnh Bắc Kạn đang thu hoạch lúa mùa năm 1950.

Người cũng nhắc nhở các địa phương: “Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương… phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào tinh thần sẻ chia của người Việt. Trong bài viết “Tự phê bình” đăng báo Nhân dân ngày 20/5/1951, Người khẳng định “nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa như thế”.

Là lãnh đạo cao nhất của Đảng, của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lo nỗi lo lớn của dân tộc. Người nói “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Đặc biệt, Chủ tịch đau lòng khi chứng kiến cảnh nước nhà chưa thống nhất, nhân dân ta phải trải qua cuộc chiến tranh gian khổ: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự sẻ chia của người Việt - Ảnh 10
Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp nơi trong cả nước, nhân dân tích cực góp gạo chống giặc đói. (Ảnh tư liệu)

Không chỉ yêu thương, chia sẻ với đồng bào, với tình nhân ái bao la, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ lo cho những binh lính, thường dân Pháp bị bắt làm tù binh, thậm chí người sẵn sàng cởi chiếc áo khoác đang mặc để khoác lên mình người tù binh Pháp đang run lên vì lạnh. 

Bên cạnh những lời dạy cán bộ, nhân dân sẻ chia vật chất cho những người khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở mọi người luôn sẻ chia kinh nghiệm, kiến thức cho đồng nghiệp. Tháng 3 năm 1963, khi thăm Hải Phòng, nói chuyện với một nữ chiến sĩ thi đua Bệnh viện Việt Tiệp, người nhắc nhở các cán bộ phải học thêm văn hóa và chia sẻ tri thức, kỹ thuật với nhau. Ngoài ra, Người chia sẻ kinh nghiệm giữ gìn sức khỏe, khuyến khích toàn dân tích cực luyện tập thể dục, thể thao, Người viết: “Tự tôi ngày nào cũng tập”.

Khi Người qua đời, tổng kết lại những di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, trong Điếu văn đọc tại Lễ tang của Người, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng Lê Duẩn đã khẳng định: “Cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng, đó là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân tha thiết”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; Nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.

Lê Tiên Long

Bạn đang đọc bài viết Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự sẻ chia của người Việt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.