Phát triển giao thông xanh: Nhìn thẳng những điểm nghẽn
Việc tổ chức giao thông, quản lý phương tiện vận tải mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song chưa đáp ứng được yêu cầu giảm ùn tắc tại các đô thị lớn ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, gia tăng ô nhiễm môi trường, giảm chất lượng cuộc sống của người dân.
Thiếu đồng bộ ở nhiều quốc gia
Phát biểu tại Diễn đàn Giao thông bền vững môi trường lần thứ 12 (diễn ra tại Hà Nội từ 28 - 31/10), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thẳng thắn nhìn nhận: “Hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn cản trở sự phát triển bền vững của Việt Nam”.
Theo Phó Thủ tướng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tuy đã được tập trung đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ. Việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải tại các đô thị lớn còn chậm so với nhu cầu phát triển, tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông đô thị còn thấp. Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện cá nhân liên tục tăng nhanh tại các đô thị, giao thông công cộng phát triển còn chậm, chưa tương xứng, sự kết nối giữa các loại hình giao thông còn chưa hiệu quả.
Chất thải từ hoạt động giao thông là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Hoàng Minh |
Chung tình trạng này, chia sẻ tại các phiên họp liên quan, ông A.Sunil Jayaweer - chuyên gia thuộc Bộ Giao thông và Hàng không dân dụng (Sri Lanka) cho biết, ở nước này, chỉ có 5% người dân sử dụng đường sắt công cộng, hơn 90% vẫn đang sử dụng các phương tiện khác, trong đó, nhiều nhất là phương tiện cá nhân. “Chúng tôi gặp phải vấn đề tắc nghẽn giao thông rất nghiêm trọng, bởi lưu lượng phương tiện di chuyển từ các vùng ven thành phố vào nội đô rất cao”, ông A.Sunil Jayaweer phản ánh.
Còn tại Bangladesh, ông Nurul Quadir - Thư ký của Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu thông tin, hệ thống giao thông là một trong những rào cản phát triển của nước này. “Chúng tôi thiết hụt công nghệ và năng lực để phát triển giao thông”, ông Nurul Quadir nói.
Không thể chần chừ…
“Thời gian không phải là một người bạn. Phát triển hệ thống giao thông phát thải thấp, giao thông xanh là việc cần làm ngay, khi nó đáp ứng kỳ vọng của cả Chính phủ và người dân về một sự chuyển đổi về hạ tầng đảm bảo an toàn môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là yêu cầu đặt ra để các quốc gia Châu Á đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Holger Dalkmann - nhà sáng lập và điều hành Sustain 2030 (Cộng hòa Liên bang Đức) nhấn mạnh tại Phiên họp với chủ đề: “Giao thông đô thị bền vững hài hòa đồng lợi ích với Chất lượng không khí -Tương lai ở châu Á”, diễn ra ngày 29/10.
Gợi ý cho việc phát triển giao thông xanh, ông Holger Dalkmann nói: “Giải pháp khả thi lúc này là sự đồng bộ, tích hợp giữa phương thức quản trị, cơ chế tài chính và đổi mới công nghệ. Cùng với đó, một kế hoạch dài hạn về cải thiện hệ thống giao thông cũng cần được xây dựng”.
Cũng từng đối diện với tình trạng ô nhiễm không khí, Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường xây dựng các tuyến đường sắt đô thị. Ông Yasuki Shirakawa - chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết,với chính sách xây dựng các tuyến đường sắt công cộng, hàng chục triệu người dân ở Tokyo đã từ bỏ phương tiện cá nhân, dẫn tới kết quả là hàng triệu tấn các bon được giảm tải mỗi năm.
Việc tổ chức giao thông, quản lý phương tiện vận tải mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song chưa đáp ứng được yêu cầu giảm ùn tắc. Ảnh: Hoàng Minh |
Trong khi đó, theo ông Sudar Budi Nugroho - Cán bộ phụ trách nghiên cứu đồng lợi ích chính sách của Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu Nhật Bản (IGES), cần hướng đến việc áp dụng các công nghệ sinh thái trong hoạt động giao thông, đào tạo lái xe sinh thái và tăng cường nhận thức về giao thông xanh ngay ở trong trường học. Bài học thu nhận được là muốn thành công trong xây dựng hệ thống giao thông xanh, cần có quá trình chuyển đổi mang tính đột phá, huy động các nguồn lực hiệu quả và gắn kết sự tham gia của các bên, giữa chính phủ - doanh nghiệp - người dân.
Đối với Việt Nam, vấn đề đặt ra ở Việt Nam là cần có sự gắn kết vai trò của chính quyền địa phương và của cộng đồng trong việc phòng ngừa, hạn chế sự gia tăng nhu cầu tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân, giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông tại các thành phố. Đồng thời, các địa phương cũng cần thúc đẩy các giải pháp giao thông thông minh bằng cách tích hợp mạng lưới quản lý giao thông hiệu quả như: Phát triển giao thông công cộng, thúc đẩy giao thông phi cơ giới kết hợp với tối ưu mạng lưới đường đô thị; ứng dụng công nghệ bãi đậu xe thông minh; quản lý nhu cầu vận tải bằng các giải pháp công nghệ.
Mỗi tháng, Hà Nội tăng thêm 27.000 phương tiện, còn TP. Hồ Chí Minh, có gần 9 triệu xe cộ với hơn 825.000 ô tô và 8,12 triệu xe máy thải khói ra môi trường mỗi ngày. Các chuyên gia xếp hạng, thị trường xe máy Việt Nam vẫn đứng thứ 4 trên thế giới và năm 2019, được dự đoán sẽ tăng trưởng khoảng 3 - 5% so với năm 2018. |
Đặc biệt, cần thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư (PPP) để thu hút nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; đổi mới cơ chế tài chính và cơ hội đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, thông minh, chất lượng và có sức chống chịu với biến đổi khí hậu, nhằm mang lại hiệu quả cho các thành phố và các vùng ven đô.