Thứ bảy, 27/04/2024 01:04 (GMT+7)
Chủ nhật, 04/07/2021 11:30 (GMT+7)

Phát triển bền vững ngành nông nghiệp cần những chiến lược dài hơi

Theo dõi KTMT trên

Nhiều chuyên gia nhận định, để phát triển nền kinh tế xanh, nông nghiệp xanh, bền vững chúng ta cần những chiến lược dài hơi và đồng bộ.

Trong buổi làm việc giữa đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ngân hàng thế giới (World Bank) mới đây, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để phát triển nền nông nghiệp bền vững chúng ta cần những chiến lược dài hơi và đồng bộ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đang đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để dự án phát triển thủy sản bền vững và thực phẩm nông nghiệp an toàn kịp tiến độ. Dự án phát triển thủy sản bền vững được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Thế giới (World Bank) phối hợp triển khai từ năm 2019. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án này, và xem đây là một trong những dự án giúp Việt Nam thoát thẻ vàng IUU.

Phát triển bền vững ngành nông nghiệp cần những chiến lược dài hơi - Ảnh 1
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng mang lại thu nhập cao cho người dân xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. (ảnh: Lan Chi)

Ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban quản lý các dự án Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngành nông nghiệp đang phối hợp chặt chẽ để lập báo cáo tiền khả thi cho dự án phát triển thủy sản bền vững. Với hợp phần của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị tư vấn đã được chốt. Dự kiến, Bộ sẽ trình Chính phủ duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 30/9.

Bà Nguyễn Thu Lan, Chuyên gia cao cấp về kinh tế môi trường của Ngân hàng Thế giới cho  rằng đầu tư vào nông nghiệp là việc cấp bách, nhưng cần chiến lược dài hơi và quyết tâm lớn từ các bên.

Đánh giá về việc phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện môi trường, ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng cho biết, những năm qua, nông nghiệp Lâm Đồng có bước phát triển vượt bậc về quy mô, năng suất, giá trị, thu nhập trên một đơn vị diện tích và cả nguồn nhân lực (hiện giá trị sản xuất bình quân đạt 185 triệu đồng/ha/năm, tăng 27,5% so với năm 2016. Năng suất lao động trong nông nghiệp bằng 1,26 lần và giá trị sản phẩm trên 1 ha bằng 1,84 lần so với cả nước).

Lâm Đồng đã khẳng định vị thế là một trong những địa phương đi đầu cả nước về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và lực lượng sản xuất trong nông nghiệp phát triển mạnh với mô hình “doanh nghiệp là nòng cốt, ứng dụng khoa học công nghệ là điều kiện tiên quyết; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững; xây dựng thương hiệu để bảo hộ quyền lợi người sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng; nông dân đóng vai trò chủ thể”.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, thời gian qua, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp đã làm thay đổi tư duy, nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân kể cả ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, đã xuất hiện “nông dân thế hệ mới” dám nghĩ dám làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, bỏ vốn đầu tư, chủ động khai thác thị trường, liên kết sản xuất tạo ra chuỗi giá trị tham gia có hiệu quả vào thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Cũng theo ông Quận, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và hữu cơ trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, quy hoạch và mở rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao với tất cả các loại cây trồng, vật nuôi; tổng kết, đánh giá các mô hình xen canh, tái canh để tiếp tục phát huy các mô hình hiệu quả. Xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Phát triển bền vững ngành nông nghiệp cần những chiến lược dài hơi - Ảnh 2

Lâm Đồng đột phá bằng nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Khải Minh

"Quy hoạch phát triển mạnh vùng trồng cây dược liệu và phát triển ngành công nghiệp chế biến dược phẩm, thực phẩm chức năng bằng nguyên liệu tại chỗ phù hợp với điều kiện từng vùng. Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống nhà kính, nhà lưới hạn chế ảnh hưởng cảnh quan, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện môi trường", ông Quận nói.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mô hình phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện môi trường của tỉnh Lâm Đồng cần được nhân rộng và áp dụng cho các địa phương khác theo hướng có chọn lọn để phát triển bền vững.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu của nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu. Quảng Bình có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao, như: đất đai, khí hậu, nhân lực dồi dào. Tỉnh rất cần các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều tỉnh thành khác cũng đã áp dụng nền sản xuất công nghệ cao để ứng phó với biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu sản xuất trong tình hình mới.

Xuân Hòa

Bạn đang đọc bài viết Phát triển bền vững ngành nông nghiệp cần những chiến lược dài hơi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới