Ô nhiễm không khí ở châu Á: Hiểm hoạ từ các nhà máy điện than
Khí thải từ các nhà máy nhiệt điện than là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí chính ở nhiều quốc gia châu Á. Ô nhiễm từ than ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của con người, gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư, đau tim, và dẫn đến chết sớm.
Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia là ba quốc gia có sản lượng và mức tiêu thụ than cao nhất khu vực và thế giới. Đây cũng là những quốc gia có chất lượng không khí kém nhất thế giới, có số người tử vong liên quan đến ô nhiễm từ than cao nhất. Trong khi Trung Quốc và Ấn Độ đã triển khai các hành động cần thiết để giảm sự lệ thuộc vào than đá, Indonesia vẫn chưa tìm được hướng đi.
Người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi các nhà máy nhiệt điện than biểu tình trước văn phòng Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia ở Jakarta. Những người biểu tình yêu cầu chính phủ chuyển từ than đá sang năng lượng tái tạo. (Ảnh: Mongabay) |
Nhu cầu về than ngày càng tăng
Dù các chiến lược hành động chống biến đổi khí hậu (BĐKH) ra sức kêu gọi các quốc gia thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, nhu cầu về than ở các nước châu Á vẫn gia tăng. Báo cáo về tình hình ngành công nghiệp than đá toàn cầu do Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) thực hiện năm 2018, dự báo đến năm 2023 cho thấy nhu cầu về than đá vẫn rất mạnh mẽ, đặc biệt là các quốc gia ở châu Á. Cụ thể, sản xuất điện bằng than tăng 3% trong năm 2017, chiếm 38% tổng hỗn hợp năng lượng toàn cầu.
Trong khi nhu cầu sử dụng than ở Mỹ và châu Âu giảm thì các quốc gia ở châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc lại có xu hướng sử dụng nhiều than hơn. Ấn Độ đang có mức tăng nhu cầu về than hằng năm cao nhất, lên đến 3,9%. Quốc gia này cũng đang đứng thứ 3 thế giới về công suất điện than, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.
Theo kế hoạch Điện lực quốc gia của Chính phủ Ấn Độ, công suất điện than sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đạt 238 GW vào năm 2027. Dù được dự báo là sẽ giảm trong những năm tới nhờ các chính sách kích cầu sử dụng năng lượng tái tạo của chính phủ, nhu cầu về than ở Trung Quốc vẫn đang ở mức cao, chiếm 50% lượng tiêu thụ than của thế giới. Các nhà máy nhiệt điện than tạo ra gần 75% điện năng của quốc gia này và sẽ tiếp tục giữ tỉ lệ lớn đến năm 2030.
Chiến lược năng lượng quốc gia của Nhật Bản đến năm 2030 cho thấy, than đá vẫn đóng vai trò quan trọng, trong khi nếu thực hiện đúng cam kết trong Thỏa thuận khí hậu Paris đến thời điểm đó phần lớn nhà máy điện than phải được loại bỏ. Báo cáo về tình hình thực hiện Thỏa thuận Paris của Nhật Bản mới đây không đề cập đến than, trong khi một số nhà máy nhiệt điện than với công suất 9 GW vẫn tiếp tục được xây dựng.
Tại nhiều quốc gia châu Á, than đá được xem là nguồn năng lượng chính bởi sự dồi dào và giá thành rẻ. Nghiên cứu mới công bố trên Carbon Brief cho thấy, công suất điện than của Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia, Bangladesh, Pakistan và Philippines đã tăng gấp đôi trong vòng 2 thập niên kể từ năm 2000, đạt 202 GW năm 2019. Báo cáo của IEA dự báo rằng, nhu cầu về than sẽ tăng tại Pakistan và các quốc gia ở Đông Nam Á như Indonesia, Việt Nam, Philippines và Malaysia. |
Hiểm hoạ từ nhà máy điện than ngày càng lớn
Dù rất nhiều quốc gia ở châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, ký Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 với mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2 độ C, các nhà máy nhiệt điện vẫn là lực lượng nòng cốt tạo ra sản lượng điện của khu vực, chiếm đến 77,8%. Số lượng nhà máy nhiệt điện than ở các nước châu Á tăng đáng kể từ năm 2000 đến nay để đáp ứng nhu cầu về điện năng cùng với sự gia tăng dân số. Theo Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), khí carbon thải ra từ các nhà máy nhiệt điện là nguyên nhân hàng đầu gây ra BĐKH. Chất thải từ các nhà máy này là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm không khí và nước.
Khí thải từ các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm không khí, nguy hại đối với sức khoẻ con người. (Ảnh: Storymaps) |
Các nhà máy nhiệt điện than thường nằm gần nguồn nước do cần lượng nước lớn để làm mát máy móc trong quá trình hoạt động. Điều này dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của vùng, ảnh hưởng đến hình thái dòng chảy nếu không làm tốt công tác quản lý và điều tiết sử dụng nước. Chất thải có chứa thuỷ ngân từ các nhà máy nhiệt điện có thể nhiễm vào nước, nhiễm độc cá, làm tăng nguy cơ ngộ độc thuỷ ngân của cư dân trong vùng. Tro than còn chứa nhiều chất độc hại khác, là tác nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước của các vùng có nhà máy nhiệt điện than.
Khí thải từ các nhà máy điện than không chỉ khiến Thỏa thuận Paris khó đạt được mà các nhà máy này còn là mối nguy lớn đối với sức khỏe của cư dân xung quanh. Hầu hết các nhà máy điện than ở Đông Nam Á đều nằm gần khu vực đông dân cư. Điển hình như ở Cilegon, Indonesia, cả ba nhà máy nhiệt điện đều nằm ở khu vực có mật độ dân số cao. Người dân xung quanh các nhà máy nhiệt điện này là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi khi than bị đốt cháy, nó sẽ thải ra một số chất độc và các chất gây ô nhiễm không khí như chì, thuỷ ngân, lưu huỳnh đioxit, nitơ oxit, các loại hạt vật chất nhỏ và các kim loại nặng khác.
Nghiên cứu của Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) chỉ ra rằng, khí thải từ nhiệt điện than chứa các hạt vật chất nhỏ (hay còn gọi là bụi mịn) có thể xâm nhập vào phổi và máu của con người, gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ như ung thư, đau tim, rối loạn thần kinh, hen suyễn và chết yểu.
(Còn nữa)
Bài tiếp: Ngăn chặn hiểm họa ô nhiễm không khí ở châu Á: Năng lượng tái tạo 'lên ngôi'
Hoàn La