Nước nổi thấp, triều cường cao: Những thách thức không nhỏ cho ĐBSCL
Không chỉ về muộn, nước lũ thượng nguồn sông Mekong đổ về Đồng bằng sông Cửu Long những ngày gần đây thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm.
Người dân xã Vĩnh Lộc (An Phú, An Giang) tranh thủ con nước về thả lọp bắt cá. Ảnh: Công Mạo/TTXVN |
“Đây là cái cuối cùng rồi, được ba con” - anh Nguyễn Minh Ngà, 40 tuổi, làm nghề đặt lợp cá linh ở xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang, vừa đổ mấy con cá chỉ to hơn đầu đũa vào giỏ, vừa trò chuyện với phóng viên.
Không giấu được thất vọng khi 20 cái lợp chỉ thu về được khoảng nửa ký cá linh non, bằng 1/10 so với trước kia, anh Ngà cho biết từ đầu tháng 7 anh đã chuẩn bị sẵn các loại lợp, lưới, dớn… để bắt cá mưu sinh khi nước lũ tràn về như mọi năm.
Nhưng anh đợi, đợi mãi, hết tháng 8 rồi sang tháng 9 mà nước trên đồng vẫn chưa ngập qua đầu gối. Muốn thử vận may, anh Ngà đem lợp ra đặt thử nhưng nhanh chóng nhận ra thực tế là nước ít thì cá cũng ít.
“Chờ nước về mấy tháng nay nhưng lũ về trễ mà lại thấp; cá, tôm cũng ngày càng ít, chắc tôi phải tính đến chuyển nghề khác” - anh Ngà than vãn.
Không chỉ về muộn, nước lũ thượng nguồn sông Mekong đổ về Đồng bằng sông Cửu Long những ngày gần đây thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm.
Cụ thể, mực nước được ghi nhận vào ngày 28/10 tại trạm Tân Châu đạt mức 2,05m, thấp hơn trung bình nhiều năm là 3,4m, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với mực nước để đạt lũ là 4,5m.
Nước thấp đồng nghĩa với lượng phù sa, nguồn lợi thủy sản từ sông Mekong mang về đồng bằng rất ít so với những năm trước.
Trở lại thời điểm giữa tháng 7, nếu như mọi năm, nước từ thượng nguồn đã đổ về ngập trắng các cánh đồng ở miền Tây, tuy nhiên thông báo khi đó của Ủy hội sông Mekong xác nhận, mực nước lũ trên con sông này đang ở mức thấp nhất lịch sử 100 năm qua.
Mực nước tại các trạm như Chiang Sean (biên giới Lào-Trung Quốc), Luang Prabang, Vientiane và Pakse phía Nam Lào… đều thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm khô hạn 1992.
Thế nhưng, trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10, nhiều đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long như Long Xuyên, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long lại hứng chịu trận ngập lịch sử với mực nước được ghi nhận cao nhất trong hơn 40 năm qua.
Tại Cần Thơ, triều cường đã lập kỷ lục mới khi mực nước lên tới 2,25m, cao hơn báo động III 0,35m, gây ngập nặng hầu hết khu vực trung tâm thành phố, làm xáo trộn cuộc sống của người dân trong suốt mấy ngày liền.
Ở cồn Khương thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, nước từ sông Hậu đã tràn qua bờ đê bao vào gây ngập nhà cửa, vườn cây các hộ dân.
Ông Bùi Văn Hên, 70 tuổi, người dân Cồn Khương cho biết, trong đợt triều cường đó, căn nhà cũng là nơi kinh doanh quán ăn của ông bị ngập hoàn toàn, nơi sâu nhất hơn 1m. Đồ đạc được ông di dời ra để tạm ngoài đường, chờ nước rút.
“Năm nào khi tới mùa triều cường là chỗ này đều ngập như vậy. Nước tràn vào thì nhanh nhưng thoát ra chậm lắm, buổi sáng chưa rút xong là lại tới con nước chiều. Việc kinh doanh của gia đình tôi phải ngưng lại cả tháng,” ông Hên nói.
Theo thống kê, 5 quận của thành phố Cần Thơ có 129 tuyến đường bị ngập. Cụ thể, Ninh Kiều có 61 tuyến ngập từ 0,2-0,4m, Bình Thủy có 14 tuyến, Thốt Nốt có 34 tuyến, Cái Răng và Ô Môn cũng có 10 tuyến bị ngập.
Nguyên nhân gây ngập vì Cần Thơ được bao bọc bởi mạng lưới sông ngòi chằng chịt, với 3 con sông lớn là sông Hậu, sông Cần Thơ và kênh Cái Sắn, nên chịu tác động của triều cường gây ngập lụt.
Thu hoạch được cá mồi và cá linh non. Ảnh: Chương Đài/TTXVN |
Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long nhận định, các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đã khiến thời tiết vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở nên cực đoan hơn.
Những năm bình thường, thủy điện làm giảm lũ, tăng dòng chảy mùa khô, làm giảm hạn mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những năm lũ cao, thủy điện xả lũ, gây lũ chồng lũ; còn những năm khô hạn, thủy điện tích nước, làm chậm đường đi của nước xuống khu vực hạ lưu.
Với thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, chuyên gia này dự báo đến năm 2020 tác động của các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong sẽ làm giảm lượng phù sa và lượng cát sỏi đổ về Đồng bằng sông Cửu Long, khiến khu vực đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng.
Dẫn số liệu từ Ủy hội sông Mekong, ông Thiện cho biết năm 1992, tổng lượng phù sa của sông Mekong mang xuống hạ nguồn lên đến 160 triệu tấn/năm, nhưng đến năm 2014 chỉ còn 82 triệu tấn/năm.
Khi 11 đập trên dòng chính của sông được hoàn thành thì còn 42 triệu tấn năm và khi xong hết các đập ở các chi lưu thì lượng phù sa bị giữ lại ở tất cả những con đập này là 96%.
Nếu thực tế đó diễn ra thì bức tranh tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ảm đạm hơn rất nhiều. Bởi khi đó, xâm nhập mặn sẽ sớm hơn, mùa lũ về muộn hơn và thiếu nước.
Về mặt xã hội, những tác động tiêu cực này sẽ đẩy nhanh quá trình di cư ở đồng bằng khi mà khu vực trù phú, màu mỡ này còn có nguy cơ tan rã, suy thoái.
Giải thích về hiện tượng các đô thị trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên tục ngập nặng khi triều cường dâng trong những năm qua, ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, tình trạng này là do con nước ròng cuối tháng 8 âm lịch gặp nước lũ cuối mùa; nước biển dâng 3mm/năm; sụt lún ở đồng bằng đang diễn ra nhanh gấp 3-4 lần, có nơi diễn ra nhanh gấp 10 lần khiến nước biển dâng và những con sông trong vùng đang mất đi không gian vốn có.
Các yếu tố này góp phần gây ngập nặng trong các khu vực đô thị. Một nghiên cứu của Đại học Utrecht (Hà Lan) tiến hành tại Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy tình trạng khai thác nước ngầm đang ở mức báo động đối với khu vực này, không chỉ gây ra sụt lún với tốc độ nhanh chóng mà còn làm nguy cơ xâm nhập mặn gia tăng trong thời gian tới vào sâu trong nội đồng.
Ngoài ra, mức độ sụt lún ở khu vực này cũng nhanh hơn mực nước biển dâng, tất cả những vấn đề này đều do con người gây ra, điển hình như đô thị hóa, mật độ dân cư cao khiến khai thác nước ngầm nhiều làm cho sụt lún diễn ra nhanh hơn.
Bên cạnh đó, khai thác nước ngầm để phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng khiến tình trạng sụt lún diễn ra nhanh hơn và lượng nước ngầm giảm nhanh ở một số tỉnh như Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Tiến sỹ Piet Hoekstra của Đại học Utrecht cho biết, việc xây dựng các đập và hồ chứa nước ở thượng nguồn và khai thác cát quy mô lớn trên các con sông để phục vụ xây dựng làm đói nguồn phù sa, tác động đến môi trường, tăng nguy cơ lũ lụt, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển và làm mất năng suất nông nghiệp cũng như nuôi trồng thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Những thách thức đặt ra cho Đồng bằng sông Cửu Long là không hề nhỏ. Phù sa từ thượng nguồn sụt giảm, khai thác cát, xói lở bờ sông, bờ biển và suy thoái lòng đất diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, tốc độ sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 2–4 cm mỗi năm và quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn. Dự báo đến năm 2050, khoảng 60% diện tích của bán đảo Cà Mau sẽ thấp hơn mực nước biển và nguyên nhân chính là do khai thác nước ngầm, gây ra ngập úng, xâm nhập mặn, suy thoái đất…
Vì vậy, vấn đề quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước phải được kiểm soát chặt chẽ để cứu lấy nơi sinh sống của gần 20 triệu dân này. Ngoài ra, cũng cần thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp để ít tác động đến môi trường.
Trước hàng loạt nghịch lý như trong khi người dân thành phố bì bõm lội nước thì ở khu vực nông thôn lại khô ráo, nước không tràn vào ruộng vườn được; là nơi có con sông thuộc hàng lớn nhất thế giới mà người dân lại phải trông vào khai thác nước ngầm dẫn đến sụt lún đất đai, nếu không có những giải pháp cấp bách thì tình trạng của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngày càng khó khăn.
Ông Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ cho rằng, để đưa ra được các phương án ứng phó chính xác thì cần phải căn cứ vào số liệu thực tế của từng năm để dự đoán cho tương lai.
Hiện giờ không thể dùng số liệu trung bình nữa mà phải dùng số liệu đỉnh, số liệu cực đoan để có thể làm những công trình phù hợp nhằm ứng phó với những thách thức Đồng bằng sông Cửu Long đã và sẽ đối mặt.